MỘT VÀI VẤN ĐỀ VỀ PHÁP LUẬT TRỌNG TÀI QUA MỘT NỘI DUNG TRONG ĐIỀU LỆ

Cách đây ít hôm, truyền thông đưa tin về một doanh nghiệp xây dựng niêm yết trên sàn HOSE vướng phải các tranh chấp nội bộ. Điều lệ của doanh nghiệp này có quy định về phương thức giải quyết tranh chấp nội bộ. Nội dung chi tiết như hình kèm theo bài viết. Nội dung điều khoản giải quyết tranh chấp nội bộ này đặt ra một số vấn đề pháp lý thú vị về pháp luật trọng tài.

Các bên có cần phải bắt buộc thực hiện hòa giải, thương lượng rồi mới có quyền khởi kiện tại trọng tài hay không?

Các bên thỏa thuận trong Điều lệ theo hướng ưu tiên thương lượng, hòa giải và Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ chủ trì việc này. Trường hợp tranh chấp liên quan đến Hội đồng quản trị hay Chủ tịch Hội đồng quản trị thì các bên có quyền chỉ định một chuyên gia làm trung gian hòa giải. Khi “không đạt được quyết định hòa giải trong vòng 06 tuần từ khi bắt đầu quá trình hòa giải hoặc quyết định của trung gian hòa giải không được các bên chấp nhận, một bên có thể đưa tranh chấp đó ra Trọng tài hoặc Tòa án”.

Tổng quan, đây là dạng thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng. Theo đó, các bên thỏa thuận các giải pháp tiền tố tụng và chỉ khi tranh chấp không thể giải quyết qua bước này thì lúc đó một trong các bên mới có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc Trọng tài.

Từ góc độ văn bản, pháp luật trọng tài không đề cập đến mối liên hệ giữa thủ tục tiền tố tụng với tố tụng trọng tài. Theo đó, pháp luật trọng tài quy định “tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài” [1]. Với cách tiếp cận này, dường như pháp luật theo hướng trọng tài không có nghĩa vụ phải xét đến các bên có thỏa thuận về thủ tục tiền tố tụng hay đã có thực hiện thủ tục tiền tố tụng hay chưa. Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là sự thỏa thuận mà “mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.[2] Như vậy, một thỏa thuận tiền tố tụng như trên không vi phạm điều cấm của luật và có giá trị ràng buộc các bên, bên thứ ba (như Tòa án, Trọng tài,….) cần phải tôn trọng. Chính vì sự chưa rõ ràng từ góc độ văn bản nên thực tiễn cũng có những phán quyết trái ngược nhau.

Thực tiễn cho thấy, đã có trường hợp Tòa án hủy phán quyết trọng tài vì các bên đã thỏa thuận phải “đàm phán trên tinh thần thiện chí hợp tác” và chỉ khi hai bên không tìm được sự đồng thuận mới tiến hành khởi kiện tại Trọng tài. Vì vậy, việc Trọng tài thụ lý khi các bên chưa thực hiện thủ tục tiền tố tụng (đàm phán) mà Trọng tài đã giải quyết là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trọng tài và hệ quả là phán quyết trọng tài bị hủy [3]. Ngược lại, có Tòa án cho rằng pháp luật trọng tài không buộc Trọng tài phải xem xét thẩm quyền của mình dựa trên thỏa thuận tiền tố tụng của các bên và quyền hòa giải của các bên không mất đi trong suốt quá trình tố tụng trọng tài nên yêu cầu hủy phán quyết là không có căn cứ [4].

Trước việc quy định pháp luật chưa rõ ràng và bất nhất trong thực tiễn, đây là vấn đề cần được các nhà lập pháp làm rõ trong thời gian tới. Trước khi pháp luật có sự điều chỉnh, mong rằng thực tiễn giải quyết tranh chấp có thể phần nào giải đáp các vướng mắc này.

Điều lệ của doanh nghiệp này quy định “…một bên có thể đưa tranh chấp ra trọng tài hoặc Tòa án” có mơ hồ không? Hay nói cách khác, liệu đây có phải là thỏa thuận trọng tài không? Nếu thỏa thuận vừa Tòa án vừa Trọng Tài thì cơ quan nào giải quyết?

Pháp luật trọng tài Việt Nam quy định chỉ cần có thỏa thuận trọng tài, thể hiện ý chí đồng thuận các bên về việc đưa tranh chấp ra trọng tài thì đã tạo thành thỏa thuận trọng tài [5]. Quy định này cũng tương đồng với xu hướng pháp luật quốc tế như Luật Mẫu UNCITRAL hay Công ước New York 1958. Như vậy, quy định tại Điều lệ của doanh nghiệp này cho thấy đã tồn tại một thỏa thuận trọng tài.

Trường hợp các bên thỏa thuận “trọng tài hoặc Tòa án” như trên thì theo pháp luật trọng tài, thỏa thuận trọng tài sẽ được ưu tiên. Điều này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao khẳng định [6] và thực tế không hiếm trường hợp Tòa án từ chối thụ lý giải quyết nếu các bên vừa thỏa thuận Tòa án, vừa lựa chọn Trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp.

Trường hợp không chỉ rõ trung tâm trọng tài nào thì giải pháp mà luật đặt ra là các bên sẽ thỏa thuận lại. Trường hợp không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn. [7]

Trong trường hợp cụ thể của Điều lệ này, thỏa thuận “nước đôi” như trên có lẽ do doanh nghiệp này tham khảo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ mẫu của Bộ Tài chính – khuyến nghị sử dụng đối với công ty đại chúng.

Về việc đây có phải tranh chấp thương mại để trọng tài thương mại giải quyết không?

Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì đây là tranh chấp thương mại và và do vậy không giới hạn thẩm quyền của trọng tài. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp cũng quy định Trọng tài hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong doanh nghiệp như hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và thực tế cũng có các vụ án kiểu như vầy đã được giải quyết tại Trọng tài. Theo tác giả, không có vấn đề gì về thẩm quyền của Trọng tài trong vụ việc này.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, trọng tài có thẩm quyền tuyên Nghị quyết/Quyết định của Hội đồng quản trị không?

Pháp luật doanh nghiệp hiện hành không quy định Trọng tài có thẩm quyền hủy nghị quyết của Hội đồng quản trị. Vì vậy, có quan điểm cho rằng trọng tài không có thẩm quyền này. Ngược lại, cũng có quan điểm cho rằng khi đã đủ điều kiện để trọng tài thụ lý giải quyết thì với chức năng tài phán, Trọng tài phải có thẩm quyền để giải quyết dứt điểm vụ án.

Hy vọng trong thời gian tới, vấn đề nêu trên sẽ được làm rõ.

Sài Gòn, 07/01/2023

Nguyễn Thái Hải Lâm

Chú thích:

[1] Điều 5.1 Luật Trọng tài Thương mại 2010.

[2] Điều 2.3 Bộ luật Dân sự 2015.

[3] Quyết định số 10/2014/QĐ-PQTT ngày 28/10/2014 của Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội.

[4] Quyết định số 526/2013/KDTM-QĐ ngày 15/5/2013 của Tòa án Nhân dân TP.HCM.

[5] Điều 3.2 Luật Trọng tài thương mại 2010.

[6] Điều 4.2 Nghị quyết 01/2014/NĐ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

[7] Điều 43.4 Luật Trọng tài thương mại 2010.

Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *