Bài viết được đăng tải lần đầu trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn ngày 04/4/2024.
Vừa qua, UBND phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà H về hành vi vẽ tranh nghệ thuật Graffiti lên tường nhà của người khác mà chưa được cấp phép của cơ quan chức năng. Việc xử phạt được căn cứ theo quy định tại Điểm i Khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP[1]. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với người nào có hành vi phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung trên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền.
Đáng chú ý là việc vẽ tranh nêu trên đã được sự đồng ý từ chủ nhân các bức tường. Vì vậy, việc UBND phường xử phạt và yêu cầu khôi phục lại hiện trạng ban đầu làm không ít người băn khoăn. Liệu rằng vẽ Graffiti lên tường nhà của người khác, ngoài việc cần sự đồng ý của chủ nhà thì phải có sự cho phép của Cơ quan chức năng? Nhìn rộng hơn, đó là câu hỏi liệu khi nào thì Cơ quan chức năng có thể can thiệp vào các quyền dân sự của mỗi người.
Giới hạn của quyền tự do cá nhân
Nhìn chung, mỗi người đều được Nhà nước bảo hộ những quyền tự do và quyền con người, quyền công dân khá rộng rãi. Và việc giới hạn quyền này của cá nhân chỉ được công nhận khi chúng vừa hợp tình và hợp lý. Hợp tình là khi lý do của sự giới hạn được biện minh bởi một lợi ích được ưu tiên hơn, ví như lợi ích công cộng theo nghĩa rộng (bao gồm lợi ích quốc gia, dân tộc, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng) hoặc vì lợi ích của một tư nhân khác. Còn việc hợp lý là khi các biện pháp giới hạn được quy định một cách rõ ràng hoặc ngầm định trong một đạo luật.
Thừa nhận nguyên tắc nêu trên, Hiến pháp hiện hành ghi nhận quyền của công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật – tức là văn bản do Quốc hội ban hành[2]. Cụ thể hơn, Bộ luật Dân sự cũng quy định việc thực hiện quyền dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác[3]. Hay nói cách khác, đây là giới hạn của quyền dân sự mà một cá nhân phải tuân thủ.
Nguyên tắc và thực tế
Trong vụ việc nêu trên, việc UBND phường xử phạt và yêu cầu khôi phục hiện trạng ban đầu đối với các hình Graffiti cũng cần phải có sự thuyết phục nhất định, cả tình lẫn lý.
Nhìn ở bình diện lý thuyết, việc hạn chế các chủ nhà vẽ tranh có thể được coi là một “địa dịch” hay gánh nặng trói buộc các chủ sở hữu nhà vì lợi ích và nhu cầu mỹ quan của các bất động sản công lẫn tư ở trong khu vực lân cận. Song nếu chỉ thế thôi thì chưa đủ vì đây mới chỉ là mặt tình. Để có thể tạo lập một địa dịch như vậy thì điều cần thiết là phải có một đạo luật minh thị quy định hoặc phải có sự thoả thuận giữa các bên liên quan và nhà nước, bởi đây chính là điều kiện về mặt lý.[4]
Song khi nhìn trên bình diện thực tế, có thể thấy một cách cảm tính rằng các hình vẽ có nội dung người cha ôm con, người nông dân đội nón lá giữa đồng lúa, hay một vài nhân vật truyện tranh… khó có thể bị xem là mất mỹ quan đô thị hay rộng hơn là xâm phạm đến trật tự công cộng. Quan trọng hơn, các hộ dân là chủ các bức tường cũng đồng thuận cho các nghệ sỹ thể hiện khả năng, có lẽ vì không tốn chi phí mà còn…đẹp. Một trong số họ đã chia sẻ với truyền thông: “trong khu này nhiều nhà đều vẽ tranh lên tường như vậy. Bức tranh cũng lạ mắt, màu sắc rực rỡ phủ được bức tường trống. Các bạn còn không hề thu một khoản phí nào nên mình ủng hộ”.
Mặt khác, xét dưới góc độ pháp lý, văn bản hiện hành chỉ quy định việc cấp phép triển lãm mỹ thuật chứ không quy định cụ thể cấp phép vẽ tranh nói chung hay vẽ tranh Graffiti nói riêng. Vì vậy, nếu có thể quay ngược thời gian, có lẽ người đã bị UBND phường Hòa Hải xử phạt cũng không biết phải xin phép cơ quan nào, thủ tục ra sao hay tài liệu cần có để được cấp phép là gì.
Xuất phát từ việc Cơ quan Nhà nước không quy định thủ tục cấp phép đối với hoạt động này, nhưng lại quy định xử phạt nếu không xin phép làm cho nhiều người băn khoăn về tính thuyết phục của việc xử phạt. Có lẽ sẽ hợp lý hơn nếu pháp luật có quy định cụ thể việc cấp phép đối với hoạt động này. Khi đó, nếu không tuân thủ thì các nghệ sỹ đường phố phải chịu chế tài tương ứng.
Cho đến nay, pháp luật vẫn chưa có một quy định nào hạn chế việc các chủ sở hữu vẽ tranh bên ngoài tường nhà mình. Trong các điều cấm mà cả Luật nhà ở và Luật Xây dựng hiện hành quy định thì lại không hề bao gồm ngăn cấm việc chủ sở hữu vẽ tranh lên tường nhà. Ngược lại, Luật Nhà ở hiện hành ghi nhận, chủ sở hữu nhà ở có quyền sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và mục đích khác mà pháp luật không cấm. Do đó, việc vẽ tranh lên khu vực nhà ở của mình để làm đẹp là một mục đích cần được tôn trọng.
Mọi người có quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó. Đây là một quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp thừa nhận vào bảo hộ[5]. Do đó, hoạt động nghệ thuật nói chung, vẽ tranh nói riêng nếu không xâm phạm đến lợi ích công cộng hay quyền lợi của chủ thể khác, thì không nhất thiết Cơ quan Nhà nước phải can thiệp vào các hoạt động này. Trường hợp ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân khác, có lẽ sẽ hợp lý hơn nếu để các bên tự giải quyết trên tinh thần “việc dân sự cốt ở đôi bên”. Nhìn rộng hơn, việc Cơ quan Nhà nước can thiệp sâu vào các hoạt động nghệ thuật, một mặt là hành vi giới hạn tùy tiện quyền con người, và mặt khác sẽ góp phần làm xuất hiện một tâm lý e ngại từ người dân lẫn du khách quốc tế trong việc sáng tạo nghệ thuật.
Nguyễn Thái Hải Lâm – Nguyễn Ngô Thành Danh
Chú thích:
[1] Đoàn Nhạn, Họa sỹ vẽ tranh graffiti trên tường nhà dân, phường xử phạt 2 triệu đồng, bắt xóa, Tuổi trẻ online, ngày 21/3/2024.
[2] Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
[3] Khoản 4 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4] Cách tiếp cận này thực chất cũng từng được thừa nhận trong án lệ ở Pháp, xem thêm: Hà Như Vinh, Dân luật thực hành, quyển 1, Viện đại học Saigon, 1972, tr.45.
[5] Điều 40 Hiến pháp năm 2013.
Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của các tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.