[TẢN MẠN] QUA CƠN MÊ

“Qua Cơn Mê” là ca khúc được viết bởi nhạc sỹ Nhật Ngân và Trần Trịnh, sau này được ghi dưới tên Trịnh Lâm Ngân [1]. Ca khúc với giai điệu nhẹ nhàng, gửi gắm nhiều hy vọng tốt đẹp của người lính trong chiến tranh. Khi nghe lại ca khúc này, trong mỗi ca từ, ta không chỉ thấy sự lạc quan mà còn cảm nhận được tư tưởng nhân văn bên trong người lính thời chiến.

Ca khúc được ra đời trong bối cảnh các lực lượng tham chiến tại Việt Nam mong muốn chấm dứt chiến tranh, lập lại nền hòa bình bằng một Hiệp định. Sau này, vẫn được biết đến là Hiệp định Ba Lê hay Hiệp định Paris. Việc thương lượng của các bên bắt đầu từ năm 1968 và kéo dài đến năm 1973, nhiều lần đi vào bế tắc. Bài hát “Qua Cơn Mê” được sáng tác vào năm 1971, trong bối cảnh thời cuộc như vậy. Dù hòa đàm vẫn đang tiếp diễn nhưng tác giả trong vai một người lính tại ngũ vẫn tin vào một kết quả tốt đẹp và gửi vào đó ước muốn rất “đời” của mình:

“Một mai qua cơn mê

Xa cuộc đời bềnh bồng

Anh lại về thăm em”

“Cơn mê” là những ngày chiến tranh ác liệt mà “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. “Qua cơn mê” là chuyển tiếp sang một giai đoạn mới, tươi sáng và lạc quan hơn. Ở đó, người lính sẽ sống với những tình cảm của riêng mình, viết tiếp những tháng ngày dở dang của tuổi trẻ. Cũng với ý đó, nhạc sỹ Nhật Ngân đã có lần chia sẻ về “đứa con tinh thần” của mình:

            “Tôi cũng như mọi người ở Việt Nam, tôi nghĩ là khi mà hòa bình đến thì mình coi như qua một cơn mê, mình trở về đi học lại, mình làm mọi thứ của tuổi trẻ mình không làm được vì phải nhập ngũ”.

Ước muốn của người lính nhỏ bé là vậy nhưng cũng rất mơ hồ bởi “một mai” – là khoảng thời gian không ai đoán định được, là chuyện ở tương lai. Nhưng có lẽ trong cảm nhận lạc quan của mình, người lính thấy tương lai ấy gần lắm và chắc chắn sẽ xảy ra. Vì thế nên xuyên suốt ca khúc là hình ảnh về cuộc sống tốt đẹp, yên bình khi chiến tranh đã chấm dứt. Ngay cả khi có bất chợt nhận ra hiện tại của mình thì chiến tranh trong mắt người lính cũng mang màu sắc lãng mạn. Họ xem hành trình mà mình đã và đang đi qua như một cuộc dạo chơi “bềnh bồng”, có chút gì đó lãng tử, mơ mộng như một lữ khách đang ngao du khắp chốn giang hồ. Dường như cả cuộc chiến khốc liệt thoáng chốc đã vơi đi, nhẹ tênh trong cái chữ “bềnh bồng” ấy. Không còn “gió mưa” hay “những đau thương dập vùi” – cái hiện thực khốc liệt của chiến tranh bất ngờ xuất hiện trong vài ca từ ít ỏi như thế để rồi cũng “lọt thỏm” trong khát vọng lớn của người lính, của những tình cảm rất bình dị. Có lẽ sự khắc nghiệt của hoàn cảnh cũng buộc phải nhường chỗ cho khát vọng đời thường, bình dị nhưng rất chính đáng. Đó là một cuộc sống hòa bình bên cạnh những gì rất thân thuộc của mình.

Hòa bình rồi, ta sẽ cùng nhau “rong chơi”:

“sẽ thăm bao nơi xưa,

       …..

Ta sẽ thăm từng người

Sẽ đi thăm từng đường,

Sẽ vô thăm từng nhà”

Điệp ngữ “sẽ đi thăm” được lặp lại liên tục như thể hiện ước muốn mãnh liệt, có gì đó như dồn nén, như vỡ òa trong cảm xúc của người lính. Chữ “thăm” khéo diễn đạt một góc tình cảm riêng tư trong trái tim của họ. Vì thân thuộc, vì yêu thương, vì gắn bó nên người ta mới “thăm”. Sau chữ “thăm” tình cảm này, là người thân, là những con đường, những ngôi nhà đã lưu giữ nhiều cảm xúc, chất chứa nhiều kỷ niệm trong họ. Ở đó còn là tuổi trẻ yêu đương với những kỷ niệm đẹp một thời mà người lính ý nhị gọi là “một thuở lênh đênh”. Trong sự lạc quan đó, người lính cảm nhận mọi thứ mình cất giữ bấy lâu trong tim như vẫn còn vẹn nguyên trên thực tế:

“Tình người sau cơn mê vẫn xanh

Dù bao tháng năm đau thương dập vùi

Trường quen vắng bóng mai ta lại về

Cùng theo lũ em học hành như xưa”

Chiến tranh đã qua đi, người trai trẻ mong muốn tiếp tục thực hiện chặng đường còn dang dở của mình, đó là ngày ngày cắp sách đến trường học hành, được vui đùa cùng bè bạn. Dường như, trong cảm nhận lạc quan của người lính, cuộc chiến có dài và khắc nghiệt tới đâu thì khi kết thúc, mọi chuyện vẫn mới như vừa xảy ra hôm qua. Vì vậy, nên ta mới “lại về” và cùng “học hành như xưa”.

“Rồi đây qua cơn mê,

Sông cạn lại thành dòng

Suối về ngọt quê hương

Ngày đó tay em dài

vun cuộc tình thật đầy

mơ toàn chuyện trên mây.”

“Cơn mê” chiến tranh đã làm cho sông cạn, không còn phù sa màu mỡ để ruộng đồng tươi tốt. Nhưng ngày mai, khi chiến tranh kết thúc, sông sẽ tiếp tục có những dòng nước mát lành chở theo phù sa để vụ mùa tươi tốt. Mọi thứ sẽ lại “xanh”“ngọt”.

Nếu “xanh” là hình ảnh về một vùng quê yên bình, rợp bóng cây xanh mát thì “ngọt” gợi liên tưởng đến tình người, tình cảm với quê hương. Hòa bình lặp lại, không có thù hận, chỉ có tình người “ngọt” với nhau. Một tư tưởng rất đỗi nhân văn nếu đặt trong bối cảnh bài hát ra đời khi chiến tranh vẫn chưa kết thúc.

Cả “xanh”“ngọt” đều là tính từ, nhưng “xanh” chỉ về hình thức bên ngoài thì “ngọt” lại diễn đạt nội dung bên trong. Có thể người lính còn hướng đến một cuộc sống hài hòa, trọn vẹn khi ngưng bước quân hành. Hạnh phúc chẳng phải là điều mà nhân loại muôn đời tìm kiếm sao?

Vậy nên, trên cái nền “xanh”“ngọt” của quê hương thì không thể thiếu tình cảm lứa đôi. Người lính mong muốn cùng nhau vun đắp mối tình đã bị vơi đi theo năm tháng. Nếu “vun” thể hiện sự trân trọng, chắt chiu những tình cảm nhỏ nhất thì “đầy” như thể hiện mong muốn mãnh liệt về mối tình sâu đậm, bền lâu. Chiến tranh có thể làm người ta tạm xa nhau nhưng không phải là ly biệt. Xa là để thử thách lòng người, để trân trọng và giữ gìn hạnh phúc khi có được cơ hội bên nhau. Để rồi, tình cảm lứa đôi được nuôi dưỡng và phát triển thành một khát vọng cho non sông:

“Còn tôi như cánh chim

Sẽ bay đi muôn phương

Mang về mầm xanh tươi

Khi lá hoa thật nhiều

Trái yêu thương đầy cành

Hái đem cho mọi người”

Mong ước tiếp tục những gì dang dở cho riêng mình là thế nhưng người lính chưa dừng lại ở đó. Từ tình yêu đôi lứa phát triển lên một khát vọng cống hiến cho đời, mang nhiều “mầm xanh tươi”, “trái yêu thương” san sẻ cùng mọi người. Tư tưởng ấy làm ta chợt nhớ đến đôi câu thơ trong bài Quê Hương của Giang Nam:

“Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm

Có những ngày trốn học bị đòn roi

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi”

Có thể thấy ngay trong bối cảnh chiến tranh chưa kết thúc, người lính vẫn lạc quan và tin về một ngày mai tươi sáng. Ở đó không thù hận, không đau thương mà ươm mầm từ những điều bình dị để rồi biến nó thành một khát vọng lớn với quê hương, đất nước. Đặt ca khúc trong bối cảnh ấy ta mới cảm nhận được trọn vẹn thông điệp vô cùng nhân văn và sâu sắc của bài hát.

Nguyễn Thái Hải Lâm.

 

Chú thích:

[1] Trịnh Lâm Ngân là tên một ban nhạc thành lập năm 1962 và hoạt động đến 1975, ghép từ tên – họ  3 người gồm: Trần Trịnh, Lâm Đệ và Nhật Ngân. Trong đó  Trần Trịnh và Nhật Ngân là hai nhạc sỹ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *