Tổng thuật Webinar ngày 27/11/2022: “VÁN BÀI XÌ DÁCH TRONG TRADEMARK: LÁ BÀI MADRID HAY CÁC LÁ BÀI QUỐC TẾ KHÁC”

Hội thảo trực tuyến lần này do Ban Tổ chức IPLovers thực hiện. Khác với các chương trình trước đó, đây là sự kiện có thu một khoản phí tượng trưng của người tham dự. Trình bày chính tại hội thảo là Chị Trâm Nguyễn – hiện đang làm việc tại Văn phòng luật Gottlieb, Rackman & Reisman, có trụ sở tại thành phố New York. Cùng trình bày một phần nhỏ vào chủ đề là TS. Lê Vũ Vân Anh – hiện đang giảng dạy tại Đại học Oxford (Anh).

Với mong muốn mang lại cảm giác gần gũi, chủ đề hội thảo “tránh đi” các tiêu đề mang tính học thuật, kiểu thực trạng – nguyên nhân – giải pháp. Thay vào đó, Ban tổ chức chọn chủ đề:Ván bài xì dách trong trademark: Lá bài Madrid hay các lá bài quốc tế khác”. Lý giải cho tên chủ đề này, chị Trâm Nguyễn có giải thích, nếu xem đăng ký nhãn hiệu qua hệ thống Madrid là một “quân bài” trong chiến lược xác lập quyền sở hữu trí tuệ thì còn nhiều “lá bài” khác dẫn đến kết quả tốt hơn. Hội thảo tập trung vào khía cạnh hành nghề thực tiễn, những kinh nghiệm “best practice” nhằm tối ưu hóa lợi ích của khách hàng trong việc đăng ký nhãn hiệu qua hệ thống Madrid.

Hội thảo gồm 4 phần chính: (i) Sơ lược về “lá bài” Madrid (ii) Kỹ năng luật sư khi tư vấn khách hàng đăng ký nhãn hiệu qua hệ thống Madrid (iii) Một số lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu tại châu Âu và (iv) Hỏi – đáp. Bốn phần chính được các diễn giả đặt tiêu đề ấn tượng, nhưng để tiện nắm nội dung, người viết đã trình bày lại theo cách hiểu của mình. Do là chương trình hội thảo có trả phí, người viết chỉ tường thuật các điểm chính và hạn chế đề cập cụ thể về nội dung nhằm tạo sự công bằng với người tham dự.

Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu qua hệ thống Madrid và nộp đơn trực tiếp tại quốc gia là hai giải pháp phổ biến nhằm xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu. Tuy nhiên, kinh nghiệm của diễn giả cho thấy, để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu qua hệ thống Madrid, luật sư phải thực sự am hiểu cơ chế vận hành, có kỹ năng thành thạo và một sự khéo léo nhất định trong quá trình thực hiện. Về cơ bản, có nhiều vấn đề phức tạp chỉ phát sinh khi đi sâu vào thực tế, kiểu “những ai đã từng vấp ngã, mới hiểu được cái trắc trở của đường đi”. Bên cạnh hệ thống Madrid, tùy vào vụ việc, luật sư có thể cân nhắc các giải pháp khác tốt hơn rất nhiều. Diễn giả cho biết, ngoài “con đường” phổ biến, vẫn có “lối đi” ít phổ biến nhưng đôi khi mang lại hiệu quả tối ưu hơn. Linh hoạt tìm giải pháp cũng là một kỹ năng hành nghề quan trọng của luật sư.

Khi khách hàng đặt vấn đề bảo hộ nhãn hiệu qua hệ thống Madrid, luật sư hạn chế tối đa việc báo phí trọn gói. Quan điểm này được diễn giả lặp lại nhiều lần, đúc kết từ kinh nghiệm “đau thương” của mình và nhiều đồng nghiệp. Có lẽ thông điệp mà diễn giả gửi gắm là đừng để sai lầm này được lặp lại, dù thực hiện điều này là tương đối khó khăn trong bối cảnh thị trường pháp lý tại Việt Nam.

Trình bày cụ thể hơn về cách báo giá khi tiếp xúc khách hàng, diễn giả giới thiệu một mẫu báo giá để tham khảo, có thể “đem về” sử dụng dài lâu. Kiểu này người tham dự vừa được nghe nói và được “gói” mang về. Mẫu báo giá được thiết kế cẩn thận, rõ ràng và “sòng phẳng” với khách hàng. Từng mục của mẫu báo giá được diễn giả giải thích cặn kẽ, chi tiết và qua đó, chắc hẳn người tham dự không chỉ “tham khảo” mà còn rút được nhiều lưu ý quan trọng. Đoạn này giống bán sản phẩm kèm theo hướng dẫn sử dụng, nếu có bảo hành nữa thì tuyệt vời (hơi tham nhỉ?).

Nhìn chung, theo diễn giả, khách hàng có muôn vạn kiểu (cái này người viết ghi vậy, diễn giả chỉ liệt kê 4 nhóm khách hàng), luật sư cần báo giá rõ ràng, chi tiết và không bị …“lỗ”. Thời gian, công sức, chi phí trả lương,…đều là “cost” và phải cân nhắc thận trọng.

Trong bối cạnh thị trường cạnh tranh, diễn giả chia sẻ 8 lưu ý quan trọng để luật sư, nhất là đang làm ở hãng luật nhỏ hoặc hành nghề độc lập có thể cạnh tranh với “cá mập” ngoài biển khơi. Đây cũng là phần mà diễn giả trình bày rất tâm huyết. Ngoài ra, trong bối cảnh quốc tế, diễn giả cho rằng làm việc với khách hàng và luật sư nước ngoài không còn xa lạ. Luật sư nên hướng tới mối quan hệ “cộng sinh” – từ dùng của diễn giả, thay vì mối quan hệ “mua – bán” đơn thuần. Tuy nhiên, làm việc quốc tế dù ở vị trí nào, cần chú ý thái độ, văn hóa mỗi quốc gia và có ứng xử phù hợp từng hoàn cảnh. Từ những trải nghiệm của diễn giả, chuyện như trong sách giáo khoa trở nên sống động “nói có sách, mách có chứng”, rất sâu sắc và thuyết phục.

Thông qua vài tình huống “quiz” tương tác, diễn giả cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến: chiến lược đăng ký nhãn hiệu quốc tế; kỹ năng tra cứu và kiểm tra tính hợp lệ của danh mục hàng hóa/dịch vụ đi kèm nhãn hiệu. Có những bài học biết sớm hơn thì đã đỡ mất tiền, hic. Khúc này tự an ủi, “học phí” trả bằng tiền thì còn chưa đắt lắm.

Mong muốn trao đổi nhiều hơn nhưng thời lượng có hạn, diễn giả hẹn chương trình khác sẽ trình bày theo từng chủ đề chuyên biệt.

Tiếp đến là phần trình bày của TS. Lê Vũ Vân Anh. Theo diễn giả, thị trường châu Âu rộng lớn với 27 quốc gia mở ra cơ hội kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp, kèm theo là việc xác lập quyền đối với nhãn hiệu tại thị trường này. Với thời lượng ngắn, diễn giả điểm nhanh một số “đặc thù” khi đăng ký nhãn hiệu tại thị trường châu Âu như: nguyên tắc lãnh thổ có thể hiểu khác đi; một số trường hợp tưởng như bị từ chối do vi phạm trật tự công cộng nhưng vẫn có ngoại lệ; việc thay đổi mẫu nhãn hiệu gần như rất khó trừ khi chứng minh rõ ràng là không làm thay đổi lớn và một số lưu ý quan trọng khác. Kèm theo các lưu ý này, diễn giả cũng đưa ra các “case study” thực tiễn để minh họa.

Thời lượng ít ỏi còn lại, hai diễn giả trả lời các câu hỏi về chiến lược nộp đơn qua hệ thống Madrid, giải quyết trường hợp đơn gốc có dự định từ chối từ cơ quan đăng ký, chuyện net-working và chuyện…thù lao của luật sư.

Trải qua 3 tiếng trình bày, hai diễn giả đã mang đến nhiều câu chuyện thực tiễn trong quá trình hành nghề, tập trung vào các kỹ năng của luật sư khi đăng ký nhãn hiệu qua hệ thống Madrid. Dù vẫn khẳng định ưu điểm của hệ thống này, diễn giả lưu ý luật sư cần thận trọng khi thực hiện và cân nhắc lựa chọn con đường khác nếu mang lại kết quả tối ưu hơn cho khách hàng.

Sài Gòn, 27/11/2022

Nguyễn Thái Hải Lâm

Chú thích:

Hình minh họa của Ban Tổ chức IPLover.

Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *