CÓ BẮT BUỘC TIÊM VẮC-XIN PHÒNG CHỐNG COVID?

          Đầu tháng 3.2021, những mũi vắc-xin phòng chống Covid-19 đầu tiên được tiêm tại Việt Nam và sau đó được triển khai rộng khắp cả nước, chủ yếu là những nơi có dịch. Trong quá trình thực hiện chiến dịch tiêm chủng, không hiếm trường hợp người dân từ chối tiêm vắc-xin do lo ngại những biến chứng có thể xảy ra đối với cơ thể, như chứng đông máu hoặc sốc phản vệ mà nguy cơ có thể dẫn đến tử vong. Lập luận chủ yếu cho hành vi từ chối này xuất phát từ quan điểm đây là một phúc lợi xã hội dành cho người dân và họ có quyền khước từ phúc lợi này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đây là yêu cầu của cơ quan y tế và công dân phải có nghĩa vụ chấp hành.

          Bài viết này, tác giả tập trung làm rõ việc tiêm vắc-xin có phải bắt buộc hay không theo quy định pháp luật hiện hành và hệ quả của việc từ chối tiêm vắc-xin là gì.

          Có bắt buộc phải tiêm vắc-xin hay không?

          Nhận thức đúng về mối nguy hiểm mà dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCov) gây ra đối với đời sống nhân dân, Bộ Y tế đã đưa bệnh này vào danh mục các bệnh truyền nhiễm. Theo đó, Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCov) gây ra được xác định ở nhóm A – nhóm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm [1]. Do vậy, văn bản pháp luật cần xem xét trước hết là Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007.

          Liên quan đến việc sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định rõ ràng 02 trường hợp gồm: (i) tự nguyện (ii) bắt buộc [2]. Việc sử dụng vắc-xin tự nguyện nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng xung quanh có lẽ không khó để giải thích. Đối với trường hợp bắt buộc sử dụng vắc-xin thì cần thiết phải làm rõ, trong đó chủ yếu xem xét liệu Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCov) gây ra có thuộc các trường hợp bắt buộc phải tiêm vắc-xin hay không?

          Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định các trường hợp bắt buộc tiêm chủng bao gồm:

    • Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh.
    • Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.
    • Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

          Cụ thể hóa quy định trên, Bộ Y tế có ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc [3]. Theo danh sách được Bộ Y tế liệt kê bắt buộc tiêm chủng không đề cập đến Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCov) gây ra.

          Điều này cũng dễ hiểu, viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCov) gây ra là bệnh mới xuất hiện và bùng phát trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, nguồn vaccine hiện nay cũng khan hiếm và không đủ để phân bổ rộng rãi cả nước. Có lẽ vì lý do đó nên Bộ Y tế chưa cập nhật và danh sách các bệnh phải tiêm chủng bắt buộc. Tuy nhiên, danh sách trên không phải là danh sách “đóng” mà có thể được Bộ Y tế “cập nhật và bổ sung” trong trường hợp cần thiết.

          Như vậy, Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCov) gây ra không thuộc các bệnh phải sử dụng vắc-xin, ít nhất là đến thời điểm hiện tại.

          Chế tài vi phạm

          Đối với trường hợp sử dụng vắc-xin tự nguyện, người dân có quyền từ chối vì đây rõ ràng là quyền lợi. Trường hợp này không đặt ra các hậu quả pháp lý nào cho người từ chối.

          Đối với trường hợp bắt buộc phải sử dụng vắc-xin mà Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 đã quy định thì đây là một nghĩa vụ mà người dân phải chấp hành. Trường hợp không tuân thủ, người từ chối tiêm vắc-xin có thể gánh chịu các hậu quả pháp lý, mà chế tài chủ yếu để xem xét là chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự.

    • Chế tài hành chính: pháp luật xử lý vi phạm hành chính có quy định trường hợp không sử dụng vắc-xin phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, hành vi này bị xử phạt với mức từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng [4].
    • Chế tài hình sự: Bộ luật Hình sự có quy định Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người [5]. Hành vi khách quan của tội danh này không liệt kê cụ thể trường hợp từ chối tiêm vắc-xin khi thuộc trường hợp bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, cũng cần xem xét liệu hành vi này có được xem là “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” [6].

          Về quy định trên, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã có hướng dẫn và theo đó, hành vi từ chối tiêm vắc-xin khi thuộc trường hợp bắt buộc không được xem là “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” [7]. Do vậy, việc xử lý bằng chế tài hình sự có lẽ không khả thi. Hơn nữa, văn bản hướng dẫn này cũng không được xem là văn bản quy phạm pháp luật [8].

          Như đã trình bày, pháp luật hiện hành quy định 02 trường hợp sử dụng vắc-xin, gồm: (i)  tự nguyện và (ii) bắt buộc. Dù pháp luật có quy định các trường hợp tiêm chủng bắt buộc nhưng trong các văn bản hướng dẫn lại không liệt kê Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCov) gây ra. Do vậy, không có cơ sở để bắt buộc tiêm chủng vắc-xin phòng chống Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCov) gây ra cũng như chịu chế tài nếu người dân không đồng ý tiêm chủng.

          Thực tế hiện nay, cơ quan y tế không bắt buộc tiêm chủng vắc-xin phòng chống Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCov) gây ra mà dựa trên sự tự nguyện của người dân. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi nguồn vắc-xin được đảm bảo cùng với những diễn biến phức tạp của dịch, rất có thể Bộ Y tế sẽ đưa Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCov) gây ra vào danh sách bắt buộc tiêm chủng. 

          Sài Gòn, 18.7.2021

          Nguyễn Thái Hải Lâm.

Chú thích:

[1] Quyết định 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của Bộ Y tế Về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

[2] Điều 28, Điều 29 Luật Phòng chống Bệnh truyền nhiễm năm 2007.

[3] Thông tư 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

[4] Điều 9.2a Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

[5] Điều 240 Bộ luật Hình sự hiện hành.

[6] Điều 240.1c Bộ luật Hình sự hiện hành.

[7] Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao V/v xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

[8] Điều 4 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *