Bài viết đăng lần đầu trên Cẩm nang Thương Hiệu Vàng 2024, do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phát hành.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc mở rộng ra thị trường quốc tế khi doanh nghiệp phát triển không chỉ là một lựa chọn mà còn là điều tất yếu. Sau khi đã xây dựng được nền tảng vững chắc tại thị trường nội địa, doanh nghiệp thường tìm kiếm cơ hội để gia tăng doanh thu, mở rộng quy mô và nâng cao thương hiệu. Xuất khẩu không chỉ giúp tiếp cận lượng khách hàng rộng lớn hơn mà còn tạo cơ hội để doanh nghiệp học hỏi từ các thị trường khác, tạo ra sự đổi mới và phát triển bền vững.
Khi mở rộng ra thị trường quốc tế, việc xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu là rất quan trọng. Một nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền không chỉ giúp doanh nghiệp tồn tại trong môi trường cạnh tranh cao, mà còn nâng cao sự nhận diện và uy tín, bảo vệ doanh nghiệp khỏi hàng giả và sản phẩm gây nhầm lẫn. Nếu không được bảo vệ, nhãn hiệu có thể dễ dàng bị làm giả hoặc làm nhái, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Chỉ khi nhãn hiệu được bảo hộ, doanh nghiệp mới có thể tự tin xây dựng thương hiệu và khẳng định tên tuổi. Hơn nữa, một nhãn hiệu mạnh cũng mang lại lợi thế trong các cuộc thương thảo, vì đối tác thường ưu tiên làm việc với những thương hiệu uy tín.
Ấy thế mà, trong năm 2023, thống kê cho thấy có đến 60.929 đơn đăng ký nhãn hiệu trong nước nhưng chỉ có 323 đơn đăng ký ra các quốc gia khác[1]. Số liệu tương phản này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam dường như vẫn chưa mặn mà với việc xác lập quyền đối với nhãn hiệu tại nước ngoài. Trong bối cảnh hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, việc tận dụng những lợi thế sẵn có của nước nhà cũng như tiên lượng các khó khăn phải đương đầu, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và gia tăng cơ hội thành công cho doanh nghiệp khi bước vào sân chơi mới.
Chính sách mở đường cho doanh nghiệp tiến ra biển lớn
Trong những năm gần đây, chính sách sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã có nhiều cải cách quan trọng nhằm có thể đồng hành cùng doanh nghiệp. Trước hết, đó là nỗ lực của Nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam: từ việc sửa đổi Luật theo các tiêu chuẩn quốc tế cho đến việc ban hành các văn bản hướng dẫn để pháp luật được áp dụng thống nhất và chặt chẽ. Việc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài cũng được quy định cụ thể từ thành phần hồ sơ cho đến trình tự, thủ tục xử lý đơn đăng ký.
Cần lưu ý, nhãn hiệu chỉ được bảo hộ trong phạm vi quốc gia. Nghĩa là, nếu muốn sở hữu độc quyền một nhãn hiệu ở nước ngoài thì doanh nghiệp cần phải thực hiện việc đăng ký theo luật của từng nước cụ thể. Tuy nhiên, nhờ vào việc tham gia vào Hệ thống Maddrid và việc nội luật hóa, chi tiết hóa các quy định về trình tự thủ tục, doanh nghiệp chỉ cần nộp một bộ hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ và đồng thời chỉ định các quốc gia khác; thay vì phải trực tiếp hoặc tìm đến các đơn vị đại diện để nộp hồ sơ tại từng thị trường mục tiêu. Hiển nhiên không có con đường nào là tốt nhất, tùy vào trường hợp và quốc gia mục tiêu cụ thể mà việc lựa chọn cách thức đăng ký tối ưu có thể khác nhau.
Chưa dừng ở đó, gần đây Quốc hội đã thông qua việc thành lập Tòa án chuyên biệt về sở hữu trí tuệ, với kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng xét xử trong lĩnh vực này. Vì vậy, nếu các tranh chấp nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt tại thị trường nước ngoài đủ điều kiện xét xử theo tư pháp quốc tế, lợi thế sân nhà cũng như tính chuyên biệt từ Tòa án này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tố tụng và phần nào an tâm hơn nếu tranh chấp tại quốc gia khác.
Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, Chính phủ đã xây dựng và thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Một trong các mục tiêu của chương trình là giúp doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ, bao gồm có việc đăng ký nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài. Theo đó, một doanh nghiệp tham gia Chương trình phát triển tài sản trí tuệ có thể được hỗ trợ lên đến 60 triệu đồng đối với một đơn đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài[2]. Song song với sự hỗ trợ về tài chính, Nhà nước cũng xây dựng các chương trình đào tạo, các lớp tập huấn miễn phí về bảo vệ tài sản trí tuệ tại thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp có nhu cầu.
Qua đó, có thể thấy bối cảnh hội nhập cùng với các nỗ lực từ Chính phủ trong việc bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ là một điều kiện thuận lợi mà doanh nghiệp có thể kỳ vọng và tận dụng. Song, hành trình này chắc chắn không phải màu hồng, mà còn có không ít thách thức mà doanh nghiệp phải đương đầu.
Vẫn còn nhiều thách thức
Có một nghịch lý là nếu số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng thì sẽ dẫn đến quá trình thẩm định, trả kết quả thường chậm đi. Nhận thức được tình trạng này, Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai nhiều giải pháp như thành lập đề án giải quyết và bộ phận quản lý chất lượng,…song kết quả chưa khả quan. Chắc chắn, việc kéo dài thời gian xử lý đơn đăng ký sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch xuất ngoại của nhãn hiệu. Vì vậy, doanh nghiệp cần tính toán nhằm “trừ hao” các khoảng thời gian này trong kế hoạch kinh doanh.
Mặc dù, đã có nhiều nỗ lực để đơn giản hóa thủ tục đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài, song một vấn đề không thể vượt qua: việc thẩm định nội dung của đơn đăng ký vẫn hoàn toàn tùy thuộc vào pháp luật của mỗi quốc gia. Nghĩa là, một nhãn hiệu có thể được chấp nhận bảo hộ tại quốc gia này nhưng vẫn có thể bị từ chối ở quốc gia khác. Trên thực tế, các tiêu chuẩn bảo hộ nhãn hiệu giữa các quốc gia có thể nghiêm ngặt hơn hoặc cởi mở hơn. Mặc dù các quốc gia đã cố gắng để hài hòa pháp luật nhưng sự khác biệt giữa các hệ thống luôn là điều khó tránh khỏi. Để giảm bớt rủi ro trong quá trình đăng ký, doanh nghiệp nên cân nhắc chi trả cho dịch vụ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, với thực tế phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tốn nhiều chi phí cho việc đăng ký nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài có thể không phải là ưu tiên.
Một vấn đề khác là về chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Cụ thể, chính sách này theo hướng “trọn gói”, mức chi 60 triệu đồng áp dụng với một đơn đăng ký nhãn hiệu khi được “chấp nhận đơn hợp lệ, các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn”. Thực tế, chi phí đăng ký có thể phát sinh từ trước khi doanh nghiệp nộp đơn, như việc tra cứu nhãn hiệu, tư vấn phương án đăng ký…. Ví dụ, sau khi tra cứu và được tư vấn, doanh nghiệp quyết định không đăng ký do thấy không có tiềm năng, khi đó họ sẽ không được nhận khoản hỗ trợ này. Bên cạnh đó là các vướng mắc về chứng từ thanh toán, yêu cầu xác nhận đơn hợp lệ bằng văn bản thật không dễ trong bối cảnh thông tin chủ yếu thể hiện qua môi trường điện tử và hầu như không có dấu mộc như thường thấy tại Việt Nam.
Bức tranh tổng quan cho thấy nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp. Suy cho cùng, doanh nghiệp vẫn phải tự cân nhắc các nguồn lực để có thể vững vàng tự tin tiến ra sân chơi lớn. Vượt qua được thử thách này có thể là minh chứng cho bản lĩnh doanh nghiệp, trước khi vươn ra biển lớn với muôn vàn thử thách khác.
Nguyễn Ngô Thành Danh – Nguyễn Thái Hải Lâm
Chú thích:
[1] Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ 2023 của Cục Sở hữu trí tuệ.
[2] Thông tư 75/2021/TT-BTC ngày 09/9/2021 của Bộ Tài chính.
Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của các tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình hoặc liên hệ tác giả bài viết.