Vừa rồi, Lâm có dịp nghe lại buổi trao đổi của luật sư Đặng Xuân Hợp dành cho các bạn sinh viên luật hoặc người mới vào nghề. Chủ đề của buổi trao đổi là “Ten mistakes a young lawyer should avoid”, tạm dịch là “Mười sai lầm mà luật sư trẻ nên tránh”.
Lâm thấy nội dung có hơi khác với chủ đề, nên khi trình bày lại, đặt tiêu đề là “lưu ý”, chứ không gọi là “sai lầm”. Mình giới thiệu đến mọi người với hy vọng: người đi sau nhìn người đi trước để rút kinh nghiệm, qua đó bớt được chút nhọc nhằn trên hành trình nghề nghiệp. Người đã trải qua được dịp ôn lại hoặc có thêm góc nhìn khác về cùng vấn đề.
Lâm chỉ trình bày các ý chính và cố gắng cô đọng nội dung theo cách hiểu của bản thân. Vì vậy, bài viết này không phải là toàn bộ nội dung trình bày của diễn giả và sự trao đổi của người tham dự.
Tác phong chuyên nghiệp
Khác với thời sinh viên, ăn mặc có thể thoải mái. Khi hành nghề, hình ảnh chuyên nghiệp của luật sư rất quan trọng với khách hàng, đồng nghiệp. Luật sư trẻ cần chú ý cách ăn mặc của mình cho phù hợp, đó là hình ảnh thể hiện sự chuyên nghiệp của cá nhân và xa hơn là công ty luật mà luật sư đang hành nghề. Các bạn trẻ đôi khi vô tình không để ý và tự tạo “điểm trừ” cho chính mình.
Tương tự như vậy đối với việc nói. Thời sinh viên có thể thoải mái vui đùa, nhưng vào môi trường làm việc, cần cẩn trọng với lời nói của mình. Việc phát ngôn cần có sự chuẩn mực, phù hợp với văn hóa công ty, môi trường và đối tượng giao tiếp.
Ngoài ra, chuyện giờ giấc, đi đứng cũng cần lưu ý để thể hiện tác phong chuyên nghiệp.
Nghề luật là nghề trọng thức – mình nhớ lại kinh nghiệm của bản thân để kết lại phần trình bày.
Luôn thân thiện, lịch sự và có ích
Lịch sử của nghề cho thấy luật sư là người đi giúp đỡ người khác, nhất là người yếu thế. Có thể xem, đây là truyền thống của luật sư. Là một luật sư trẻ, nên nuôi dưỡng sự hào hiệp thông qua ứng xử hằng ngày, như giúp một anh bảo vệ, cô lao công,….hay đồng nghiệp của mình. Cần bắt đầu quan sát và tập luyện lâu ngày sẽ thành thói quen. Trong nghề nghiệp, khách hàng trả tiền để mình “gánh” giùm nỗi lo của họ. Vì vậy, hãy luôn tỏ ra là người có ích, cư xử lịch thiệp với khách hàng cũng như đồng nghiệp.
Quản lý thời gian
Khách hàng có thể không đánh giá được chuyên môn của bạn nhưng họ hoàn toàn nhận biết được khi nào bạn trễ hẹn. Vì vậy, hãy luôn đúng giờ, đặc biệt với các công việc có thời hạn cụ thể.
Trường hợp không thể hoàn thành đúng hạn, cần chủ động báo cho đồng nghiệp, khách hàng để xin gia hạn hoặc nhờ sự giúp đỡ. Đừng đợi nước tới chân mới báo.
Ví dụ: khách hàng hẹn 17 giờ, thì có khi 16 giờ – 16 giờ 30 họ đã chờ kết quả công việc. Vì vậy, nếu thấy khả năng không hoàn thành đúng hạn, thì tầm khoảng 15 giờ, luật sư đã phải báo lại và xin thêm thời hạn nếu cần.
Tương tự như vậy với sếp hay đồng nghiệp của mình. Đừng diễn giải chủ quan rằng sếp đang ngồi cà phê hay bận họp nên chưa cần giao đúng hạn. Thực tế, có thể sếp ngồi cà phê hay bận họp như bạn thấy nhưng họ đang chờ email của bạn từng phút một.
Công việc khó nhưng cho thời gian ít thì luật sư trẻ phải làm sao?
Luật sư trẻ nên khéo léo thương lượng lại thời hạn. Trường hợp không thể thương lượng, cần giải thích với sếp, khách hàng rằng với khoảng thời gian như vậy, mình chỉ có thể hoàn thành một số vấn đề trọng yếu…và khi vào việc, chỉ lựa những vấn đề quan trọng để ưu tiên giải quyết với khoảng thời gian ít ỏi được cho phép.
Thật thà – dũng cảm
Khi nhận yêu cầu, nếu thấy ngoài khả năng hoặc chưa rõ thì nên trao đổi lại ngay. Đừng “cố đấm ăn xôi” để ảnh hưởng đến kết quả chung của tập thể. Khi nhận việc, nên cố gắng trao đổi, phản hồi lại với đồng nghiệp, cấp trên để họ có thể hỗ trợ mình hoặc ít nhất là không bị động. Tức là, luật sư luôn tương tác, phản hồi lại sếp, đồng nghiệp, khách hàng của mình chứ không im lặng chờ may, rủi (nếu hoàn thành thì tốt, không hoàn thành thì chịu bị la).
Ví dụ: luật sư được giao một công việc về lĩnh vực sở hữu trí tuệ – ngoài chuyên môn. Luật sư trẻ có thể cho sếp biết là công việc này nằm ngoài chuyên môn của mình. Tuy nhiên, mình sẽ cố gắng nghiên cứu để có thể hoàn thành công việc được giao.
Trường hợp cần thêm thời gian để hoàn thành, luật sư trẻ nên mạnh dạn đề xuất.
Ví dụ: em cần thêm 1 giờ/1 ngày để hoàn thành công việc của anh giao….
Rất nhiều tình huống đòi hỏi sự thật thà – dũng cảm, nhưng cũng phải khôn khéo để không bị đánh giá thấp năng lực hay thiếu nhiệt tình trong công việc. Sự khôn khéo này, cần thời gian và trải nghiệm.
Lựa chọn thái độ và không xem nhẹ việc đang làm
Mỗi công việc đều có giá trị và ý nghĩa riêng, đừng đánh giá thấp bất kỳ công việc này được giao.
Ví dụ: khi sếp giao photo một văn bản, mình có thể tranh thủ đọc qua – ghi nhớ và nhắc sếp khi cần thiết. Khi sếp cần tìm đoạn văn bản đó hay thông tin đó, việc mình có thể nhớ chính xác và hỗ trợ kịp thời sẽ tạo ấn tượng tốt.
Anh Hợp chia sẻ, khi làm partner, một ngày cuối tuần anh lên văn phòng và cần in tài liệu nhưng máy in gặp trục trặc. Khi đó anh cũng không biết nhờ ai, phải gọi các bạn khác để mong giải quyết được sự cố vì khách hàng chờ gấp tài liệu này. Điều đó cho thấy, kể cả việc lặt vặt như sửa máy in kẹt giấy, photocopy,…cũng có sự quan trọng và ý nghĩa riêng.
Vì vậy, bất kể việc lớn – việc nhỏ, hãy luôn có thái độ tích cực và hoàn thành xuất sắc.
Mình chợt nhớ có sinh viên cho rằng đi thực tập không nên vào mấy chỗ chỉ cho giao nhận tài liệu, chuyển hồ sơ…vì làm vậy giống “shipper pháp lý”. Nhưng khi mình hỏi tới cách bàn giao hồ sơ hay trường hợp người nhận từ chối/không có mặt thì giải quyết sao thì các bạn lúng túng.
Quyết tâm với công việc
Cần nỗ lực hết sức, làm hết mình với công việc được giao. Có thể với kiến thức, kinh nghiệm còn hạn chế, một luật sư trẻ không thể hoàn thành như mong đợi. Tuy nhiên, phải luôn ý thức mình cần làm hết khả năng và qua đó thể hiện thái độ làm việc nghiêm túc, nhận được cái nhìn tích cực từ cấp trên và đồng nghiệp.
Quản trị rủi ro
Nghề luật dĩ nhiên luôn gắn với rủi ro. Rủi ro có rất nhiều. Nhìn chung, để đối diện với các tình huống không mong muốn, cần chuẩn bị cho mình nhiều kịch bản. Khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng và hết khả năng thì cũng hạn chế được phần nào rủi ro. Chí ít là giảm nhẹ thiệt hại.
Mình hay dùng hình ảnh “tứ bề thọ địch” để chỉ hoạt động hành nghề luật sư. Hình ảnh này khác chính xác trên thực tế, khi mà luật sư phải giao tiếp và phần nào chịu áp lực đến từ khách hàng, đồng nghiệp, cấp trên và cả Tòa án, Cơ quan nhà nước.
Công – tư phân minh
Tránh để việc cá nhân ảnh hưởng đến việc chung.
Ví dụ: một luật sư trẻ có thể đang gặp trục trặc chuyện tình cảm hay bực mình chuyện gia đình nên cảm xúc không tốt. Đừng mang điều ấy vào văn phòng hay để nó ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng công việc.
Dường như luật sư Hợp cũng ám chỉ mối quan hệ tình cảm giữa các đồng nghiệp, cần lưu ý để không gây tiêu cực lên chất lượng công việc và kết quả của tập thể.
Đơn nhiệm
Cần đơn nhiệm để tập trung, đạt hiệu suất cao và “enjoy” công việc. Tránh làm nhiều công việc một lúc hoặc xen lẫn công việc với các chuyện đời tư.
Ví dụ: một luật sư không nên vừa nghiên cứu luật, vừa bật màn hình nhắn tin cho người thân hay làm thêm một công việc khác.
Việc này tuy đơn giản nhưng thực hành không dễ dàng, vì nhiều lý do khác nhau.
Học hỏi qua công việc
Học hỏi qua công việc không chỉ là lúc làm việc mà khi công việc kết thúc. Khi đó, luật sư có thời gian nhìn lại công việc và rút kinh nghiệm. Đây là thời điểm tốt để cùng đồng nghiệp mổ xẻ vấn đề, học hỏi thêm kiến thức và tích lũy kinh nghiệm từ công việc thực tế. Có thể nói, khi bàn giao công việc cho khách hàng thì lúc đó việc học hỏi mới chỉ bắt đầu.
* *
*
Trong khoảng 01 giờ trao đổi trực tuyến, luật sư Đặng Xuân Hợp cùng người tham dự đã đúc kết nhiều kinh nghiệm cho các bạn trẻ. Theo thiển ý của mình, các kinh nghiệm này rất hữu ích với các bạn đang làm việc tại các văn phòng lớn, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. Đối với văn phòng có quy mô nhỏ hay mức độ chuyên môn hóa chưa cao, các kinh nghiệm này cũng hữu ích nhưng cần vận dụng linh hoạt, bên cạnh tích lũy các kỹ năng về giao tiếp – ứng xử.
Sài Gòn, ngày 25/7/2023
Nguyễn Thái Hải Lâm
Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của các tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.