QUẢN TRỊ SỰ THAY ĐỔI

          Không phải đến khi đại dịch Covid xuất hiện thì chúng ta mới đối diện với sự thay đổi. Thực tế, chúng ta vẫn thường xuyên có những sự thay đổi trong cuộc sống của mình, thậm chí thay đổi đến mức xáo trộn. Có chăng, khi Covid xuất hiện thì chúng ta cảm nhận điều này rõ ràng hơn vì sự tác động diễn ra trên phạm vi rộng và len lỏi đến từng ngóc ngách đời sống của mỗi cá nhân. Trước bối cảnh xã hội luôn có nhiều sự thay đổi không ngừng, có lẽ chúng ta cần quản trị điều này bằng việc chuẩn bị những “hành trang” cần thiết.

           Khả năng thích nghi

           Để thích nghi, chúng ta cần chuẩn bị cho mình một tâm lý tích cực. Bởi lẽ, khi đứng trước một sự thay đổi, chúng ta thường có nhiều nỗi sợ mà trong đó chủ yếu là sợ thất bại. Ví dụ, khi đứng trước một kỳ thi, thí sinh có thể lo lắng mình không vượt qua bài kiểm tra hoặc khi đứng trước một dự án kinh doanh, một doanh nhân có thể e dè vì sợ thua lỗ… Cuộc sống luôn có nhiều nỗi lo sợ như vậy, ở các mức độ khác nhau. Thay vì để tâm trí phủ lấp bởi những lo âu, chúng ta hãy nhìn nhận đây là cơ hội tốt để học hỏi, dấn thân và vượt khỏi vùng an toàn của mình. Ứng xử đầu tiên này nhằm chuẩn bị tâm lý tích cực, làm nền tảng cho các hoạt động tiếp theo.

           Thực tế, sự nhìn nhận như trên là chưa đủ, mới dừng lại ở trong suy nghĩ. Chúng ta cần hiện thức hóa trạng thái tâm lý đó bằng hành động, sẵn sàng thử nghiệm những điều mới. Hãy lấy chuyện ăn uống làm một ví dụ đơn giản.

           Trước khi đại dịch xảy ra, có lẽ không ít người có xu hướng đặt món ăn thông qua các ứng dụng online hoặc ghé các địa điểm ăn uống để “chill” sau giờ làm việc mệt nhoài. Trong bối cảnh lệnh giãn cách của nhà chức trách cũng như tâm lý lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ cộng đồng, hầu hết mọi người ở nhà và tự nấu ăn. Đây có thể là trải nghiệm mới đối với nhiều người. Dù vậy, không có nhiều sự lựa chọn trong bối cảnh này. Điều đó buộc chúng ta phải thay đổi, học nấu ăn bắt đầu với những món ăn đơn giản. Bên cạnh đó, cũng cần tính toán chi tiêu hợp lý cho “cuộc chiến” dài hơi với Covid. Nguy cơ mất việc làm bởi doanh nghiệp không kham nổi chi phí lương, thù lao hoặc không đủ điều kiện hoạt động trong điều kiện dịch tễ phức tạp cũng là nỗi lo có cơ sở.

          Trở lại vấn đề, một việc quan trọng không kém là chúng ta cần xem việc thích nghi là một phần trong việc hoàn thành mục tiêu dài hạn. Đối với không ít người, thích nghi với sự thay đổi đơn thuần bắt nguồn từ mục tiêu mà họ muốn hướng đến và đây cũng là động lực thôi thúc họ không ngừng hành động, vượt qua mọi trở ngại. Bên cạnh sự điều chỉnh về trạng thái tâm lý, sẵn sàng hành động như trên, việc liên kết với mục tiêu giúp chúng ta có nhiều động lực hơn để thích nghi với sự thay đổi.

          Khả năng sáng tạo

          Bối cảnh xã hội thay đổi, chúng ta không thể dùng thói quen cũ để giải quyết vấn đề mới, vốn chưa từng xảy ra trước đó (như Covid). Thay vào đó, cần thiết phải sáng tạo để thích ứng với sự thay đổi. Để có sự sáng tạo đòi hỏi phải có óc quan sát nhất định và đây là trở ngại làm không ít người bỏ cuộc. Nhưng tin vui là chúng ta đều có thể rèn luyện kỹ năng này theo thời gian.

          Như chuyện “ăn uống” nêu trên, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách tập làm theo những hướng dẫn trong các nguồn thông tin tiếp cận được như: bạn bè, người thân, sách, youtube,…. Khi đã thuần thục, chúng ta có thể linh hoạt thay đổi thực đơn, thay đổi gia vị và thậm chí là cách chế biến để phù hợp với sở thích của mình. Chừng mực nào đó, đây cũng là một hoạt động sáng tạo. Biết đâu, trong lúc giãn cách và nguyên liệu có thể khó tiếp cận, có thêm nhiều món ăn mới, lạ được hình thành. Chẳng phải ông bà có dạy:“Cái khó ló cái khôn”?

          Chúng ta có thể bắt đầu học cách sáng tạo bằng việc quan sát, học hỏi và ứng dụng từ những người xung quanh, từ các nguồn khác nhau trong khả năng tiếp cận của mình. Ngày nay, nhờ công nghệ, chúng ta dễ dàng kết nối vơi kho tri thức khổng lồ của nhân loại, ở mọi ngành nghề. Việc quan sát và bắt chước là những bước đầu tiên để trở nên sáng tạo. Theo thời gian, cùng với sự thực hành đều đặn, chúng ta có thể cải biến những kỹ năng, cách làm để phù hợp và mang lại những hiệu quả tốt hơn. Đó cũng là lúc khả năng sáng tạo đã được nâng cấp.

          Khả năng hợp tác

          Con người trong xã hội hiện đại không thể chỉ sống riêng mình mà còn kết nối với nhiều mối quan hệ khác nhau. Thật khó hình dung bối cảnh một người sống biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài vào lúc này, dù có thực hiện “nhà cách ly nhà, người cách ly người” như tại các khu vực phong tỏa. Chưa kể, các công việc ngày nay có xu hướng chuyên môn hóa và được chia nhiều công đoạn để tạo thành sản phẩm cuối cùng. Lấy đơn giản như may một chiếc áo, sẽ có người chuyên phụ trách đo cắt vải, có người chỉ chuyên may các bộ phận của áo, có người lại chỉ phụ trách việc đơm nút hoặc chuyên ráp các bộ phận của áo để thành sản phẩm hoàn chỉnh…Để ra được chiếc áo đến tay người tiêu dùng, cần có sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều người như vậy.

          Hay như câu chuyện nấu ăn nêu trên, trong bối cảnh giãn cách trên diện rộng, để tìm được nguyên liệu, chúng ta cần sự hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau: các shipper, nhà cung cấp thực phẩm hoặc nhờ người khác mua giùm và đôi khi cần sự … “thông cảm” từ các lực lượng kiểm tra nếu phải tự đi mua. Chưa hết, nếu không rành việc nấu ăn hoặc không thường xuyên làm việc này, chúng ta cần có sự hướng dẫn từ bạn bè (online), các kênh youtube dạy nấu ăn cơ bản, sách, tạp chí,…. Con người luôn trong mối quan hệ tương hỗ như vậy.

          Việc hợp tác, tối ưu hóa các nguồn lực còn giúp giảm bớt nỗi lo sợ và giúp chúng ta tự tin đối diện với sự thay đổi. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ có logic rằng, tỷ lệ thất bại (rủi ro) sẽ thấp đi nếu có các nguồn lực hỗ trợ.

          Để có thể hợp tác với nhau, có lẽ trước hết cần tôn trọng sự khác biệt và công nhận những giá trị của người khác. Khi nhận ra sự khác biệt thì chúng ta mới có thể thấu hiểu, tôn trọng và làm việc cùng với nhau. Quan trọng hơn hết, mỗi người cần có khả năng thấu cảm, nỗ lực vì mục tiêu chung thay vì để “cái tôi” của mình chi phối quá nhiều. Tuy nhiên, đây có lẽ là kỹ năng khó rèn luyện nhất đối với hầu hết người Việt.

          Cuộc sống luôn vận động và theo đó là nhiều sự thay đổi ở các mức độ khác nhau, không đơn giản như chuyện nấu ăn trong ví dụ mà tác giả minh họa. Tuy nhiên, với tâm thế sẵn sàng bằng việc trang bị tốt những kỹ năng này, chúng ta có thể dễ dàng vượt qua thách thức đến từ các sự thay đổi. Không những vậy, có thể tận dụng các sự thay đổi này để làm cuộc sống thêm màu sắc và đóng góp nhiều giá trị cho cuộc đời.

          Sài Gòn, 25.7.2021

          Nguyễn Thái Hải Lâm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *