Làm sao để viết tốt hơn hay rèn luyện kỹ năng viết như thế nào là câu hỏi mà tác giả thường nhận được từ các bạn sinh viên luật, ít có điều kiện thực hành kỹ năng viết trên thực tế. Điều đó khơi gợi tác giả nhìn lại quá trình rèn luyện kỹ năng viết của mình và được tổng hợp trong bài viết này.
Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đề cập đến các trải nghiệm của mình trong việc rèn luyện kỹ năng viết nói chung. Đối với từng lĩnh vực cụ thể, người đọc có thể tìm thấy hướng dẫn kỹ năng viết chuyên sâu trong các sách báo, giáo trình, khóa học có liên quan. Dù vậy, tác giả tin rằng một chút kinh nghiệm được tổng hợp qua bài viết này cũng hữu ích trong việc rèn luyện kỹ năng viết, dù trong lĩnh vực nghề nghiệp nào.
Tìm lý do và khởi đầu sớm
“Trăm hay không bằng tay quen”
Hiếm có ai sinh ra đã có thể viết tốt ngay mà luôn đòi hỏi phải trải qua một quá trình luyện tập. Để luyện kỹ năng viết, có lẽ khó nhất là tìm kiếm động lực cho mình. Hay nói cách khác, chúng ta phải tự trả lời cho câu hỏi: “Vì sao mình phải rèn luyện kỹ năng viết?”. Nếu không tìm thấy lý do hoặc động lực, chúng ta rất dễ bỏ cuộc khi gặp những trở ngại. Điều này có lẽ không chỉ đúng trong việc luyện viết.
Thời phổ thông, tác giả bắt đầu luyện viết với mục tiêu duy nhất là đạt kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Khi mới bắt đầu, dù ngồi trong 2 – 3 giờ đồng hồ, tác giả không thể hoàn thành đoạn văn mở bài cho một tác phẩm văn học tự chọn. Tuy nhiên, với mục tiêu đậu vào trường luật, tác giả nỗ lực nhiều hơn và dần quen với việc phải viết liên tục 2 – 3 giờ mỗi ngày. Việc rèn luyện kỹ năng viết liên tục trong khoảng thời gian này giúp cho kỹ năng viết của tác giả được cải thiện đáng kể.
Có thể thấy, việc tìm cho mình một động lực để bắt đầu luyện kỹ năng viết là cần thiết. Không nhất thiết mọi người phải có hoàn cảnh “đặc thù” như tác giả (viết văn không tốt lại chọn khối thi đại học với môn văn là chủ đạo) mà có thể tự tìm cho mình một lý do. Có thể bắt đầu bằng việc nhận thấy những lợi ích của việc rèn luyện kỹ năng viết mà tác giả từng đề cập. Mọi người có thể tìm bài viết đó tại đây: http://nguyenthaihailam.com/loi-ich-cua-ren-luyen-ky-nang-viet/ Trong bài viết này, tác giả cho rằng, ngay cả khi viết cho riêng mình đọc, chúng ta cũng đã được rèn luyện và gặt hái những kết quả tích cực.
Một gợi ý khác để bắt đầu rèn luyện kỹ năng viết là hãy viết về những chủ đề mình thích. Điều này tạo cảm giác thoải mái và chắc chắn sẽ ít vất vả hơn so với việc phải “gò” mình vào chủ đề xa lạ hay phức tạp. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tận dụng sự phổ biến của mạng xã hội để rèn luyện kỹ năng viết.
Thay vì chỉ chia sẻ một bài đăng của người khác, chúng ta có thể viết thêm vài dòng hoặc vài đoạn nhận xét, trình bày suy nghĩ của mình về chủ đề của bài đăng. Bên cạnh đó, chúng ta có thể đưa ra bình luận về bài đăng của người khác, thay vì chỉ vài câu vui đùa, chúng ta có thể viết thành một đoạn ngắn. Hiện nay, mạng xã hội cũng tạo điều kiện kết nối những người có cùng đam mê, sở thích lại với nhau thông qua Nhóm (Group). Chúng ta có thể tham gia các nhóm này và chia sẻ các bài viết về chủ đề mình yêu thích. Đây cũng là cách mà tác giả đã thực hiện và thấy mang lại hiệu quả, không chỉ giới hạn ở việc rèn luyện kỹ năng viết.
Nhờ người khác đọc và nhận xét
Khi viết, chúng ta có xu hướng hài lòng với “đứa con tinh thần” của mình. Điều này cũng dễ hiểu, để hoàn thành một bài viết thì người viết phải tốn thời gian, công sức. Tuy nhiên, do mang theo tâm lý hài lòng đó, hầu như chúng ta rất ít khi phát hiện ra những hạn chế trong bài viết của mình. Để khắc phục, tác giả cho rằng nên nhờ người khác đọc và nhận xét bài viết sau khi hoàn thành.
Việc nhờ người khác nhận xét không chỉ giúp chúng ta nhận ra những thiếu sót về hình thức như lỗi chính tả, font chữ, cách trình bày mà còn có thể là nội dung liên quan đến tính chính xác, sự phù hợp hay logic. Nhờ vào các nhận xét này, người viết có thể kịp thời nhận ra và điều chỉnh các hạn chế của mình, hoàn thiện thêm kỹ năng viết. Ngoài ra, việc đưa bài viết cho người khác đọc và nhận xét có thể mang lại những góc nhìn thú vị về chủ đề. Mỗi cá nhân vốn bị chi phối bởi hoàn cảnh riêng biệt, những trải nghiệm cuộc sống đa dạng nên sẽ đóng góp “gam màu” khác nhau cho bức tranh “chủ đề” sinh động.
Một cản trở trong việc đưa bài viết cho người khác đọc và nhận xét là tâm lý e ngại, lo sợ bị bộc lộ các khuyến điểm của mình. Để vượt qua tâm lý này, chúng ta cần tự thiết lập cho mình suy nghĩ tích cực, rằng đây là cơ hội để rèn luyện thêm kỹ năng viết. Để an tâm hơn, có thể bắt đầu với những người tin tưởng. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tận dụng môi trường làm việc, nhờ các đồng nghiệp có chuyên môn hoặc thân thiết để giúp chúng ta hoàn thiện kỹ năng viết. Chừng mực nào đó, việc này còn có thể giúp mối quan hệ với đồng nghiệp được phát triển tích cực hơn, theo những chiều kích mới.
Trong quá trình viết của mình, khi có cơ hội, tác giả cũng nhờ đồng nghiệp, bạn bè, người thân đọc và đưa ra nhận xét. Tùy chủ đề và hoàn cảnh phù hợp, tác giả nhờ sự hỗ trợ này để hoàn thiện hơn bài viết của mình trước khi phát hành. Điều đó phần nào tạo cảm giác yên tâm, đặc biệt trong các bài viết có nội dung chuyên môn, đòi hỏi sự chặt chẽ và logic cao.
Đọc nhiều để trau dồi vốn từ và cách viết
Việc đọc nhiều thể loại sách khác nhau không chỉ làm phong phú thêm sự hiểu biết mà thông qua đó, chúng ta có thể làm giàu vốn từ vựng và học cách sử dụng từ trong một số bối cảnh thích hợp. Để quá trình này hiệu quả hơn, chúng ta có thể ghi chú lại các từ ngữ hay tìm cách sử dụng các từ ngữ này trong các bài viết của mình. Việc kết hợp lý thuyết với ứng dụng thực hành luôn cho lại hiệu quả tốt hơn, đặc biệt trong khả năng ghi nhớ.
Về cơ bản, hầu hết sách đều hữu ích trong việc phát triển kỹ năng viết. Việc lựa chọn đọc thể loại nào phụ thuộc vào “khẩu vị” của từng người. Tác giả có xu hướng đọc các sách về văn học hoặc các sách chuyên khảo trong lĩnh vực nghề nghiệp. Bên cạnh đó, tác giả cũng tìm thấy kỹ năng viết đối với loại văn bản hoặc nghề nghiệp cụ thể trong một số ít sách về chuyên môn. Ngoài ra, một số tài liệu, giáo trình trong các ngành ngôn ngữ học cũng rất bổ ích như: Tiếng Việt Thực Hành, Từ điển tiếng Việt,…Trường hợp có hứng thú với âm nhạc, từ lời bài hát đôi khi chúng ta cũng có thể tìm được nhiều từ ngữ “đắt”, có thể sử dụng trong hoàn cảnh phù hợp.
Viết là một hành trình
Nên xem viết là một hành trình và không nên tạo áp lực cho bản thân phải tiến bộ trong thời gian ngắn. Điều này thật sự rất khó và đôi khi là phản tác dụng. Thay vào đó, người viết nên thực hành viết một cách đều đặn và tích lũy thêm kinh nghiệm để hoàn thiện kỹ năng viết. Việc tiếp thu những ý kiến hợp lý cũng như góp nhặt kinh nghiệm từ nhiều nguồn khác nhau mà quan trọng nhất là thông qua thực hành sẽ giúp người viết hoàn thiện kỹ năng này theo thời gian.
Sau khi đã hình thành thói quen viết, chúng ta có thể thử thách bản thân bằng việc hoàn thành bài viết trong thời gian ngắn hoặc thử sức với các chủ đề phức tạp, đòi hỏi kiến thức chuyên môn. Nếu thực hành đều đặn, tác giả tin rằng kỹ năng viết có thể cải thiện đáng kể.
Thông qua công việc cũng như một số hoạt động cộng động, tác giả vẫn tiếp tục hành trình rèn luyện kỹ năng viết của mình. Tác giả cũng chưa chắc kỹ năng viết của mình đã tốt và càng không dám nghĩ đến mức xuất sắc nhưng từ trải nghiệm cá nhân, việc áp dụng các cách trên thực sự đã cải thiện kỹ năng viết của tác giả. Vì vậy, tác giả hy vọng bài viết này sẽ mang đến chút động lực cho người đọc trên hành trình “dạo chơi” cùng chữ nghĩa.
Sài Gòn, 20/6/2021
Nguyễn Thái Hải Lâm