MỘT SỐ PHƯƠNG ÁN GIẢI QUYẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRONG BỐI CẢNH DỊCH BỆNH COVID

Bài viết này chủ yếu tóm tắt lại các giải pháp về mặt pháp lý nhằm cắt giảm hoặc giãn cách người lao động (trong ngắn hạn hoặc lâu dài), đặt trong bối cảnh doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid. Việc cắt giảm hoặc giãn cách người lao động trong doanh nghiệp phần nào sẽ giảm tải áp lực trong việc trả lương cũng như tuân thủ khuyến nghị của các cơ quan y tế, hạn chế khả năng lây nhiễm trong doanh nghiệp.

Bài viết mang tính gợi mở, không đi sâu vào các giải pháp tác nghiệp cụ thể vốn phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh của từng doanh nghiệp. Mỗi giải pháp có các ưu, nhược điểm khác nhau mà doanh nghiệp có thể cân nhắc và linh hoạt áp dụng.

Trong bài, một số từ ngữ viết tắt được quy ước như sau:

BLLĐ: Bộ luật Lao động.

NLĐ: Người lao động.

NSDLĐ: Người sử dụng lao động.

CSPL: Cơ sở pháp lý.

HĐLĐ: Hợp đồng lao động.

I. NHÓM BIỆN PHÁP DO NSDLĐ VÀ NLĐ THỎA THUẬN

   1.  Thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ

    •    CSPL: Điều 30.1h BLLĐ 2019.
    •    Điều kiện áp dụng: NLĐ đồng ý.
    •    Thời gian hoãn: Do hai bên thỏa thuận.
    •    Hệ quả:

– HĐLĐ vẫn có hiệu lực.

– NLĐ không được hưởng lương, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định khác.

– Hết thời gian hoãn, trong vòng 15 ngày NLĐ phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận NLĐ trở lại làm công việc theo HĐLĐ đã giao kết nếu HĐLĐ còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

   2. Thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ

    • CSPL: Điều 34.3 BLLĐ 2019.
    • Điều kiện áp dụng: NLĐ đồng ý.
    • Thời điểm chấm dứt: Do hai bên thỏa thuận.
    • Hệ quả:

– HĐLĐ chấm dứt hiệu lực.

– NSDLĐ phải trả trợ cấp thôi việc đối với NLĐ làm việc đủ 12 tháng trở lên.

   3. Thỏa thuận khác với NLĐ

    • Nghỉ việc không hưởng lương.
    • Thỏa thuận giảm lương trong thời gian làm việc tại nhà.

Lưu ý: Để hạn chế tối đa nguy cơ tranh chấp, các thỏa thuận nên được lập thành văn bản, có chữ ký người đại diện hợp pháp của NSDLĐ và NLĐ và nêu rõ quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong các trường hợp.

II. NHÓM BIỆN PHÁP ĐƠN PHƯƠNG TỪ PHÍA NSDLĐ

   1. Cho NLĐ nghỉ phép năm

    • CSPL: Điều 113 + 114 BLLĐ 2019.
    • Thời gian nghỉ: Số ngày nghỉ theo nội quy lao động nếu cao hơn hoặc bằng quy định tại BLLĐ 2019 hoặc theo quy định của luật.
    • Điều kiện áp dụng: NSDLĐ tham khảo ý kiến của NLĐ và phải thông báo cho NLĐ biết.
    • Hệ quả:

– HĐLĐ vẫn còn hiệu lực.

– NLĐ được hưởng lương theo HĐLĐ trong trường hợp nghỉ hằng năm.

   2. Điều chuyển công việc sang vị trí khác trong HĐLĐ

    • CSPL: Điều 29 BLLĐ 2019.
    • Thời hạn điều chuyển: Không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm, trừ trường hợp nhận được sự đồng ý bằng văn bản của NLĐ.
    • Điều kiện áp dụng:

– NSDLĐ gặp khó khăn đột xuất do dịch bệnh nguy hiểm.

– Phải báo trước ít nhất 03 ngày làm việc.

– Thông báo phải nêu rõ thời hạn làm việc tạm thời.

– Công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của NLĐ.

    • Hệ quả:

– HĐLĐ vẫn còn hiệu lực.

– Hết thời hạn điều chuyển thì phải để NLĐ trở về làm việc theo HĐLĐ, trường hợp NLĐ đồng ý công việc mới thì phải thể hiện bằng văn bản.

– NSDLĐ trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

   3. Ngừng việc

    • CSPL: Điều 99 BLLĐ 2019.
    • Thời hạn ngừng việc: Do NSDLĐ quyết định (có thể dựa trên thông báo của cơ quan nhà nước).
    • Điều kiện áp dụng:

– NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nguy hiểm.

– Luật không quy định nhưng nên thông báo cho NLĐ và nêu rõ thời hạn ngừng việc.

Lưu ý: Bài viết chỉ đề cập đến trường hợp ngừng việc do lỗi của NSDLĐ, cụ thể vì lý do dịch bệnh nguy hiểm. Trường hợp NLĐ có lỗi để xảy ra ngừng việc thì xem thêm quy định tại Điều 99 BLLĐ 2019

    • Hệ quả:

– HĐLĐ vẫn còn hiệu lực.

– Hết thời hạn ngừng việc thì phải để NLĐ trở về làm việc theo HĐLĐ.

– Tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận:

         a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

            b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

   4. Đơn phương chấm dứt HĐLĐ

    • CSPL: Điều 36.1c BLLĐ 2019.
    • Điều kiện áp dụng:

– Do dịch bệnh nguy hiểm mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc.

– NSDLĐ thông báo trước cho NLĐ khoảng thời gian theo Điều 36.2 BLLĐ.

    • Hệ quả:

– HĐLĐ chấm dứt hiệu lực.

– NSDLĐ phải trả trợ cấp thôi việc đối với NLĐ làm việc đủ 12 tháng trở lên.

   5. Thay đổi cơ cấu, lý do kinh tế

    • CSPL: Điều 42 BLLĐ 2019.
    • Điều kiện áp dụng:

– Trường hợp thay đổi cơ cấu ảnh hưởng đến việc làm của nhiều NLĐ hoặc vì lý do kinh tế nhiều NLĐ có nguy cơ mất việc thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của BLLĐ 2019.

– Trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại NLĐ để tiếp tục sử dụng.

– Nếu cho thôi việc nhiều NLĐ thì phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở mà NLĐ là thành viên.

– Thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cho NLĐ (chỉ thực hiện trong trường hợp cho NLĐ thôi việc – dù chỉ 1 người).

    • Hệ quả:

– HĐLĐ chấm dứt hiệu lực (đối với NLĐ phải nghỉ việc).

– NSDLĐ phải trả trợ cấp mất việc làm đối với NLĐ làm việc từ đủ 12 tháng trở lên.

●●●

Trong bối cảnh dịch Covid vẫn đang có những diễn biến phức tạp thì việc giải quyết quan hệ lao động đúng pháp luật không chỉ giúp doanh nghiệp nhanh chóng giảm tải áp lực trong việc trả lương mà ngăn ngừa các xung đột có thể phát sinh trong tương lai.

Sài Gòn, 03.6.2021

NGUYỄN THÁI HẢI LÂM

Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *