VÌ SAO PHẢI CẦN TRẢI NGHIỆM MỚI “THẤM”?

“Chỉ những ai từng bị vấp ngã mới biết được cái trắc trở của đường đi.”[1]

Trong cuộc sống, phần lớn chúng ta khi có trải nghiệm nhất định thì mới cảm nhận được sự sâu sắc của vấn đề. Nghĩ lại, một vài câu chuyện nhỏ mà mình chợt nhớ có sự tương đồng về điều này.

Từ chuyện nghề

Khi hướng dẫn sinh viên thực tập, ngoài việc tạo điều kiện để các bạn tiếp cận thực tế, mình cố gắng đặt nhiều vấn đề pháp lý để các bạn tìm hiểu thêm. Với các vấn đề pháp lý phức tạp hoặc khó khăn khi áp dụng vào thực tế, mình giới thiệu nhiều nguồn tài liệu để các bạn tham khảo, giải quyết. Xa hơn, đó có thể là “của để dành” cho mấy bạn khi hành nghề. Trái với kỳ vọng, khi được giới thiệu các tài liệu này, hầu hết các bạn thực tập sinh có đọc nhưng …cũng chỉ có vậy. Các bạn chưa hình dung được mức độ phức tạp của vấn đề nên không “mặn mà”, dành một sự quan tâm nhất định.

Ví dụ, chế tài phạt trong Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự là hoàn toàn khác nhau. Trong khi mức phạt trong lĩnh vực dân sự là không giới hạn thỏa thuận thì lĩnh vực thương mại bị “chặn trần”. Vì vậy, nếu không xác định được hợp đồng điều chỉnh bởi Luật Thương mại hay Bộ luật Dân sự thì việc áp dụng pháp luật sẽ vô cùng khó khăn, kèm theo đó là hệ quả pháp lý. Trường luật có dạy. Nhưng trên thực tế ranh giới giữa hai lĩnh vực này rất nhạt nhòa.

Giải quyết vấn đề này, mình gửi khá nhiều tài liệu của các chuyên gia, phân tích các điều kiện để chọn Luật Thương mại hay Bộ luật Dân sự nhưng các bạn chỉ đọc và nghe mình “chém gió” …rồi thôi. Như chưa có gì mới mẻ, đó là điều hiển nhiên.

Mình nghĩ hầu hết là do các bạn chưa gặp một giao dịch rơi vào trường hợp vướng mắc như vậy nên chưa nhìn ra tầm quan trọng của vấn đề. Mình tin, nếu đã từng gặp, các bạn sẽ có thái độ khác về chủ đề này.

Đâu phải ngẫu nhiên mà một số hệ thống luật quy định phải tốt nghiệp một trường đại học mới được thi vào trường luật. Luật đâu chỉ là những con chữ khô khan…

Đến chuyện đời

Gần đây, mình đọc lại quyển sách cách đây nhiều năm. Có nhiều nội dung làm mình phải liên hệ với cuộc sống của mình và “thấm” hơn rất nhiều. Vì sao khi còn sinh viên, cũng là quyển sách này nhưng lại không cảm nhận được những điều đó? Đơn giản, vì lúc ấy cuộc sống sinh viên chưa va chạm nhiều, cuộc sống về cơ bản vẫn xoay quanh việc học và tham gia các hoạt động xã hội. Sau gần chục năm, có nhiều nội dung khi đọc lại mà có cảm giác tác giả đang viết về cuộc sống của mình. Có khi chính xác đến từng câu, từng chữ.

Một cậu sinh viên ngày ấy không đủ “vốn sống” để cảm nhận những điều hay ho, sâu sắc mà tác giả đề cập. Cũng như các bạn sinh viên luật còn ngồi trên ghế nhà trường, khó hình dung sự phức tạp khi luật đi vào cuộc sống.

Một vài câu chuyện nhỏ để thấy, trải nghiệm rất cần thiết trong hành trình phát triển của mỗi cá nhân. Mà để có trải nghiệm, cách “gọn” nhất là lao vào cuộc sống.

Sài Gòn, ngày 13/02/2023.

Nguyễn Thái Hải Lâm

Chú thích:

[1] Đoạn văn trên được trích từ tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của nhà văn Colleen McCullough.

Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *