“CÓ ĐÔI KHI NHỚ THIÊN ĐƯỜNG XƯA”

“Có đôi khi nhớ thiên đường xưa..”

Sài Gòn vào mùa mưa. Những cơn mưa rả rích ngoài khung cửa sổ. Bất chợt đâu đó ca từ của bài hát Phố Mùa Đông của nhạc sỹ Bảo Chấn vang lên, gợi lên một không gian với nhiều hoài niệm, về một chuyện tình đẹp đã trở thành một miền ký ức.

Phố Mùa Đông mở ra với nhiều hình ảnh gợi liên tưởng đến một vùng đất thơ mộng. Ở đó có sương mù, có những “dốc phố uốn quanh núi đồi”. Đó một buổi chiều yên ả, khi “phố chưa lên đèn”. Không gian và thời gian ấy dễ làm người ta hoài niệm về những “mùa trăng cũ”. Nhân vật trữ tình trong bài hát có lẽ đang trong tâm trạng này. Anh đặt từng bước chân chậm rãi của mình trên những con đường thân quen, để tìm về ký ức của những ngày tháng đã xa. Nhưng càng lang thang, càng cố tìm về miền ký ức thì nhân vật trữ tình càng nhận ra sự “lẻ loi”, cô độc của mình ở hiện tại. Giai điệu nhẹ nhàng, chậm rãi của bài hát thể hiện rất chính xác tâm trạng này và như khắc họa thêm sự “lẻ loi” của nhân vật trữ tình.

Thời gian và vòng quay cuộc sống có thể làm người ta quên nhưng không hẳn là xóa sạch ký ức. Những “ngày trăng cũ” đâu đó vẫn còn và bất chợt xuất hiện trong một bối cảnh thích hợp, để người ta nhớ về những yêu thương. Đó là những ngày hẹn hò đứng chờ nhau trong cơn mưa, bên những dốc phố uốn quanh của thành phố mù sương. Những cơn mưa “ru hời” có vẻ buồn tẻ nhưng không thể làm vơi bớt niềm hạnh phúc bên nhau của tuổi trẻ. Họ ngồi cạnh nhau, kể nhau nghe về những điều xảy ra quanh cuộc sống của mình, về những ước mơ ở tương lai mà cả hai cùng hướng đến. Sự hạnh phúc của tình yêu đôi lứa làm cho “tiếng mưa ru hời” cũng trở nên lạc lõng. Nhân vật trữ tình dường như quên cả tiếng mưa vì “tiếng em cười nói quanh đời tôi” nghe hay hơn, quan trọng hơn.

Chính ký ức đẹp của một thời thanh xuân lại làm cho nhân vật trữ tình có sự day dứt trong nội tâm của mình. Nhân vật trữ tình hiểu rằng nếu cứ ở trong không gian ấy, anh không thể nào quên được những ngày tháng cũ. Nhưng người con gái “đã mang theo ngày thơ”, để lại thực tại mà anh đang đối diện là sự cô đơn, lẻ loi của chính mình. “Những ngày thơ” đã xa, “thiên đường xưa” cũng không còn, chỉ có một vết “hằn” trong trái tim của nhân vật trữ tình thì vẫn còn hiện hữu. Tiếc thay, đó lại là vết son buồn. Vì vậy, chỉ có rời xa vùng đất nhiều kỷ niệm, xa cái khung cảnh dễ làm con tim mình rung chạm thì anh mới có thể thoát khỏi những hoài niệm miên man. Biết chắc sẽ có lúc “nhớ thiên đường xưa” khi phút giây bất chợt nào đó nhớ về những ngày tháng cũ, nhưng phải chấp nhận. Hợp – tan âu cũng là sự vô thường của cuộc đời…Dù chuyện tình dở dang nhưng chắc chắn cũng sẽ nuôi dưỡng và mang lại cảm xúc lãng mạn giữa cuộc đời mệt mỏi này. Bài hát vì thế vẫn mang theo năng lượng tích cực.

Nhạc sỹ Quốc Bảo đã từng nhận xét Phố Mùa Đông gần như đây là ca khúc về mùa đông hay nhất của nhạc Việt từ những năm 90 trở về sau”. Dù nhận xét này có phần chủ quan và thiên vị cho người bạn của mình, nhưng Phố Mùa Đông chừng mực nào đó cũng xứng đáng là một nhạc phẩm viết về mùa đông hay với nhiều ca từ và hình ảnh đẹp.

Nguyễn Thái Hải Lâm.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *