LỢI ÍCH CỦA RÈN LUYỆN KỸ NĂNG VIẾT

          Viết là một hình thức giao tiếp phổ biến trong cuộc sống. Đối với một số nghề nghiệp, viết còn đóng vai trò là một kỹ năng quan trọng (như trường hợp của luật sư, nhà văn, nhà báo,…). Do vậy, việc nâng cao và hoàn thiện kỹ năng viết là cần thiết. Để viết tốt, người viết luôn cần phải nỗ lực và trải qua một quá trình rèn luyện nhất định.

         Từ trải nghiệm cá nhân, tác giả cho rằng viết là một hoạt động tốt cần được khuyến khích. Bởi lẽ, chỉ riêng đối với người viết, hoạt động này đã mang lại những lợi ích đáng kể. Các lợi ích được tác giả trình bày trong bài viết này chủ yếu đến từ trải nghiệm cá nhân, không phủ nhận viết có thể mang lại nhiều hơn các lợi ích được đề cập dưới đây.

          Kiểm nghiệm tư duy – rèn luyện kỹ năng

          Viết là một quá trình tư duy, người viết thông qua chữ viết thể hiện quan điểm, tư tưởng, thái độ, tình cảm của mình đối với các chủ đề được quan tâm, có thể được bổ trợ bởi các hình ảnh, hình vẽ hoặc sơ đồ minh họa. Trừ một số ít trường hợp, người viết không muốn cho người khác xem và cất giữ cho riêng mình (như trường hợp viết nhật ký) thì hầu hết đều mong muốn truyền đạt thông tin đến người đọc (một người/nhóm người cụ thể hoặc công chúng).

          Để người đọc hiểu đúng nội dung mà người viết muốn truyền tải không phải là một việc dễ dàng. Chưa kể, viết là hình thức ghi nhận thông tin bằng văn bản, lưu giữ trong thời gian dài, có thể được đánh giá bởi nhiều người đọc khác nhau nên cần mức độ thận trọng cao hơn. Trong nhiều trường hợp, việc khinh suất trong ngôn ngữ viết đã để lại hệ quả tiêu cực, đôi khi là rất khó hoặc không thể khắc phục. Hẳn vì thế người ta mới có câu “bút sa gà chết”.

          Xuất phát từ lý do chủ yếu trên, viết luôn đòi hỏi nhiều thời gian, công sức hơn so với ngôn ngữ nói. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa ngôn ngữ viết lúc nào cũng phức tạp mà tùy thuộc vào loại hình cụ thể dẫn đến yêu cầu có sự khác biệt. Ở mức độ đơn giản, người viết chỉ cần diễn đạt đúng nội dung, sử dụng từ ngữ phù hợp, đúng quy tắc chính tả. Phức tạp hơn, như viết về các chủ đề khoa học, bên cạnh hình thức thì nội dung bài viết cần đảm bảo (i) tính khách quan, chính xác; (ii) tính sáng tạo; (iii) tính lý luận và thực tiễn. Bên cạnh đó, việc trích dẫn tài liệu, bố cục trình bày cần được chú trọng đối với thể loại văn bản này. Các yêu cầu này đòi hỏi người viết luôn phải trau dồi và nâng cao các kỹ năng như: kỹ năng tìm kiếm, tra cứu nguồn thông tin; kỹ năng nghiên cứu; kỹ năng lập luận, kỹ năng trong xử lý số liệu, … Trong trường hợp này, viết có thể xem như một cuộc hành trình, vất vả nhưng thú vị và mang lại những trải nghiệm quý báu. Bởi lẽ, trên hành trình đó, người viết có cơ hội nhìn nhận chủ đề của mình một cách sâu sắc, ở nhiều khía cạnh khác nhau. Từ đó, người viết có thể suy ngẫm lại tri thức, thông tin của mình, hoàn thiện sự hiểu biết cũng như các kỹ năng cần thiết. Điều này có thể bị bỏ qua nếu chủ đề được thể hiện dưới dạng ngôn ngữ nói.

          Theo tác giả, đây là lợi ích lớn nhất khi viết.

          Bày tỏ quan điểm, thái độ, cảm xúc

          Trong cuộc sống, chúng ta dành sự quan tâm của mình đối với sự vật, sự việc, hiện tượng khác nhau và có xu hướng bày tỏ quan điểm, thể hiện thái độ của mình đối với các chủ đề này. Ví dụ như chúng ta bày tỏ sự căm ghét trước hành vi trái đạo đức hoặc thái độ phấn khích trước niềm vui chung của dân tộc.

          Ngày nay, việc thể hiện quan điểm hoặc bày tỏ thái độ, cảm xúc trở nên thuận tiện hơn bởi sự phổ biến của mạng xã hội. Một sự kiện “nóng” nhanh chóng được cập nhật và được truyền đi cách nửa vòng địa cầu chỉ trong vòng vài phút. “Chủ thớt” có thể viết ra những suy nghĩ, cảm nhận của mình về sự kiện này nhằm thu hút sự chú ý và tương tác từ cộng đồng. Ngược lại, cộng đồng cũng có thể phản hồi bằng cách viết các dòng bình luận, đưa ra các đánh giá, ý kiến. Dường như, khi được thể hiện quan điểm, bày tỏ cảm xúc của mình về chủ đề quan tâm thì chúng ta mới cảm thấy thoải mái và đâu đó kèm theo sự hào hứng.

          Nhìn nhận tích cực, viết trên mạng xã hội không chỉ đơn thuần bày tỏ quan điểm, giải tỏa cảm xúc mà còn có thể xem như một kênh thu thập thông tin. Thông qua việc tương tác, phản hồi đa dạng từ các đối tượng người đọc khác nhau, người viết có góc nhìn đa chiều về cùng một chủ đề. Điều này có thể phần nào giúp bổ sung tri thức, nâng cao kỹ năng phản biện. Tuy nhiên, bởi đối tượng người đọc đa dạng nên người viết cần cẩn trọng để hạn chế những mặt tiêu cực khi viết trên kênh này.

          Theo trải nghiệm của tác giả, để phần nào hạn chế ảnh hưởng tiêu cực khi viết trên mạng xã hội, tác giả thường cân nhắc dựa trên nội dung mình dự định viết và thử hình dung giá trị mà bài viết mang đến cộng đồng như thế nào. Sau khi cân nhắc, nếu bài viết hầu như không mang lại giá trị nào đến cộng đồng mà chỉ thuần túy là cảm xúc, tác giả thường không viết hoặc nếu có cũng chỉ để riêng mình đọc. Ngay cả trường hợp này, hành động viết cũng có tác dụng xoa dịu cảm xúc và mang lại những giá trị tích cực nhất định cho người viết.

          Nâng cao sự kiên nhẫn, tập trung

          Như đã đề cập, viết là một quá trình tư duy, đòi hỏi nhiều công sức. Để hoàn thành được một bài viết, về bất kỳ chủ đề gì thì thường tốn thời gian. Chưa kể, đối với những chủ đề đòi hỏi hàm lượng tri thức, tính chuyên môn cao, việc tìm kiếm tư liệu, chắt lọc thông tin, xử lý số liệu lại càng trở nên phức tạp. Ngoài ra, do đòi hỏi mang tính quy ước, người viết ngoài việc tuân thủ các quy tắc chính tả còn phải đảm bảo sử dụng từ ngữ chuẩn xác, cách trình bày hợp lý. Do vậy, đòi hỏi người viết phải có sự kiên nhẫn và tập trung nhất định để hoàn thành bài viết của mình.

          Như đã trình bày, viết không phải là một việc dễ dàng. Tuy nhiên, nếu vượt qua các trở ngại, người viết có thể gặt hái những lợi ích kể trên. Đây có thể xem là động lực để người viết mạnh dạn viết và hoàn thiện kỹ năng viết cho riêng mình. Trong trường hợp viết là một kỹ năng quan trọng của nghề thì người viết lại càng phải nỗ lực để thành thạo vì đây là yêu cầu bắt buộc để tồn tại với nghề.

         Sài Gòn, 15.6.2021

         Nguyễn Thái Hải Lâm

 

2 thoughts on “LỢI ÍCH CỦA RÈN LUYỆN KỸ NĂNG VIẾT

  1. Quang says:

    Bài viết hay, súc tích ! Nêu ra được những khái niệm cơ bản cho những người muốn và thích cầm bút !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *