PHẢI CHI TA LẶNG IM ?

          Nếu tính luôn “Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ” sắp được ban hành, nước ta có lẽ là số ít quốc gia có nhiều quy tắc ứng xử, ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Điểm chung của các quy tắc là có nội dung định tính, khó xác định chính xác mà tùy thuộc nhiều vào bối cảnh, văn hóa, con người cụ thể và … người có thẩm quyền.

          Đáng nói, các quy tắc này được luật hóa hoặc được khéo léo dẫn chiếu trong các văn bản pháp luật. Vì vậy, nếu vi phạm các quy tắc này thì tùy mức độ mà xử lý, nhẹ thì kỷ luật, nặng hơn thì xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

          Bằng công cụ tìm kiếm google, có thể dễ dàng tìm thấy các quy tắc ứng xử được quy định trong các văn bản pháp luật cũng như các quyết định hành chính nội bộ như:

– Ngành Công an có quy tắc ứng xử của công an nhân dân, được ban hành theo Thông tư số 27/2017/TT-BCA ngày 22/8/2017.

– Ngành Y tế có quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế, được ban hành kèm theo Thông tư 07/2014/TT-BYT ngày 25/02/2014.

– Ngành Sư phạm có quy tắc ứng xử trong cơ sở mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, được ban hành theo Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12/4/2019.

– Thẩm phán có Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, được ban hành theo Quyết định 87/QĐ-HĐTC ngày 04/7/2018.

– Nghề luật sư có Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, được ban hành theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019.

– Công chứng viên có Quy tắc đạo đức hành nghề công chúng, được ban hành theo Thông tư 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012.

– Thừa phát lại cũng có Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại nhưng chưa rõ đã chính thức ban hành nội dung cụ thể chưa.

– Ngành Kiểm sát có quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong ngành kiểm sát nhân dân, được ban hành theo Quyết định số 08/QĐ-VKSTC ngày 16/01/2020.

– Ngành Thanh tra có quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, được ban hành theo Thông tư 01/2021/TT-TTCP ngày 11/3/2021.

– Ngành hải quan cũng có Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người hợp đồng lao động ngành hải quan, sau đó Quyết định này hết hiệu lực và thay thế bằng Quyết định khác, trong đó có mục “quan hệ công tác và chuẩn mực ứng xử “

– Bộ nội vụ có Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ, được ban hành theo Quyết định số 758/QĐ-BNV ngày 23/6/2021.

– Cán bộ, công chức, viên chức tại một số địa phương cũng có Quy tắc ứng xử, được ban hành trong các Quyết định.

– Cán bộ tín dụng thì có Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc ứng xử của Cán bộ ngân hàng, được ban hành theo Quyết định 11/QĐ-HHNH ngày 25/02/2019.

Ngoài ra, chúng ta còn có Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, được ban hành Quyết định 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2020.

          Trên thực tế, các quy tắc ứng xử còn nhiều hơn so với danh sách được liệt kê ở phần comment.

          Với các quy tắc định tính nhưng lại để lại hậu quả lớn nếu vi phạm nên lựa chọn “khôn ngoan” là đừng thể hiện gì hết, dù là nói, viết hay hành động. Bởi, một chút sơ suất mà vi phạm quy tắc thì lãnh đủ hậu quả.

          Chi bằng ta lặng im …

          Sài Gòn, 05/9/2021

          Nguyễn Thái Hải Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *