Khi viết những dòng này, cả nước nói chung và Sài Gòn nói riêng đang đối diện với làn sóng đại dịch Covid lần thứ 4 với số ca nhiễm mỗi ngày ở mức 3 con số. Dù các lực lượng tuyến đầu chống dịch vẫn đang nỗ lực khống chế và hạn chế số ca lây nhiễm nhưng tình hình chưa cho thấy tín hiệu lạc quan. Lúc này, điều mà hầu hết mọi người đều mong đợi là đại dịch sẽ sớm qua đi và cuộc sống quay trở lại bình thường. Tuy nhiên, có lẽ đó là tương lai xa và rất khó xảy ra. Ngay cả khi đại dịch qua đi hoặc được kiểm soát, chúng ta phải chấp nhận một cuộc sống không giống như trước kia.
Bao giờ đại dịch kết thúc?
Khi đại dịch mới xảy ra, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng đại dịch Covid – 19 sẽ chấm dứt trong chưa tới 2 năm nữa [1]. Khi đưa ra phát biểu này, ông Tedros dựa trên nghiên cứu về các đại dịch đã từng xảy ra trong quá khứ, như cúm Tây Ban Nha, cúm Châu Á, dịch hạch,… Tuy nhiên, có lẽ ông Tedros quên rằng, bối cảnh xã hội trong đại dịch Covid lần này hoàn toàn khác so với trước đây.
Ngày nay, giao thương diễn ra sôi động cùng sự thuận tiện của phương tiện vận tải làm cho quá trình lây nhiễm diễn ra nhanh và quy mô lớn hơn rất nhiều so với các đại dịch đã từng xảy ra trong quá khứ. Hãy hình dung, một doanh nhân làm việc ở Sài Gòn vào buổi sáng nhưng chiều hôm đó có thể đang ngồi ăn với bạn ở Tân Gia Ba (Singapore) và ngày tiếp theo có mặt ở Hoa Kỳ để du lịch với nhân tình là chuyện bình thường. Với bối cảnh đó, nếu doanh nhân này bị nhiễm covid thì sẽ có bao nhiêu người bị lây nhiễm trong hành trình chỉ 1 – 2 ngày? Với quy mô rộng và tốc độ lây lan nhanh, việc khống chế dịch cũng không thể chuyện một sớm một chiều như trước kia.
Khi vaccine được thử nghiệm thành công, nhân loại thắp lên hy vọng miễn dịch cộng đồng nhờ vào việc tiêm chủng đủ quy mô (70 – 75% dân số toàn cầu). Tuy nhiên, hiện nay vaccine được tiêm chủng không đồng đều giữa các quốc gia, tập trung chủ yếu ở các nước phát triển. Ngay cả trong một quốc gia, việc tiêm vaccine cũng có sự khác nhau giữa các nhóm tuổi, ưu tiên người có nguy cơ tử vong cao và trưởng thành (chưa có loại đặc hiệu dành riêng cho trẻ em hay phụ nữ có thai và các đối tượng đặc biệt khác). Bên cạnh đó, một bộ phận ngại tiêm vaccine với các rủi ro có thể xảy ra khi tiêm vaccine (như tai biến, tử vong,…) làm cho quá trình “phủ sóng vaccine” bị chậm lại. Chưa kể, hiệu quả của vaccine đối với các biến chủng mới vẫn đang còn được kiểm chứng. Trong một viễn cảnh tồi tệ, vaccine không thể khống chế được các biến chủng mới và điều này không hẳn là vô căn cứ (các biến thể covid về sau có độc lực mạnh, tốc độ lây lan nhanh, khó tìm kiếm và bị tiêu diệt như các chủng trước đó).
Với tình hình chung đó, mong muốn đại dịch sớm kết thúc là khá xa vời và có phần thiếu thực tế. Nên chăng, chúng ta cần một góc nhìn tích cực hơn ?
Thay đổi để thích nghi
Trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, con người đang từ chỗ chịu đựng đang dần chuyển sang thích nghi với hoàn cảnh. Thay vì ngưng trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến thiệt hại hàng tỷ đồng như khi đại dịch mới xảy ra, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu nhận ra đại dịch không thể kết thúc sớm và linh hoạt thay đổi để thích nghi và tồn tại, chuyển từ trạng thái “cầm cự, chịu đựng” sang “thích nghi, phát triển”.
Nhiều doanh nghiệp trả mặt bằng thuê, cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí vận hành và chuyển sang nền tảng kinh doanh trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện như: Bách Hoá Xanh, IVY moda, …Trong đó, doanh số của Bách Hóa Xanh tăng trưởng trong đợt dịch, vượt cả các giai đoạn cao điểm mua sắm như Tết [2].
Thực sự không thuận lợi để chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp sản xuất (do đặc thù phải có lao động thực tế tại nhà xưởng, kèm theo việc vận hành máy móc, thiết bị), nhiều doanh nghiệp đã lên phương án tiêm ngừa vaccine cho người lao động, tăng cường các biện pháp chống dịch tại nơi làm việc cũng như lên phương án trong trường hợp xấu nhất, toàn bộ người lao động ở lại công ty làm việc, tách biệt hoạt động sản xuất với bên ngoài trong một khoảng thời gian. Tất cả nhằm mục đích đảm bảo việc sản xuất không bị đứt gãy, hoạt động kinh doanh vẫn tiếp diễn bất kể đại dịch có xảy ra ngay trong doanh nghiệp.
Với sự thay đổi đang diễn ra và có lẽ sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tiếp theo, thói quen tiêu dùng, phương thức sản xuất kinh doanh sẽ thay đổi và kèm theo đó là cách quản trị doanh nghiệp. Hãy hình dung, nếu người tiêu dùng đã quen với việc mua sắm online – giao hàng tận nhà, bất kể hàng hóa nào cần cũng có sẵn trên nền tảng online thì rất khó tìm lý do để họ phải đi chợ truyền thống. Nếu các doanh nghiệp đảm bảo chất lượng trong sản xuất, vận chuyển, giá cả hợp lý thì ngồi tại nhà đặt hàng có lẽ sẽ tốt hơn so với việc phải trực tiếp lựa chọn, trả giá.
Trong bối cảnh rộng hơn, các hoạt động khác vẫn cần được tiếp diễn trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa kết thúc. Thay vì lo sợ, hoang mang, có lẽ nên chuyển sang trạng thái tích cực hơn, đó là sống chung với đại dịch. Một mặt, chung ta vẫn nỗ lực dập dịch tại các “điểm nóng”, sản xuất và tiêm chủng vaccine rộng rãi trong cộng đồng. Mặt khác, vẫn nên để các hoạt động giao thương diễn ra với yêu cầu phải tuân thủ các khuyến nghị như: mang khẩu trang, sát khuẩn, khai báo y tế và hạn chế tiếp xúc hoặc tụ tập quá đông người …
Hiện nay, Singapore là một trong các quốc gia đầu tiên khởi xướng cho việc sống chung với đại dịch. Bên cạnh nỗ lực tiêm chủng vaccine và tầm soát, điều trị các ca nhiễm, Singapore vẫn cho phép các hoạt động thương mại diễn ra với điều kiện người dân tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế, hướng tới một trạng thái bình thường mới. Đây có thể là một kinh nghiệm mà Việt Nam nên tham khảo, nhất là trong bối cảnh Chính phủ muốn thực hiện “mục tiêu kép” – vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Dù quan điểm sống chung với đại dịch vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều (do lo ngại về các di chứng xảy ra sau khi mắc covid) nhưng với tình hình chung, người viết cho rằng chúng ta nên có các biện pháp để thích nghi với đại dịch và hướng tới viễn cảnh tươi sáng. Dĩ nhiên, việc này cần cân nhắc thận trọng nhiều mặt. Lịch sử cho thấy, mỗi sự kiện có tác động lớn đều ảnh hưởng đến cuộc sống mà theo đó một phương thức sản xuất mới ra đời. Biết đâu, từ việc thích nghi với đại dịch, nhân loại sẽ nhìn thấy tương lai ngay trong hiện tại u ám này …
Sài Gòn, 27.6.2021
Nguyễn Thái Hải Lâm
Tái bút: Không ai muốn sống chung với đại dịch nhưng nếu không thể thay đổi thực tế (ít nhất vào thời điểm này), ta nên đặt vấn đề trong mặt tích cực để suy nghĩ. Điều đặc biệt (thú vị) là khi hoàn thành bài viết này, người viết cũng nhận được thông tin phải làm việc tập trung ở công ty để đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy.
[1] Phát biểu tại Geneva ngày 21/8/2020.
[2] Theo Báo cáo tài chính Tháng 5/2021 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) – Công ty mẹ của Bách Hóa Xanh.