LUẬT SƯ LÀ MỘT LÝ THUYẾT GIA HAY THỰC HÀNH GIA?

Luật sư là một lý thuyết gia hay thực hành gia?

Trong suy nghĩ của không ít người, luật sư thường giải quyết các vụ việc cụ thể mà khách hàng, bất luận là tranh tụng hay tư vấn. Điều đó hàm ý rằng luật sư thiên về việc nghiên cứu pháp luật thực định, sử dụng kỹ năng, kinh nghiệm để giải quyết vấn đề pháp lý. Vì vậy, luật sư thường được xếp vào nhóm thực hành gia. Đây chỉ là bề nổi và phần chìm của tảng băng thường thường ít được quan tâm.

Trên thực tế, dù hành nghề ở bất kỳ lĩnh vực nào, luật sư cũng cần nghiên cứu các lý thuyết pháp lý thậm chí lịch sử lập pháp, tài liệu lập pháp và quan điểm của các nhà khoa học pháp lý…chứ không đơn thuần dừng lại ở việc tiếp cận pháp luật thực định hay thực tiễn từ cơ quan hành chính, cơ quan xét xử. Hãy hình dung, nếu luật sư không nắm rõ học thuyết về quyền tự nhiên thì sẽ khó giải thích thấu đáo cho khách hàng ý nghĩa của việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ. Nếu không tìm hiểu tài liệu lập pháp, luật sư cũng gặp khó khăn trong việc giải thích vì sao pháp luật lao động có các quy định riêng về lao động nữ, hay việc bổ sung các quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong Bộ luật lao động 2019,…hay gần gũi với nghề nghiệp, việc tìm hiểu Luật Luật sư được ban hành trong bối cảnh nào cũng giúp hiểu hơn về vai trò của luật sư trong dòng chảy của xã hội.

Luật sư cần nghiên cứu học thuật phục vụ cho nhiều mục đích.

Trước mắt, luật sư hiểu sâu về vấn đề pháp lý đang gặp phải và từ đó có thể đưa ra hướng xử lý hoặc ý kiến tư vấn cho khách hàng. Dĩ nhiên, với ý kiến pháp lý chất lượng, luật sư cũng có quyền đòi hỏi thù lao tương xứng. Từ khía cạnh này, mục tiêu cũng là một động lực tốt để luật sư quan tâm hơn về việc nghiên cứu.

Xa hơn, các quan điểm học thuật tạo nền tảng vững chắc để các ý kiến của luật sư không phải chỉ giới hạn ở việc giải quyết vụ việc mà còn có thể tác động lên quan điểm của nhà lập pháp, cơ quan xét xử, cơ quan hành chính. Nhiều ý kiến của luật sư được ghi nhận trong quá trình sửa đổi các văn bản pháp luật là một minh chứng cho điều này. ­­­­­Tuy điều này vẫn còn hạn chế trên thực tế, nhưng xu hướng này cần được duy trì và phát triển trong thời gian tới.

Ngoài các mục đích chính yếu kể trên, luật sư nghiên cứu học thuật có thể còn có nhiều mục đích khác như: ôn luyện và mở mang kiến thức, hình thành thói quen học hỏi hay phát triển kỹ năng tìm kiếm, tra cứu, phản biện.

Như vậy, luật sư không chỉ là thực hành gia mà có thể là lý thuyết gia. Việc phân loại chỉ mang tính chất tương đối và không nên giới hạn ở việc chỉ chuyên lý thuyết hay thực hành. Xin trích một vài bình luận của giáo sư Vũ Văn Mẫu để kết lại bài này:

“Sự phân biệt giữa lý thuyết và thực hành trong luật học xét ra cũng quá đáng. Pháp luật có mục đích quy định các sự giao thiệp giữa các phần tử trong xã hội. Quy tắc pháp luật tất nhiên phải là quy tắc đi sát thực tế đời sống hằng ngày. Như vậy, dù muốn nghiên cứu pháp luật về phương diện lý thuyết, luật gia cũng không thể lãng quên các sự kiện thực tế của trường đời. Trái lại, các thẩm phán, các luật sư mặc dầu ngày thường vẫn giải quyết các vấn đề pháp lý đã xảy ra trong thực tế, song cũng không thể nào không nghiên cứu các lý thuyết, các quy tắc pháp lý.

Một luật gia, bất luận công việc của nghề nghiệp hướng dẫn vào đường nào, cũng không thể phân tách lý thuyết và thực hành để nhãng bỏ một trong hai yếu tố ấy. Lý thuyết gia hay thực hành gia bao giờ cũng kết hợp hai phương pháp làm việc nêu trên. Nói một cách khác, hai danh từ lý thuyết và thực hành chỉ dùng để miêu tả hình thức hoạt động của luật gia, một nhóm chú trọng vào sự nghiên cứu, sự kiến tạo hay sự phê bình và giảng huấn các nguyên tắc pháp luật, một nhóm thì áp dụng các quy tắc ấy trong thực tế để giải quyết các trường hợp khó khăn cụ thể trong trường đời. Nhưng hai danh từ trên không hề đào một hố sâu nào giữa hai nhóm, về phương pháp làm việc.”

Sài Gòn, ngày 17/4/2023

Nguyễn Thái Hải Lâm

Lưu ýNhững thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của các tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *