HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM – “BÚT SA GÀ CHẾT”

Mấy ngày gần đây, truyền thông ồn ào về chuyện một nữ diễn viên cho rằng mình bị lừa khi mua hợp đồng bảo hiểm. Thiệt hại có thể lên đến tiền tỷ. Mình mượn chuyện này, tản mạn mấy ý lan man để mọi người đọc chơi.

1. Người xưa có câu:“bút sa gà chết” còn nguyên giá trị đến tận bây giờ. Đối với hợp đồng bảo hiểm hay các loại giấy tờ quan trọng khác cũng vậy, mình nên có thói quen đọc và xem xét cẩn trọng trước khi đặt bút ký. Ký xong rồi nói mình bị lừa, thiếu hiểu biết nên ký…thì rất khó để thuyết phục. Trường hợp không có chuyên môn thì nên nhờ cậy chuyên gia, bỏ ra một số tiền nhỏ để ngăn ngừa một rủi ro lớn, chi phí này hoàn toàn hợp lý.

Ký một hợp đồng có giá trị tiền tỷ nhưng lại không đọc mà chỉ nghe chuyên viên tư vấn bảo hiểm thì nếu có bị lừa thật, nên “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” vậy.

Bảo hiểm là giảm trừ rủi ro, nhưng không cẩn trọng có khi thành tự chuốc lấy rủi ro. Đối với hợp đồng bảo hiểm, chí ít cũng nên quan tâm đến: loại hợp đồng bảo hiểm, các định nghĩa – khái niệm, các quyền lợi bảo hiểm (để còn biết mà sử dụng), hồ sơ bảo hiểm cần cung cấp cho bên bảo hiểm, các điều khoản về đóng phí, gia hạn, đáo hạn, chuyển đổi hợp đồng, điều khoản miễn trừ.

Nói chung, đi mua hàng thì phải xem xét và biết nhu cầu mình cần gì, hàng hóa đó đáp ứng tới đâu cho nhu cầu của mình. Cái quần, cái áo khi mua còn cân nhắc, hợp đồng bảo hiểm đóng phí toàn tiền triệu, tiền tỷ mà bỏ quên sao được.

2. Mình cũng từng gặp khách hàng lao đao vì “bút sa gà chết”. Khách là bên bán nhà. Các bên ngoài miệng nói với nhau rằng, trong vòng 30 ngày, kể từ ngày đặt cọc sẽ ra công chứng. Thời hạn này cũng khá phổ biến trên thị trường bất động sản nên khách cũng không nghi ngờ gì, dĩ nhiên cũng chẳng mấy để tâm đến hợp đồng.

Thực tế, hợp đồng ghi:

sau thời gian đặt cọc 30 ngày, hai bên cùng thực hiện mua bán tại Văn phòng công chứng gần nhất”.

Cái chết là “sau thời gian đặt cọc 30 ngày” là ngày nào? Không xác định được. Nếu “trong vòng 30 ngày sau thời gian đặt cọc” hay “tối đa là 30 ngày sau khi đặt cọc” thì mọi chuyện đã khác.

Bên bán vì thiếu cẩn trọng nên lao đao, tiến thoái lưỡng nan. Nếu bán cho người khác thì có thể vi phạm hợp đồng cọc đã ký, mà chờ bên đặt cọc thì họ cứ trì hoãn…thành ra vốn đầu tư bị “chôn” trong căn nhà tiền tỷ.

3. Cũng từ chuyện nữ diễn viên cho rằng bị lừa khi mua hợp đồng bảo hiểm nêu trên, một số luật sư (có lẽ không chuyên lĩnh vực này) nhưng vẫn hăng hái trả lời báo chí. Số ít luật sư này cho rằng hợp đồng bảo hiểm thuộc trường hợp phải đăng ký hợp đồng mẫu.

Trời ơi! Quy định đăng ký hợp đồng mẫu đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là quy định cũ, tồn tại trong Quyết định 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Kể từ ngày 01/10/2019, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không còn phải đăng ký hợp đồng theo mẫu theo Quyết định 25/2019/QĐ-TTg ngày 13/8/2019 của Thủ tưởng Chính phủ.

Thật khổ tâm…

Đã không phải sở trường thì nên cân nhắc việc trả lời, chứ luật sư trả lời sai một câu hỏi mà gõ Google cũng ra thì…thật kỳ (nếu không muốn nói là TỆ).

Chuyện ồn ào, thông tin mình không có đầy đủ nên không đánh giá gì. Nhưng từ đó, nhìn – ngẫm mấy việc để rút kinh nghiệm cho bản thân và xa hơn có thể là người thân, khách hàng của mình.

Sài Gòn, ngày 12/4/2023

Nguyễn Thái Hải Lâm

Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *