Từ câu chuyện ở phòng triễn lãm…
Trong phòng triễn lãm, công chúng đang bàn tán về bức tranh có tên “Portrait of Edmond de Belamy (tạm dịch: Chân dung của Edmond de Belamy). Tác phẩm nghệ thuật là chân dung một người đàn ông với các đường nét mờ ảo, được vẽ trên nền vải canvas. Nếu chuyện chỉ có vậy thì quá đỗi bình thường trong thế giới nghệ thuật. Điều gây ngạc nhiên ở đây là tác phẩm này được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI), bức tranh đã đạt giải thưởng và được đấu giá lên đến 10.000 USD$[1].
Đến vấn đề mà pháp luật sở hữu trí tuệ cần giải quyết
Câu chuyện trên đã xảy ra vài năm trước, AI giờ đây là một trong những yếu tố then chốt trong cuộc cách mạng 4.0, không chỉ gói gọn trong câu chuyện về bức tranh tại phòng triển lãm. Cùng với sự phát triển sâu rộng của AI trong các lĩnh vực, pháp luật sở hữu trí tuệ phải giải quyết câu hỏi khó: AI có phải là chủ thể sáng tạo hay không?
Để trả lời câu hỏi trên, có lẽ chúng ta nên quay về (i) triết lý hay bản chất, mục tiêu mà pháp luật sở hữu trí tuệ hướng tới và (ii) bản chất hoạt động sáng tạo của trí tuệ nhân tạo là gì? Từ đó nhận định việc cần thiết hay không trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ do AI tạo ra.
Về mục tiêu mà pháp luật sở hữu trí tuệ hướng tới?
Trong pháp luật sở hữu trí tuệ, học thuyết phần thưởng (Reward theory) được số đông chấp nhận và dùng làm cơ sở xây dựng các quy định pháp luật. Theo đó, Nhà nước (thông qua hệ thống pháp luật) sẽ trao “độc quyền” cho các nhà sáng tạo đối với các thành quả sáng tạo của họ (sáng chế, tác phẩm, kiểu dáng công nghiệp,…) trong một thời hạn nhất định. Đổi lại, sau khi hết thời hạn bảo hộ, công chúng có thể tiếp cận và sử dụng miễn phí các thành quả sáng tạo này và dùng nó như “chất liệu” để tạo ra thành quả sáng tạo khác. Qua đó, các hoạt động này làm phong phú kho tàng tri thức của nhân loại. Để hài hóa giữa sự “độc quyền” của nhà sáng tạo và quyền lợi của công chúng, pháp luật các quốc gia hầu hết đều ghi nhận thời hạn cho sự “độc quyền” này, tùy vào chính sách mỗi quốc gia và đối tượng bảo hộ. Học thuyết phần thưởng có lẽ thích hợp nhất để giải thích các quy định pháp luật về sáng chế.
Tương tự học thuyết trên, học thuyết khuyến khích (Incentive theory) cũng thường được dùng để lý giải các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ. Theo học thuyết này, quyền lợi kinh tế là điều kiện cần thiết để nhà sáng tạo cống hiến thời gian, công sức, tài năng của họ. Vì vậy, nhà sáng tạo phải được “độc quyền” để thu hồi các thành quả đầu tư. Đối với quyền tác giả, học thuyết này được xem là cơ bản và thường được dùng hơn. Trong phạm vi bài viết này, tác giả không nỗ lực làm rõ sự khác biệt giữa 2 học thuyết này. Nhìn chung, 2 học thuyết cơ bản này đều tin rằng một sự độc quyền có thời hạn sẽ khuyến khích cho hoạt động sáng tạo.
Về hoạt động sáng tạo của AI?
Nói đến khả năng của AI, đã có nhiều công trình nghiên cứu và khẳng định AI có đặc tính như: Sáng tạo, độc lập tự chủ không có sự can thiệp của con người, khả năng tự học và không ngừng cải tiến, khả năng thu thập dữ liệu và truyền đạt…[2] Công trình nghiên cứu này đã công bố cách đây đã 5 năm nhưng so với thực tế hiện nay, kết luận từ các nghiên cứu này là rất đáng tin cậy.
Ngày nay, chuyện AI có thể vẽ tranh, sáng tác âm nhạc, tạo ra các sáng chế, tham gia phỏng vấn, trò chuyện…đã là một chuyện không còn bất ngờ hay lạ lẫm với công chúng. Với khả năng “tự học” và “học sâu”, AI hoàn toàn có thể độc lập tạo ra các đối tượng sáng tạo, không nhất thiết phải có sự kết hợp hay hỗ trợ từ con người.
Vậy bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ do AI tạo ra có đáp ứng được mục tiêu nêu trên không?
Đến đây, có lẽ cần có sự xem xét thận trọng giữa quyền tác giả (mà đối tượng là tác phẩm) và quyền sở hữu công nghiệp (trong bài viết lấy sáng chế làm đối tượng quyền để bình luận).
Đối với quyền tác giả, đúng như tên gọi, chú trọng nhiều đến các quyền nhân thân (quyền tinh thần) tác giả. Một số tài liệu còn sử dụng từ“dấu ấn cá nhân” thể hiện trong tác phẩm ở các lĩnh vực: văn học, khoa học, nghệ thuật. Cũng bởi “dấu ấn cá nhân” mà nhiều người ví von tác phẩm là “đứa con tinh thần” của tác giả. Tức, khi sáng tạo tác phẩm, bên cạnh các quyền tài sản, tác giả có các quyền nhân thân như: đặt tên tác phẩm, đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng,…. Như vậy, động lực để tác giả sáng tạo không chỉ vì quyền lợi kinh tế mà còn ở khía cạnh tinh thần.
Lưu ý: Việc chú trọng quyền nhân thân hay quyền tài sản có sự khác nhau giữa các hệ thống pháp luật và cả những tranh luận không hồi kết kèm theo. Trong khi hệ thống dân luật đề cao khía cạnh tinh thần của tác giả thì hệ thống thông luật xem quyền lợi kinh tế và tinh thần không có sự khác biệt lớn và thường ưu tiên khía cạnh kinh tế (quyền tài sản) nhiều hơn. Trong phạm vi bài viết này, tác giả không đi vào so sánh sự khác biệt giữa hai hệ thống pháp luật, vốn không phải là chủ đề của bài viết này.
Trở lại vấn đề, nếu đối chiếu với các học thuyết đã trình bày, có thể thấy tác phẩm không phải do con người tạo ra thì dường như nhu cầu bảo hộ không có. Hay nói cách khác, bảo hộ tác phẩm do AI tạo ra không đúng với mục tiêu mà các học thuyết hướng đến. Bởi lẽ, AI có thể tạo ra tác phẩm tự động mà không cần ai khuyến khích, tạo động lực cho nó.
Đối với quyền sở hữu công nghiệp, như tiêu biểu là sáng chế, nhấn mạnh nhiều hơn đến khả năng thương mại (nhờ khả năng sở hữu độc quyền). Khi sáng chế có ích cho xã hội, tự khắc có nhu cầu Nhà nước “đánh đổi” theo các học thuyết nêu trên. Cụ thể, Nhà nước khuyến khích việc công bố, bộc lộ sớm sáng chế để công chúng sớm tiếp cận, khai thác và sử dụng. Thông qua hoạt động này, của cải vật chất cũng như nhiều máy móc, thiết bị hiện đại sẽ ra đời và góp phần giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật trong cuộc sống. Tiếp cận ở góc độ này, dường như vẫn có nhu cầu bảo hộ sáng chế do AI tạo ra. Hay nói cách khác, sáng chế được tạo ra bởi AI vẫn nên được bảo hộ nhằm khuyến khích hoạt động đầu tư cho AI, để tạo ra nhiều sáng chế có giá trị cho nhân loại. Tuy nhiên, khi đề cập đến tác giả sáng chế, pháp luật sở hữu trí tuệ vẫn gặp sự lúng túng và tranh cãi như trường hợp AI tạo ra sáng chế độc lập, không phụ thuộc vào con người; hay có sự hỗ trợ của con người như cung cấp dữ liệu đầu vào thì có được công nhận là tác giả sáng chế không? Ai là người có quyền đăng ký, quyền sở hữu đối với các sáng chế do AI tạo ra? Pháp luật sáng chế có lẽ cần thêm thời gian để làm rõ các lúng túng và tranh cãi này.
Nhìn chung, đối với quyền tác giả, có truyền thống đề cao các quyền nhân thân thì nhu cầu bảo hộ tác phẩm do AI tạo ra không đáp ứng được mục tiêu của pháp luật sở hữu trí tuệ (Ở các quốc gia xem quyền nhân thân và tài sản quan trọng như nhau thì có lẽ lập luận này trở nên kém thuyết phục). Trong lĩnh vực sáng chế, với truyền thống nhấn mạnh đến khía cạnh tài sản, thương mại nên nhu cầu bảo hộ sáng chế AI vẫn cần. Tuy nhiên, pháp luật sáng chế cần thêm thời gian để giải quyết các bài toán về tác giả sáng chế, quyền đăng ký sáng chế,….
Sài Gòn, 05/8/2022
Nguyễn Thái Hải Lâm
Chú thích:
[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Edmond_de_Belamy
[2] Công trình nghiên cứu này tác giả được biết gián tiếp, từ cuốn:“When Artificial Intelligence Systems Produce Inventions: The 3A Era and an Alternative Model for Patent Law, Cordozo Law Review, forthcoming 2017.
Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.