HÀNH LANG BẢO VỆ TÁC GIẢ KHI CHUYỂN GIAO TÁC PHẨM

Luật về quyền tác giả – như chính tên gọi của nó, trước hết phải bảo vệ các quyền lợi chính đáng của tác giả. Qua đó, pháp luật khuyến khích hoạt động sáng tạo, làm phong phú kho tri thức nhân loại. Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT), trong đó có quy định về quyền tác giả cũng hướng tới mục đích này. Song, bảo vệ tác giả không chỉ ở chỗ thừa nhận quyền mà còn phải đảm bảo các quyền này được sử dụng một cách có hiệu quả, đem lại lợi ích trên thực tế, nhất là trong việc khai thác các dòng tiền từ việc chuyển giao hay cấp quyền sử dụng tác phẩm. Mặc dù vậy, qua những lần sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng các chuẩn mực của quốc tế, chúng ta dường như đã lãng quên điều này trên dòng sông hội nhập.

Hành lang bảo vệ tác giả còn mỏng manh

Tác giả có thể chuyển giao tác phẩm của mình thông qua việc ký kết các hợp đồng có liên quan. Đó có thể là các hợp đồng nhằm chuyển giao tác phẩm ngay từ ban đầu, như khi tác phẩm được sáng tạo trong khuôn khổ của hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thuê sáng tác. Hay đó cũng có thể là các hợp đồng chuyển nhượng hoặc cấp phép sử dụng quyền tác giả.

Tuy nhiên, Luật SHTT chỉ dành vỏn vẹn bốn điều khoản tổng quát quy định về hiệu lực và các điều kiện của hợp đồng chuyển nhượng, cấp phép rồi để mặc các bên tự do thỏa thuận về nội dung. Điều này vô hình trung sẽ tạo điều kiện cho các hợp đồng có xu hướng bảo vệ lợi ích một chiều, thường là của bên có vị thế mạnh hơn.

Việc tác giả chuyển giao tác phẩm ngay từ ban đầu thông qua các hợp đồng thuê sáng tác hay hợp đồng lao động cũng không được quy định chi tiết hay có bất kỳ hạn chế nào. Một khi tác phẩm được hình thành dựa các hợp đồng này, thì tác giả mặc nhiên sẽ mất hết các quyền tài sản đối với tác phẩm của mình, trừ khi các bên có thoả thuận khác một cách rõ ràng. Song, thực tiễn cho thấy các bên thường ít khi chủ động đưa ra thỏa thuận khác.

Bằng hợp đồng, một công ty có thể “thâu tóm” các quyền lợi quan trọng từ quyền tác giả. Ảnh: Pexel

Thật vậy, trong tranh chấp liên quan đến bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt, hai cấp Tòa án chủ yếu dựa vào hợp đồng lao động của họa sỹ Lê Linh để cho rằng Công ty Phan Thị là tổ chức đã giao nhiệm vụ vẽ minh họa và được công nhận là chủ sở hữu quyền tác giả.

Tương tự vụ án trên, trong tranh chấp giữa Công ty Tuần Châu với Công ty Truyền Thông DS liên quan đến kịch bản vở diễn “Ngày Xưa”, Tòa án cũng xác định đạo diễn Nguyễn Việt Tú sáng tác kịch bản này theo hợp đồng ký với Công ty Tuần Châu, vì vậy, Công ty này là chủ sở hữu quyền tác giả nắm giữ các quyền tài sản, trong đó có quyền làm tác phẩm phái sinh. Trong cả hai trường hợp trên, các tác giả đã không đưa ra bất kỳ thỏa thuận bảo lưu nào và do đó cũng không còn quyền lợi trong việc công bố và khai thác các tác phẩm của mình.

Các trường hợp trên gợi ý rằng, khi nhìn ra khả năng thương mại hóa tác phẩm, một công ty có thể vận dụng hợp đồng để thâu tóm hầu hết các quyền quan trọng. Ngược lại, tác giả có thể chỉ nhận được một khoản tiền ít ỏi từ việc “bán đứt” đứa con tinh thần của mình. Trong những giao dịch này, thông thường công ty luôn có ưu thế khi được hậu thuẫn bởi một đội ngũ về pháp lý cũng như truyền thông, thương mại. Trong khi đó, tác giả có nhiều nguyên nhân để không thể nói chuyện sòng phẳng với các công ty thương mại, như thiếu thông tin, hiểu biết hoặc không có đủ vị thế. Để rồi, khi bên mua khai thác và thu lại một khoản lợi nhuận khổng lồ, tác giả vui mừng khi chứng kiến sự thành công của đứa con tinh thần nhưng lại bất lực trong việc đòi hỏi thành quả kinh tế tương xứng.

Nâng cao vị thế của tác giả trong giao dịch

Những vụ việc ví dụ kể trên có thể rẽ theo hướng khác khi chúng diễn ra ở bối cảnh nước ngoài. Thật vậy, trong một vụ việc tại Hoa kỳ[1], nơi một hiệp hội phi lợi nhuận đã thuê bị đơn sáng tạo một tác phẩm điêu khắc để trưng bày ở nơi công cộng, với mức thù lao 15.000 USD. Mặc dù có tồn tại một hợp đồng thuê sáng tác và các bản phác họa sơ bộ cùng kế hoạch đều do nguyên đơn cung cấp, nhưng sau khi cân nhắc mối quan hệ pháp lý giữa hai bên, Tòa án đã đứng về phía tác giả và thừa nhận rằng ông vẫn là chủ sở hữu đối với quyền tác giả của bức tượng. Hiển nhiên, quyền sử dụng tác phẩm cho các mục đích trưng bày – mục đích mà hợp đồng hướng đến – vẫn được đảm bảo, nhưng ngoài việc ấy ra bên thuê sáng tác sẽ không có nhiều hơn thế.

Pháp luật cần có những nguyên tắc nhằm bảo vệ tác giả trong các giao dịch. Ảnh: Pexel

Lý do có sự khác biệt như vậy là vì pháp luật và thực tiễn tư pháp ở các nước đã chủ động can thiệp để góp phần giải quyết bài toán cân bằng quyền lợi giữa tác giả với bên nhận chuyển giao quyền. Thông qua nguyên tắc điều hướng, hay các quy định và suy đoán có giá trị giải thích, bổ sung cho thỏa thuận của các bên, tác giả có thể sẽ có một vị thế tốt hơn trong các mối quan hệ hợp đồng. Một số ví dụ nổi bật có thể kể như:

  • Nguyên tắc ưu tiên xác định tiền tác quyền theo tỷ lệ[2] (ví dụ tương ứng với lợi tức thu được do việc khai khác tác phẩm) trừ một số trường hợp nhất định do luật định, hoặc do bản chất của sản phẩm, hay do không thể xác định, kiểm tra được, v.v. Tác giả cũng có quyền yêu cầu điều chỉnh lại số tiền tác quyền trong một số trường hợp luật định như khi thù lao được xác định là thiếu công bằng hay thua thiệt quá mức.
  • Các nguyên tắc giải thích nghiêm ngặt về những hợp đồng về quyền tác giả. Đó có thể là việc bắt buộc thể hiện rõ ràng và tách biệt các quyền lợi được chuyển giao, cùng với phạm vi, mục đích, không gian và thời gian khai thác tác phẩm như ở Pháp[3]. Hay như việc, giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho tác giả, hoặc là theo một giới hạn phù hợp với mục đích của hợp đồng mà các bên hướng tới như ở Đức[4].
  • Ngoài ra, tác giả còn có thể đơn phương chấm dứt các hợp đồng chuyển nhượng trong một số trường hợp luật định mà điển hình là khi bên nhận chuyển nhượng không khai thác tác phẩm trong một thời gian hợp lý[5], hay thậm chí là sau một thời hạn luật định như ở Hoa kỳ[6].

Hiển nhiên, giải pháp bảo vệ tác giả không phải là những quy định cứng, mà chúng sẽ có nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh xã hội và chính sách của mỗi quốc gia. Song, khi so với các nước, luật của ta dường như vẫn còn thiếu vắng các nguyên tắc bảo vệ tác giả, vốn là một trong những mục tiêu ban đầu của chế định này. Hệ quả là quyền lợi của tác giả ở Việt Nam dường như dần bị quên lãng và tác giả dễ rơi vào các hoàn cảnh kém thuận lợi.

Khi có điều kiện sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền tác giả, thiết nghĩ các nhà làm luật cần cân nhắc thiết lập các hành lang để đảm bảo quyền lợi của tác giả trong việc thương mại hóa tác phẩm. Còn trong ngắn hạn, khi luật chưa thay đổi, bản thân các tác giả cần chủ động tìm hiểu quy định pháp luật hoặc nhờ sự tham vấn pháp lý để có vị thế tốt hơn trong việc thương mại hóa tác phẩm.

Sài Gòn, ngày 13/3/2024

Nguyễn Ngô Thành Danh – Nguyễn Thái Hải Lâm

Chú thích:

[1] Community for Creative Non-Violence v. Reid (490 U.S. 730,1989)

[2] Điều L131-4, L131-5 Bộ Luật SHTT của Pháp và Điều 32 Luật Quyền tác giả và quyền liên quan của Đức.

[3] Đoạn đầu của Điều L131-3 Bộ Luật SHTT của Pháp

[4] Khoản 5 Điều 31 Luật Quyền tác giả và quyền liên quan của Đức

[5] Điều 41 Luật Quyền tác giả và quyền liên quan của Đức.

[6] Section 203 Luật Bản quyền của Hoa Kỳ.

Lưu ýNhững thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của các tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *