LUẬT VỀ CHỨNG CỨ

“Anh nói với người phu quét đường

Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em”

Hai câu trên là ca từ trong bài “Anh đến thăm em đêm ba mươi” của nhạc sỹ Vũ Thành An, phổ thơ Vũ Đình Toàn. Khi yêu, sự lãng mạn có thể biến mọi vật trở thành bằng chứng một cách bắt đắc dĩ như vậy. Trong khoa học pháp lý, bằng chứng đòi hỏi các yêu cầu khắt khe hơn.

Cổ luật xưa đứng giữa sự phân tranh về tiêu chuẩn của chứng cứ, phổ biến là 2 quan điểm sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng chứng cứ cần được tự do viện dẫn. Dựa vào chứng cứ mà đương sự cung cấp, Tòa án sẽ lượng ra giá trị và quyết định có chấp nhận chứng cứ đó hay không. Nôm na là đương sự có thể cung cấp bất kỳ chứng cứ gì để chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp pháp, kể cả không cung cấp thì có thể THỀ (sự thề quyết định). Đây gọi là giải pháp chứng cứ tự do hay giải pháp tâm chứng (vì chủ yếu dựa vào thâm tâm của Thẩm phán). Dễ thấy, giải pháp này trao thẩm quyền quá rộng cho Tòa án.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng, nhà làm luật sẽ quy định rõ giá trị của từng loại chứng cứ, tức có thang độ đánh giá rõ ràng và chứng cứ nào sẽ được ưu tiên nếu chúng mâu thuẫn với nhau. Ví dụ, nếu văn bản chứng thực mâu thuẫn với lời khai của nhân chứng thì văn bản chứng thực sẽ được ưu tiên. Vì luật đã quy định vậy nên Tòa án phải tuân theo. Đây gọi là giải pháp chứng cứ pháp định. Cách này có vẻ khắc phục được hạn chế của giải pháp đầu tiên nhưng lại tỏ ra cứng nhắc và không dễ áp dụng, nhất là các vụ việc phức tạp.

Pháp luật tố tụng hiện hành dường như tiếp cận theo quan điểm thứ nhất. Cụ thể, pháp luật đề cập các nguồn chứng cứ, các điều kiện để được xem là chứng cứ. Tuy nhiên, pháp luật không định ra giá trị giữa các chứng cứ, đặc biệt trong trường hợp có mâu thuẫn thì xử lý thế nào. Vì vậy, Tòa án sẽ cân nhắc và quyết định tùy vào vụ việc cụ thể.

Vì không có một thang độ đánh giá chứng cứ nên có thể xảy ra một số trường hợp sau:

Tòa cấp trên có thể cho rằng Tòa cấp dưới sử dụng và đánh giá chứng cứ không phù hợp. Vì lẽ đó, bản án có nguy cơ bị sửa hoặc bị hủy bởi Tòa cấp trên mà hệ quả là vụ án kéo dài, chi phí xã hội tăng lên.

Ví dụ, A vay tiền B có lập văn bản và có C làm chứng, tiền được giao ngay khi ký. Tới hạn, B không trả nên A kiện ra Tòa.

Tại Tòa sơ thẩm, B nói có ký giấy mượn tiền nhưng A chưa giao tiền nên B không có nghĩa vụ trả nợ. C cũng làm chứng là không thấy A giao tiền cho B. Ngược lại, A đưa tin nhắn zalo cho thấy B trả lời đã nhận.

Tòa sơ thẩm sẽ dựa vào lời khai của C hay tin nhắn của A? Tòa sơ thẩm dựa vào lời khai của nhân chứng C và cho rằng tin nhắn zalo không đáng tin cậy thì sẽ bác yêu cầu khởi kiện của A. Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm có thể nhận định ngược lại, rằng B đã xác nhận qua zalo nên có cơ sở cho thấy A đã giao tiền, lời khai của C không có gì đảm bảo chính xác.

Bối cảnh khác thì dung hòa hơn. Đương sự cung cấp chứng cứ mới và tòa cấp trên sử dụng chứng cứ này, ra phán quyết trái ngược với Tòa cấp dưới. Nghĩa là, tại giai đoạn sơ thẩm, với chứng cứ trong hồ sơ vụ án, Tòa cấp dưới đã xử lý đúng. Nhưng lên cấp trên, với chứng cứ mới, Tòa phúc thẩm có quan điểm khác và …cả hai cấp Tòa đều đúng. Luật tố tụng hiện hành có quy định nhằm hạn chế việc cung cấp chứng cứ mới tại giai đoạn phúc thẩm, nhưng trên thực tế thì chứng cứ được cung cấp trong giai đoạn phúc thẩm vẫn có và để đảm bảo khách quan, Tòa án vẫn phải sử dụng chứng cứ mới này.

Vẫn là ví dụ nêu trên, nhưng thay vì đưa tin nhắn zalo thì tại cấp phúc thẩm, A khai rằng nhớ nhầm, tiền vay thực chất là chuyển khoản và A cung cấp sao kê ngân hàng, cho thấy tiền đã chuyển vào tài khoản mang tên của B. Khi đó, Tòa phúc thẩm có thể hủy hoặc sửa bản án của Tòa sơ thẩm mà vẫn “giữ mặt” cho cấp dưới.

Các tình huống kể trên không khó gặp trong bản án hiện nay, phổ biến là việc ưu tiên sử dụng chứng cứ nào, sẽ dẫn đến hệ quả pháp lý khác nhau.

Khi đứng giữa các quan điểm về chứng cứ nêu trên, cổ luật Việt Nam có cách tiếp cận tương đối dung hòa. Theo đó, các nhà lập pháp nhận thấy tranh chấp đến từ 2 nguồn chủ yếu là (i) chứng thư pháp lý và (ii) sự kiện pháp lý. Từ cách phân loại nguồn mà yêu cầu về chứng cứ cũng khác nhau.

Đối với nguồn thứ nhất thì chứng cứ phải được dẫn chứng bằng các phương tiện dẫn chứng hoàn toàn, theo thang độ tin cậy lần lượt giảm từ: bút chứng, sự thú nhận và cuối cùng là lời thề.

Đối với nguồn thứ hai thì tự do dẫn chứng, trong đó có thể cậy nhờ nhân chứng hay suy đoán.

Như vậy, tạm hình dung đối với tranh chấp có nguồn là chứng thư pháp lý, nhà làm luật theo quan điểm chứng cứ pháp định và với sự kiện pháp lý thì theo quan điểm chứng cứ tự do. Tổng quan là vậy nhưng ở mỗi nguồn, các nhà lập pháp cũng đặt ra các biệt lệ để linh hoạt cho các tranh chấp. Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả không đi vào cụ thể các biệt lệ trong cổ luật Việt Nam.

Thay vào đó, nhìn tổng quan khung lý thuyết để thấy rằng, để giải quyết dứt điểm một tranh chấp, pháp luật hiện hành cần sửa đổi, phải lượng hóa và có thang độ đánh giá chứng cứ. Biết rằng giải pháp này cũng có hạn chế nhưng trước hết giải quyết được hai vấn đề:

Một là, hạn chế việc các cấp Tòa có quan điểm trái ngược nhau chỉ vì sử dụng chứng cứ. Từ đó, vụ án được giải quyết nhanh chóng, chi phí xã hội nói chung được tiết kiệm cho việc khác.

Hai là, đương sự có thể dựa vào thang độ đó mà chủ động lưu chứng phù hợp, tùy vào mức độ quan trọng của giao dịch.

Theo tìm hiểu của tác giả, cũng đã có nhiều ý kiến của người hành nghề luật cho rằng nên ban hành một đạo luật về chứng cứ, thay vì chỉ một số quy định chiếm một phần nhỏ trong bộ luật tố tụng như hiện nay. Tuy nhiên, ý kiến vẫn chỉ dừng lại ở buổi trao đổi bên lề hay xa hơn là hội thảo, hội nghị, bài báo,…chứ vẫn chưa được ghi nhận trên thực tế.

Sài Gòn, ngày 05/02/2024

Nguyễn Thái Hải Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *