GHI CHÉP NHANH TỪ HỘI THẢO TRỰC TUYẾN: “CÁC BIỆN PHÁP DÂN SỰ ĐỐI VỚI HÀNH VI XÂM PHẠM BÍ MẬT KINH DOANH”

Ngày 24/11/2022, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề:“các biện pháp dân sự đối với hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh” [1]. Buổi hội thảo diễn ra trong khoảng 01 giờ, trong đó 45 phút cho phần trình bày của chuyên gia James Pooley và còn lại là cho phần hỏi – đáp.

Mở đầu, chuyên gia James Pooley nêu lên các điều kiện bảo hộ cũng như mục tiêu bảo hộ của bí mật kinh doanh. Theo đó, bí mật kinh doanh có đối tượng bảo hộ là các thông tin, có thể kể đến như: danh sách khách hàng, danh sách nhà cung cấp, báo cáo nghiên cứu thị trường,…Tuy nhiên, các thông tin này chỉ được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh khi đáp ứng các điều kiện bảo hộ gồm: (i) thông tin không bị bộc lộ công khai (ii) thông tin đem lại cho người nắm giữ một lợi thế và (iii) chủ sở hữu đã thực hiện “reasonable steps” để bảo vệ. Theo chuyên gia, thông thường có 3 yếu tố để đánh giá “reasonable step”:

  • Giá trị của thông tin.
  • Nguy cơ thông tin bị mất hay xâm phạm.
  • Xem xét các biện pháp giảm nhẹ thiệt hại.

“Reasonable step” là quy định thường gặp trong pháp luật Anh – Mỹ, tương tự như các thuật ngữ như: “reasonable person”, “reasonable doubt”… Ngoài nội dung này, nhìn chung, các quy định về bí mật kinh doanh mà diễn giả trình bày cũng tương tự các quy định trong pháp luật Việt Nam. Có lẽ sự “gần gũi” này đến từ việc pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã hội nhập với thế giới. Ngoài ra, chuyên gia James Pooley cũng đưa ra “chiến lược” với 4 hoạt động cụ thể nhằm bảo vệ bí mật kinh doanh.

Theo chuyên gia James Pooley, bí mật kinh doanh dường như không hẳn là quyền sở hữu trí tuệ (một “real IP”). Bởi lẽ, bí mật kinh doanh có thể chịu sự chi phối của rất nhiều quy định pháp luật có liên quan như: hợp đồng, bồi thường thiệt hại, cạnh tranh không lành mạnh, lao động,….Tuy nhiên, trong mối quan hệ với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh “kết thân” với sáng chế. Vì vậy, chủ sở hữu có thể cân nhắc bảo hộ thông tin mật của mình với một trong hai đối tượng này (đoạn này có lẽ chuyên gia quên lưu ý, sáng chế có thể được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh nhưng chưa hẳn có điều ngược lại, bí mật kinh doanh có thể không đủ điều kiện bảo hộ dưới dạng sáng chế). Chia sẻ kinh nghiệm của mình, chuyên gia James Pooley đưa ra vài gợi ý làm tiêu chí để lựa chọn như:

  • Chi phí đăng ký và duy trì sáng chế.
  • Thời gian khai thác thương mại của sáng chế.
  • Khả năng sáng chế bị phân tích ngược từ sản phẩm.
  • Khả năng chuyển giao/cấp quyền sáng chế cho chủ thể khác.
  • Dùng sáng chế làm “đòn bẩy” truyền thông/thông điệp từ chủ sở hữu.

Dù đã “nhận diện” và bảo hộ, bí mật kinh doanh cũng có nguy cơ bị tiết lộ. Theo chuyên gia James Pooley, các tranh chấp thường xuất phát từ (i) quan hệ lao động và (ii) các quan hệ kinh doanh khác. Tương ứng từ các “nguồn” này, chuyên gia khuyến nghị nên có hoạt động “điều tra” và chiến lược bảo mật công thức. Trường hợp thấy cần thiết phải đưa tranh chấp giải quyết tại Tòa án, chuyên gia đưa ra vài điểm lưu ý để cân nhắc:

  • Chi phí kiện tụng (ngoài phí luật sư tại Hoa Kỳ rất đắt đỏ tùy thuộc vào độ phức tạp của vụ việc, chuyên gia cho rằng thời gian, công sức cũng như sự ảnh hưởng của tin tức kiện tụng lên quan hệ với nhà cung cấp, khách hàng cũng có thể là “cost”).
  • Nguy cơ bí mật kinh doanh bị tiết lộ tại Tòa án. Điểm này, chuyên gia lưu ý tùy vào triết lý pháp luật của mỗi quốc gia có bảo mật tranh chấp liên quan đến bí mật kinh doanh không. Chuyên gia cũng cho biết thực tiễn tại Trung Quốc từng ghi nhận việc bí mật kinh doanh bị tiết lộ khi giải quyết tại Tòa án.
  • Sử dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
  • Tính toán thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường.

Ngoài Tòa án, chuyên gia cũng đề cập đến việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài với các ưu điểm như nhanh – gọn, bảo mật và có thể lựa chọn trọng tài viên am hiểu và kinh nghiệm giải quyết tranh chấp về bí mật kinh doanh.

Để có chiến lược bảo vệ bí mật kinh doanh, chuyên gia khuyến nghị nên lưu tâm đến “3 khu vực rủi ro” gồm: Con người (people), quy trình (process) và quản lý (management).

  • Về con người (people), chuyên gia chủ yếu tập trung vào người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, xuyên suốt quá trình “tuyển – dạy – dùng – giữ – thải”, các “ông chủ” cần có các ràng buộc pháp lý cũng như biện pháp phù hợp để tránh “rò rỉ” bí mật kinh doanh. Theo chuyên gia, kinh nghiệm cho thấy việc “training” người lao động nhằm nâng cao ý thức về bí mật kinh doanh tỏ ra là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ bí mật kinh doanh với chi phí thấp.
  • Về quy trình (process), chuyên gia khuyến nghị các chính sách trong doanh nghiệp phải rõ ràng, không ngừng củng cố sau các “tai nạn” và lưu tâm thích hợp tới mạng xã hội.
  • Về quản lý (management), trong hoạt động kinh doanh, chuyên gia khuyến nghị sử dụng các thỏa thuận bảo mật thông tin cũng như cụ thể hóa các mong muốn trong việc bảo mật. Dĩ nhiên, kèm theo các thỏa thuận là chế tài phù hợp.

Cuối phần trình bày, chuyên gia khuyến nghị nên lên kế hoạch bảo hộ tổng thể nhằm mục đích: phát hiện và kiểm soát các nguy cơ, có các đầu mối chịu trách nhiệm và thường xuyên kiểm soát nhằm điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Nhìn chung, dù thời lượng ngắn nhưng chuyên gia James Pooley hệ thống và trình bày nhiều nội dung hữu ích liên quan đến bí mật kinh doanh. Các khuyến nghị rất đáng để doanh nghiệp quan tâm và áp dụng vào thực tiễn.

Sài Gòn, 25/11/2022

Nguyễn Thái Hải Lâm

Chú thích:

[1] Tên gốc của hội thảo là “Civil Remedies for Trade Secret Misappropriation”.

Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *