MỘT VÀI GỢI Ý CHO VIẾT LÁCH

Vừa rồi, mình được giới thiệu một số ý trích từ cuốn sách “Good with Words: Writing and Editing” của tác giả Patrick Barry. Để thành thạo viết lách, tác giả này đưa ra nhiều lời khuyên, mình chọn vài ý rồi thêm chút trải nghiệm cá nhân để thành bài viết ngắn gọn này. Hy vọng vài gợi ý có thể giúp ích cho những ai quan tâm đến chuyện viết lách.

1. Viết lách là cuộc dạo chơi với chữ nghĩa và hành trình này, tác giả đối thoại với chính mình. Tuy nhiên, trò chuyện với người khác có thể giúp khơi thông bế tắc khi gặp khó khăn trong việc triển khai một chủ đề.

Theo trải nghiệm của mình, để lời khuyên này hiệu quả hơn, nên chọn người đi trước hoặc người hoàn toàn không biết gì về lĩnh vực này. Vốn sống của người đi trước giúp mình tháo gỡ các vướng mắc hiện tại. Góc nhìn vô tư của người ngoài cuộc giúp mình vượt qua những khuôn mẫu trong tư duy. Nếu có điều kiện thì tiếp cận …cả hai.

2. Ý tưởng mới là cần thiết, nhưng đôi khi không cần hoàn toàn mới. Chỉ cần góp nhặt các chất liệu từ con người, sự việc,…rồi kết hợp chúng lại để thành một ý tưởng.

Lời khuyên này tương tự trong lĩnh vực sáng tạo, người ta cũng bắt đầu bằng việc kết hợp nhiều chất liệu sẵn có. Ví dụ, thử kết hợp cái đèn bàn với cái ly thì sẽ ra hình dáng ngộ nghĩnh thế nào…hoặc sáng tạo bằng cách thay đổi công năng của một vật dụng, ví dụ: bình thủy tinh không phải đựng nước mà chứa văn phòng phẩm thì cũng hay hay.

Về lâu dài, mình nghĩ để có ý tưởng và nhiều cảm hứng, tác giả cần có trải nghiệm và vốn sống nhất định. Khi sẵn có chất liệu, tự khắc quá trình kết hợp, sáng tạo ý tưởng như trên sẽ hình thành một cách tự nhiên.

3. Mỗi năm có dịp, nên đi thăm một đất nước kém thịnh vượng hơn quốc gia bạn sống.

Mình nghĩ tác giả khuyên ngao du đây đó nhằm tìm kiếm chất liệu cuộc sống. Việc đi đến một vùng đất mới, trải nghiệm văn hóa, không gian, cảnh vật, con người sẽ giúp khối óc và con tim rộng mở. Văn sỹ xưa nay cũng hay đi tìm chất liệu cuộc sống như vậy. Nguyễn Tuân xê dịch lên tận sông Đà, thấy cái hùng vĩ của con sông và vẻ đẹp của người lao động mới cho ra tùy bút “người lái đò sông Đà”, hay Chế Lan Viên cũng sáng tác “Tiếng hát con tàu” trong chuyến đi thực địa lên vùng Tây Bắc. Bức tranh cuộc đời luôn sống động và thu hút, nơi có thể cung cấp vô vàn ý tưởng hay.

Nhưng tại sao lại là “quốc gia kém thịnh vượng hơn…”? Mình đoán có lẽ nhằm khơi gợi lòng trắc ẩn. Theo mình, lâu lâu ngao du bất kỳ đâu cũng tốt. Tùy điều kiện và khả năng, đi đến vùng đất mới giúp mình làm mới tâm trí, góp nhặt thêm nhiều thứ hay ho về cuộc sống.

4. Chọn lọc đầu vào tốt để đầu ra tương xứng.

Tác giả cho rằng để viết được những câu văn hay, bạn phải đọc những câu văn hay. Hãy chọn lọc “đầu vào” của bạn.

Theo mình, đầu vào quan trọng nhưng “đầu lọc” còn quan trọng hơn. Đành rằng đọc văn hay sẽ giúp mình học hỏi nhiều, như người ta cũng khuyên “đọc nhiều viết giỏi” là vậy. Tuy nhiên, tiếp cận tác phẩm chưa tốt cũng giúp ta tích lũy nhiều bài học kinh nghiệm. Né được vết xe đổ của người khác cũng là một thành công ban đầu. Quan trọng hơn, biết cái dở của người khác ngoài việc tránh lặp lại thì còn giúp mình biết trân trọng khi gặp điều hay.

Nếu biết “gạn đục khơi trong” thì đọc kiểu gì cũng tốt.

5. Làm sao để thành công với viết lách? Viết mỗi ngày.

Tác giả trả lời ngắn gọn, khuyên thực hành viết đều đặn. Nhưng suy rộng ra, có thể hướng đến tinh thần kỷ luật. Viết đều đặn tự khắc lên tay, nếu có phương pháp đúng và các sự hỗ trợ khác thì kỹ năng được tiến bộ nhanh hơn.

Về tính kỷ luật trong viết lách, học giả Nguyễn Hiến Lê cũng từng có lời khuyên tương tự. Ông cho rằng nên cố định khoảng thời gian làm việc, ngay cả khi không có ý tưởng cũng phải ngồi vào viết. Viết rồi sẽ ra ý tưởng…Có kỷ luật như vậy mới giúp đi lâu bền với nghề, trong đó có khía cạnh về sức khỏe. Cứ nửa đêm mới có hứng thì thức được bao nhiêu lần trong đời?

6. Viết lách không dễ, mà hiếm khi dễ – theo lời tác giả. Để đỡ nhọc công và rút ngắn lộ trình thì nên tìm thầy tốt và học tập chăm chỉ.

Viết rất đa dạng, nhiều thể loại, văn phong, tựa như kiếm hiệp có nhiều môn phái: Thiếu Lâm, Võ Đang,…Mỗi “môn phái” vậy lại có yêu cầu riêng biệt, có thể “chọi” nhau cũng là thường. Ví dụ, văn phong khoa học đòi hỏi tính chặt chẽ, logic. Trong khi viết sáng tạo đòi hỏi sự phá cách, ngẫu hứng. Hay báo chí thường nhật thì thường có văn phong gần gũi, dễ hiểu. Vì vậy, hầu như khó có khóa học nào có thể giải quyết được tất cả mà tùy nhu cầu, mỗi người tự tìm khóa học phù hợp cho mình.

Theo ý mình, trước khi ghi danh bất kỳ khóa học nào về viết lách, cần phải trang bị các kỹ năng cơ bản. Tuy viết có nhiều thể loại như trên, nhưng cũng có một số điểm chung như về: ngữ pháp, chính tả, hay cách nhập đề, triển khai chủ đề, các khái niệm về luận cứ, luận chứng,….hay một số thủ pháp nghệ thuật cơ bản như: so sánh, ẩn dụ, thậm xưng….Nền tảng vững chắc giúp mình tiến bộ nhanh hơn, dù tự học hay tham gia khóa học nào.

7. Học phí ở trường học thì luôn rẻ hơn ở trường đời.

Mình nghĩ đúng. Viết lách chưa tốt có thể ảnh hưởng đến chất lượng công việc, nhất là khi vị trí đó yêu cầu, như trường hợp của luật sư, nhà văn,…Vì vậy, tác giả khuyên trước khi vào trường đời, nên tìm kiếm trường học để rèn luyện kỹ năng này. Nếu không có thì tự tạo môi trường cho mình rèn luyện, tác giả ví von như thuật ngữ “nghiên cứu độc lập” trong nghiên cứu khoa học vậy.

Dù là các lời khuyên tập trung cho việc viết lách, suy rộng ra cũng có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác. Nhìn chung, viết lách không dễ mà cần thời gian, nỗ lực và phương pháp đúng. Như nhà triết học Rene Descartes đã nói: “Có phương pháp thì người bình thường cũng trở nên phi thường. Không có phương pháp thì thiên tài cũng mắc lỗi”.

Nguyễn Thái Hải Lâm

Sài Gòn, ngày 13/6/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *