ĐỂ KỲ THỰC TẬP HIỆU QUẢ HƠN

Trải nghiệm của mỗi người là khác nhau, khó tồn tại một công thức chung nào cho tất cả. Có chăng, đó là niềm đam mê nghề nghiệp và tinh thần học hỏi để giúp bạn vững vàng vượt qua thử thách, từ đó chiếm lĩnh tri thức, tích lũy kinh nghiệm để chạm tay đến các cột mốc mới trong nghề nghiệp.

Thực hành nghề nghiệp trước khi ra trường là điều cần thiết với sinh viên luật. Như đã từng đề cập trong bài viết https://nguyenthaihailam.com/thuc-hanh-luat-truoc-khi-ra-truong/, phần lớn cơ sở đào tạo luật hiện nay có tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận thực tiễn. Tuy nhiên, nỗ lực này chưa đủ để khỏa lấp khoảng cách giữa lý thuyết và cuộc sống muôn màu. Sinh viên vẫn cần phải tìm đến “cây đời xanh tươi” để tích lũy kinh nghiệm. Để hành trình này bớt chút nhọc nhằn và hiệu quả hơn, mình có vài gợi ý từ trải nghiệm của bản thân – một người từng đi thực tập và hướng dẫn thực tập.

Đặt mục tiêu cho kỳ thực tập

Nếu mình không biết mình muốn gì thì cũng không ai giúp được mình.

Bằng việc tự hỏi bản thân mong đợi gì kỳ thực tập và ghi lại chúng một cách có hệ thống, bạn có được mục tiêu cho kỳ thực tập. Từ mục tiêu này, sinh viên có thể theo dõi tiến độ, cách tiếp cận và đo lường hiệu quả kỳ thực tập.

Có mục tiêu cũng giống như đi trên hành trình mà biết rõ điểm dừng. Điều này luôn tốt hơn là bước đi không phương hướng.

Thể hiện sự chuyên nghiệp

Nghề luật trọng hình thức, câu này mình học được khi đi thực tập. Thật vậy, từ chuyện ăn mặc, phong thái hay đơn giản là các đơn từ, biểu mẫu trong nghề là minh chứng sống động.

Nếu là sinh viên thực tập, bạn cần chuẩn bị cho mình một “giao diện” chuyên nghiệp. Trang phục không cần đắt tiền nhưng phải phù hợp với môi trường công sở, đảm bảo lịch sự. Xa hơn, sinh viên nên đề cao sự chuyên nghiệp trong công việc và ứng xử, như giờ giấc, tác phong, cách giao tiếp,…Đây có thể là những bước “tiêu chuẩn” đầu tiên để tạo thiện cảm tại nơi thực tập và qua đó mở ra các cơ hội trong và sau kỳ thực tập.

Thể hiện tinh thần chủ động, ham học hỏi

Khi hoàn thành công việc, bạn nên chủ động đề nghị được giao thêm nhiệm vụ khác. Nên bắt đầu bằng cách đề nghị hỗ trợ người hướng dẫn những công việc đơn giản như: soạn hồ sơ, in ấn, tra cứu văn bản,…hay đưa ra ý kiến về cách giải quyết một vụ việc. Khi hoàn thành tốt các việc này, “uy tín” được khẳng định thì người hướng dẫn dễ dàng tin tưởng và sẵn lòng giao cho bạn những công việc phức tạp hơn.

Học các kỹ năng mới và khám phá lộ trình nghề nghiệp

Kỳ thực tập không nên chỉ gói gọn trong chuyện pha trà, rót nước. Bạn cần cố gắng học các kỹ năng từ chính công việc được giao và tích lũy kinh nghiệm cho riêng mình. Đây là các tài sản vô giá theo suốt con đường nghề nghiệp về sau.

Môi trường thực tập cũng là nơi “người trong cuộc” gặp gỡ “người trong kẹt”. Tại đây, bạn có cái nhìn cận cảnh về nghề nghiệp và có “chất liệu” để xây dựng một lộ trình nghề nghiệp cụ thể hơn cho mình. Ngoài ra, bằng cách “phỏng vấn” người đi trước, bạn có góc nhìn đa chiều về bức tranh thực tiễn, hiểu thêm những ngóc ngách mà trước đó có thể không biết hoặc chỉ nghe nói tới. Hãy tận dụng các buổi đi ăn, làm việc cùng nhau để “phỏng vấn” người hướng dẫn của bạn.

Hãy kết nối và duy trì các mối quan hệ, ngay cả khi kỳ thực tập kết thúc

Các mối quan hệ không nên chỉ gói gọn trong kỳ thực tập. Việc kết nối và duy trì mối quan hệ không chỉ tốt trong kỳ thực tập mà có thể giúp ích rất nhiều sau này ở nhiều khía cạnh: cơ hội nghề nghiệp, giới thiệu khách hàng, trao đổi chuyên môn…hay thuần túy là những người bạn trong cuộc sống.

Hôm nay bạn là sinh viên thực tập, ngày mai bạn có thể là đồng nghiệp hay thậm chí ở vị trí cao hơn người đã từng hướng dẫn mình là chuyện bình thường. Trong mối tương quan giữa các mối quan hệ, sự hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, cuộc sống là cần thiết.

Hạn chế lặp lại những sai lầm nhỏ nhặt

Là sinh viên, bạn chưa tiếp xúc nhiều với thực tiễn nên phạm sai lầm là bình thường. Tuy nhiên, với những sai lầm nhỏ nhặt đã được nhắc nhở thì hạn chế lặp lại để không tự mình giới hạn cơ hội học hỏi.

Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn cứ lặp lại những lỗi sai lặt vặt, thật khó để người khác tin tưởng giao cho công việc quan trọng. Những lỗi sai mà sinh viên thường gặp là: viết sai chính tả, gửi email không kèm file, gửi nhầm tài liệu, làm khác đi hướng dẫn, thiếu chủ động,…

Hãy biết ơn khi người khác dành thời gian cho mình

Tại nơi làm việc, ai cũng có công việc của mình. Không dễ để người khác chia sẻ thời gian của họ để giúp đỡ bạn tiến bộ, đặc biệt là rèn luyện các kỹ năng, kinh nghiệm hành nghề. Vì vậy, nếu được sự hướng dẫn, sinh viên nên thể hiện sự trân trọng và biết ơn. Ngoài việc thể hiện đạo đức, điều này có thể giúp mối quan hệ tốt và bền chặt hơn.

Điều tuyệt đối mà bạn nên tránh là có thái độ xem người hướng dẫn hay môi trường làm việc phải có nghĩa vụ hướng dẫn hay chia sẻ kinh nghiệm cho mình.

Giữ thái độ tích cực

“Cây đời” không phải lúc nào cũng xanh tươi, thực tế luôn có cái khắc nghiệt của riêng nó. Không phải môi trường thực tập nào cũng tạo điều kiện thuận lợi để bạn học hỏi, phát triển kỹ năng. Nếu chẳng may thực tập tại những môi trường này, bạn cần có góc nhìn tích cực để nâng cao khả năng học hỏi. Dù sau, đây cũng chỉ là một kỳ thực tập và làm việc trong môi trường kém chuyên nghiệp cũng là một trải nghiệm thú vị trong đời.

Trên đây chỉ là một vài gợi ý của tác giả để các bạn sinh viên tham khảo nhằm có một kỳ thực tập tốt hơn. Trải nghiệm của mỗi người là khác nhau, khó tồn tại một công thức chung nào cho tất cả. Có chăng, đó là niềm đam mê nghề nghiệp và tinh thần học hỏi để giúp bạn vượt qua các thử thách, chiếm lĩnh tri thức, kinh nghiệm và chạm đến các cột mốc mới trong sự nghiệp.

Chiều mưa Sài Gòn, ngày 16/5/2023

Nguyễn Thái Hải Lâm

Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *