BÌNH LUẬN NGẮN VỀ BIỂU MẪU ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ

Ngày 02/6/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó, có tổng cộng 9 mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả và quyền liên quan, tương ứng với các nhóm loại hình khác nhau.

Việc phân chia các tờ khai theo từng loại hình có ưu điểm là thuận tiện trong việc phân loại trong quản lý cũng như mô tả tác phẩm. Thay vì sử dụng 01 tờ khai khi đăng ký quyền tác giả thì với từng tờ khai khác nhau, sẽ có các hướng dẫn để mô tả tác phẩm phù hợp.

Ví dụ, nếu là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng thì nêu được nội dung chính của tác phẩm, mô tả đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục, tính năng hữu ích của tác phẩm ; nêu công cụ, ứng dụng dùng để sáng tạo tác phẩm ; tác phẩm được tạo ra để gắn liền với đồ vật hữu ích nào (nếu có), được sản xuất thủ công hay công nghiệp và cam đoan về việc sáng tạo tác phẩm.

Cách hướng dẫn biểu mẫu quy định chặt chẽ hơn, ví dụ như trường hợp người đăng ký quyền tác giả là cá nhân thì phải ký nháy từng trang tờ khai; trường hợp là tổ chức thì đóng dấu giáp lai tờ khai.

Trong các biểu mẫu đăng ký hầu như đều có nội dung cam đoan:

“Nội dung tác phẩm do tác giả/đồng tác giả sáng tạo, không sao chép từ tác phẩm của người khác, không vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.

Đối với những tác phẩm chứa nội dung liên quan tới chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, thuần phong mỹ tục, sức khỏe, danh dự, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, thì phải cam đoan: không có nội dung, hình ảnh vi phạm, không xuyên tạc, không gây ảnh hưởng tới các vấn đề này.”

Dễ thấy ngay là phạm vi của cam đoan này quá rộng – nhiều lĩnh vực, mà có lẽ phần lớn là nằm ngoài khả năng của người cam đoan.

Thậm chí, có nội dung cho thấy người cam đoan gần như sẽ vi phạm ngay chính nội dung cam đoan. Cụ thể là cam đoan về việc “không gây ảnh hưởng tới các vấn đề này”. Làm sao để một tác phẩm hay các đối tượng của quyền liên quan (như cuộc biểu diễn, bản ghi, chương trình phát sinh) KHÔNG GÂY ẢNH HƯỞNG đến hàng loạt lĩnh vực nêu trên?

Ví dụ: Một bài hát khuyên mọi người tập thể dục thể thao rõ ràng sẽ gây ảnh hưởng tới vấn đề sức khỏe. Chuyện hiển nhiên. Còn ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực? mức độ tới đâu thì tùy trường hợp.

Qua đó, có thể thấy việc mở rộng nội dung cam đoan, sử dụng những từ ngữ định tính và mơ hồ cho thấy đâu đó sự thiếu tự tin và bàng bạc nỗi lo sợ mà Cơ quan Nhà nước dành cho các chủ thể sáng tạo. Từ đó, việc đăng ký quyền tác giả có thể đi ngược lại mục tiêu bảo hộ quyền tác giả là khuyến khích sự sáng tạo. Trong khi đó, việc công nhận quyền tác giả với chuyện lưu hành tác phẩm là hai vấn đề khác nhau. Vấn đề này, mình với anh Danh đã từng có bài viết đề cập – trước khi Thông tư 08 và các biểu mẫu này được ban hành. https://nguyenthaihailam.com/thu-tuc-dang-ky-quyen-tac-gia-khi-su-sang-tao-co-nguy-co-bi-han-che/

Nhưng rồi, các biểu mẫu này [có lẽ] còn đi xa hơn các lo ngại của các tác giả trong bài viết trên.

Sài Gòn, ngày 11/8/2023

Nguyễn Thái Hải Lâm

Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của các tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *