MIỄN PHÍ THÀNH QUẢ SÁNG TẠO – CÂU CHUYỆN TỪ QUÁ KHỨ

          Ngày 11.8.2020, Tổng thống Putin tuyên bố Nga đã phát triển thành công vaccine điều trị Covid-19. Dù hiệu quả trên thực tế chưa được kiểm chứng đầy đủ nhưng cũng là tín hiệu lạc quan, nhất là trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 vẫn tăng lên từng ngày.
          Qua truyền thông, không rõ các nhà khoa học Nga đã nộp đơn đăng ký sáng chế cho thành quả khoa học của mình chưa nhưng từ thông tin đã xuất hiện ý kiến cho rằng, vaccine chỉ dành cho các quốc gia phát triển với tiềm lực kinh tế dồi dào, các quốc gia đang phát triển khó tiếp cận. Nên chăng cần miễn phí vaccine để mọi người đều có thể sử dụng?
          Ý kiến trên chợt gợi mình nhớ vài câu chuyện liên quan mà mình từng đọc, viết lại để góp thêm cùng mọi người một góc nhìn về vấn đề trên.
          Chuyện thứ nhất:
          Năm 1914, khi Thế chiến Thứ nhất bùng nổ, như nhiều bạn bè cùng trang lứa, Nhà sinh vật học Alexander Fleming người Scotland – khi ấy là một sinh viên vừa tốt nghiệp cũng lên đường nhập ngũ. Là một sinh viên mới tốt nghiệp ngành Dịch tễ học, Fleming được phân công phục vụ công tác quân y ngoài chiến trường. Trong thời gian này, chứng kiến nhiều đồng đội của mình chết trên giường bệnh vì các vết thương bị nhiễm trùng, Fleming mong muốn tìm ra một loại thuốc nhằm giải quyết hiện trạng này.

Alexander Fleming (Nguồn: Britannica.com)

Sau khi Thế giới thứ nhất kết thúc, Fleming quay lại cuộc sống đời thường, tiếp tục công việc nghiên cứu của mình tại Học viện Saint Mary. Những mong muốn thời quân ngũ vẫn thôi thúc ông tiếp tục làm nhiều nghiên cứu, thí nghiệm. Cuối cùng, ông đã tìm ra hoạt chất có thể ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn, được chiết xuất từ một loại nấm xanh. Tuy nhiên, thay vì nộp đơn đăng ký để giành lấy Bằng độc quyền sáng chế cho thành quả nghiên cứu của mình thì Fleming lại suy nghĩ khác.

         Ông mong muốn thành quả nghiên cứu của mình có thể dễ dàng được thương mại hóa và được sử dụng trên toàn thế giới càng nhanh càng tốt. Vì vậy, ông quyết định không theo đuổi thủ tục cấp Bằng độc quyền sáng chế. Tuy nhiên, hành động nhân đạo này của ông vô tình được xem là lý do chính trong việc Penicillin bị trì hoãn sản xuất trong khoảng 14 năm cho đến Thế chiến Thứ hai [1].
         Các nhà đầu tư e ngại nếu không có “lá chắn” Bằng độc quyền sáng chế thì họ khó thu hồi được chi phí trong việc tìm cách tinh chế thuốc và phát triển các kỹ thuật cần thiết cho hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, việc phổ biến rộng rãi thành quả nghiên cứu trên có thể là tiền đề cho việc sản xuất tràn lan, kém thu hút về mặt thương mại dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.
         Qua đó, có thể thấy, nếu Alexander Fleming theo đuổi thủ tục cấp Bằng độc quyền sáng chế đối với các thành quả nghiên cứu của mình, có thể Penicillin đã được đưa vào ứng dụng sớm và số người được cứu sống trong khoảng 14 năm sẽ nhiều hơn.
         Chuyện thứ hai:
         Vào năm 1809, Humphry Davy – Nhà vật lý người Cornwall, đã sáng tạo ra chiếc đèn măng – xông (Sau này được gọi là đèn Davy theo tên người sáng tạo). Loại đèn này được đặt trong lưới dây dẫn để ngăn không cho lửa tràn ra ngoài, gây cháy nổ. Sáng chế này khi được đưa vào sử dụng trong các hầm mỏ đã mang lại lợi ích to lớn, giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn của những người thợ mỏ khi làm việc trong các hầm, vốn là môi trường dễ cháy nổ.

Humphry Davy (Nguồn: Wikipedia)

         Khi tạo ra chiếc đèn măng-xông này, nhiều bạn bè đã khuyên Davy nên đăng ký Bằng độc quyền sáng chế, vì nhận thấy khả năng cao trong việc thương mại hóa từ chiếc đèn này. Tuy nhiên, với mong muốn đây là một “sáng chế để cứu người”, Humphry Davy đã từ chối những lời khuyên này mà không lường trước hệ quả tiềm ẩn từ quyết định này của mình [2].

Đèn Davy (Nguồn: Wikipedia)

         Vì không có ai giành độc quyền đối với sáng chế này nên nó được phổ biến rộng rãi. Nhiều thương nhân đã sản xuất loại đèn này với chất lượng thấp bằng cách sử dụng những phụ kiện kém chất lượng hoặc quy trình sản xuất không an toàn. Khi vào các hầm mỏ, chiếc đèn chẳng những không mang lại tác dụng như mong muốn mà còn gây ra hàng loạt vụ nổ hầm khiến nhiều người thiệt mạng.
         Nếu biết trước kết cục trên, có lẽ Humphry Davy đã suy nghĩ lại quyết định của mình.
         Có thể thấy rằng, Bằng độc quyền sáng chế có thể xem là một “phần thưởng” để khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, đảm bảo cho nhà đầu tư có thể thu hồi chi phí và có lợi nhuận (như câu chuyện 1) hay một cách thức để bảo đảm chất lượng (như câu chuyện 2). Tuy nhiên, có lẽ chừng đó là không đủ để thuyết phục công chúng nhiệt tâm, lo lắng cho sức khỏe cộng đồng với hàng loạt câu hỏi như:
         – Liệu trao độc quyền cho một sáng chế có thể dẫn đến chiếm lĩnh thị trường?
         – Bằng độc quyền sáng chế có hạn chế khả năng tiếp cận của công chúng đối với các thành quả khoa học?
         – …
        Những mối bận tâm kể trên đã từng được đặt ra và phần nào được giải quyết khi pháp luật sáng chế hình thành, hy vọng có dịp trình bày cũng mọi người trong một bài viết khác.
       Thân mến,
       Nguyễn Thái Hải Lâm.

    * Chú thích:
       [1] David A. Burge, Patent and Trademark Tactics and Practices, John Wiley & Sons, 1999.
       [2] Sir Humphry Davy and the coal miners of the world: a commentary on Davy (1816) ‘An account of an invention for giving light in explosive mixtures of fire-damp in coal mines’, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4360091/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *