ĐỀ XUẤT THAY ĐỔI TUỔI NGHỈ HƯU – “CHÙN CHÂN” KHI CHƯA ĐI TỚI MỘT NỬA LỘ TRÌNH?

Bài viết này được đăng tải lần đầu trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn ngày 18/5/2023, bản online ngày 23/5/2023 có thể đọc tại đây https://thesaigontimes.vn/de-xuat-thay-doi-tuoi-nghi-huu-chun-chan-khi-chua-di-toi-mot-nua-lo-trinh/

Vừa qua, truyền thông đưa tin 8 Hiệp hội đã gửi đến Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) [1]. Trong nhiều nội dung, nhóm Hiệp hội này đề xuất người lao động được nghỉ hưu sớm theo nguyện vọng với nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm, mức lương hưu được hưởng sẽ theo tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội. Nếu đề xuất này được thông qua, điều đó nghĩa là Bộ luật Lao động phải sửa đổi để tương thích. Tuy vậy, đề xuất này cũng gợi mở đôi điều về việc xây dựng pháp luật trong thời gian qua

Tuổi nghỉ hưu là nội dung đã từng được bàn luận sôi nổi khắp các diễn đàn trước khi Bộ luật Lao động 2019 được ban hành. Trước các luồng ý kiến, các nhà lập pháp chọn giải pháp trung dung, tránh gây “sốc” cho thị trường lao động mà vẫn đảm bảo mục tiêu thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết số 28-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Theo đó, Chính phủ chọn giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình và đưa ra 4 lý do chính để thuyết phục Quốc hội thông qua, bao gồm [2]:

(i) Bảo đảm sự phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng của lực lượng lao động.

(ii) Chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam.

(iii) Tham khảo kinh nghiệm, thông lệ của các quốc gia trên thế giới về xác định tuổi nghỉ hưu.

(iv) Việc nâng tuổi nghỉ hưu nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi là bước đi cần thiết, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, nhất là với nữ.

Với các lý do trên, Quốc hội đã thông qua phương án nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình và chúng ta có kết quả là quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình, cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Sau khoảng 02 năm có hiệu lực, Bộ luật Lao động đứng trước nhu cầu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu khi chưa đi được một nửa “lộ trình” mà nó đã đặt ra trước đó. Các doanh nghiệp ghi nhận người lao động chủ yếu thuộc nhóm lao động chân tay, đến năm 55 – 60 tuổi thì sức khỏe cũng đã giảm sút, khó đảm bảo được yêu cầu công việc. Nếu đợi đúng “lộ trình” để nhận lương hưu thì doanh nghiệp…lãnh đủ, vừa phải chi trả lương, phụ cấp đều đặn nhưng năng suất lao động nhận được lại không bằng so với trước. Vì lẽ đó, doanh nghiệp mong muốn có cơ chế “thoáng” hơn để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động.

Đề xuất của nhóm Hiệp hội phần nào có lý, nhưng cũng làm cho người ta băn khoăn về một vấn đề khác. Phải chăng, đề xuất này cũng gợi ý chúng ta nên nhìn nhận lại quá trình ban hành quy định về độ tuổi nghỉ hưu. Trước đó, để thuyết phục việc tăng tuổi hưu theo lộ trình, các Cơ quan bộ ngành đã lấy ý kiến, tổng kết thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Nhưng rồi, điều mà chúng ta đúc kết và ghi thành luật lại không tương thích với nhu cầu cuộc sống, nơi mà các quy định pháp luật được áp dụng, thực thi.

Chấp nhận đề xuất sửa đổi đồng nghĩa với việc thừa nhận một vấn đề nhỏ tồn tại trong quá trình lập pháp. Điều này không quá khó và cũng không xa lạ ở nước ta. Tuy nhiên, hệ quả là sự xáo trộn ít nhiều trong các quan hệ xã hội khi đứng trước các thay đổi của pháp luật. Khi đó, thay vì đóng vai trò là đôi bờ êm đềm cho dòng sông cuộc sống như cách người ta ví von, pháp luật dường như “vặn sườn” để “nắn” dòng chảy theo ý của riêng mình. Điều đó cũng cho thấy pháp luật đã chạy sau sự vận hành của cuộc sống.

Đã từ lâu, chúng ta bàn luận về tính ổn định và dự báo trong quy định pháp luật. Để thu hút dòng vốn đầu tư, chúng ta cần cho thấy chính sách pháp luật nhất quán, ổn định và dự báo được. Quan trọng hơn, pháp luật phải cho thấy sự phù hợp với cuộc sống muôn màu. Từ ngàn xưa, chẳng phải từ những quy tắc ứng xử hợp với lẽ công bằng, cuộc sống tự nhiên và được Nhà nước ghi nhận thì các quy tắc này trở thành pháp luật hay sao.

Một chính sách pháp luật ổn định, phù hợp sẽ giúp người dân có thêm thì giờ tập trung vào sinh kế, doanh nghiệp cũng lấy đó làm cơ sở mà vạch ra các chiến lược dài hơi của mình. Nếu không có sự ổn định, pháp luật khó đóng vai trò nền tảng để người dân, doanh nghiệp để tạo ra những “cú hích” ở các lĩnh vực, đóng góp cho sự phồn vinh của đất nước. Bởi lẽ, chỉ riêng việc cập nhật và thực thi trong bối cảnh pháp luật thay đổi thường xuyên – nhất là các quy định có tính chất dài hơi sẽ làm hao tốn biết bao nguồn lực của xã hội.

Đề xuất từ các Hiệp hội có được chấp nhận hay không trên thực tế thì cần chờ thêm thời gian. Nhưng độ vênh giữa chính sách với thực tiễn đang hiện hữu thì liệu có ai đó đứng ra nhận trách nhiệm của mình? Nếu dễ dàng thông qua một đạo luật nhưng lại không có cơ chế chịu trách nhiệm, e rằng “tuổi thọ” của các đạo luật sẽ ngày càng ngắn, kèm theo đó mầm mống của sự bất an, lo âu trong xã hội gia tăng.

Sài Gòn, ngày 09/5/2023

Nguyễn Thái Hải Lâm

Chú thích:

[1] Xem thêm bài viết “8 Hiệp hội đề xuất giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, giảm tuổi nghỉ hưu”, Tuổi trẻ online, Hà Quân https://tuoitre.vn/8-hiep-hoi-de-xuat-giam-ti-le-dong-bao-hiem-xa-hoi-giam-tuoi-nghi-huu-20230506225414263.htm

[2] Xem thêm Tờ trình số 208/TTr-CP ngày 17/5/2019 của Chính phủ về Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *