Bài viết dưới đây là một số ghi chú của mình từ phần trình bày của PGS.TS Đỗ Văn Đại trong video clip “Phương pháp phân tích, bình luận bản án – Quyền sở hữu đối với tài sản đặt cọc”[1]. Mình ghi chép lại theo cách hiểu của bản thân và để tránh nhầm lẫn, người đọc có thể tìm lại đoạn video clip để nghe đầy đủ hơn.
Một người hành nghề luật, thường nghiên cứu luật về 3 góc độ: lý luận, văn bản pháp luật và thực tiễn. Ở góc độ thực tiễn, nghiên cứu bản án là một hoạt động thường xuyên của người học luật cũng như hành nghề luật.
Bản án trong bài viết này có thể hiểu là bản án, quyết định của Tòa án hoặc phán quyết của Hội đồng trọng tài/Trọng tài.
Vì sao cần phải nghiên cứu bản án?
Khác với các tình huống mô phỏng hay giả định, bản án là các vụ việc đã xảy ra trên thực tế. Vì đã từng xảy ra nên khả năng lặp lại trên thực tế cao hơn so với vế trước. Vì vậy, tính ứng dụng từ việc nghiên cứu bản án cũng nhiều hơn so với các tình huống mô phỏng hay giả định.
Bản án được xét xử bởi những người có chuyên môn, qua đó có thể học hỏi nhiều điều, trong đó quan trọng là cách hiểu và áp dụng pháp luật vào một vụ việc cụ thể.
Làm sao để hiểu bản án?
Để hiểu một bản án, người ta phải phân tích. Muốn phân tích tốt thì phải có phương pháp.
Đầu tiên là việc chọn vấn đề pháp lý hay chủ đề cần nghiên cứu. Một bản án có thể tồn tại nhiều vấn đề pháp lý. Người nghiên cứu chỉ nên tập trung vào chủ đề mà mình muốn tìm hiểu. Ví dụ, một vụ án hôn nhân gia đình, có thể liên quan đến chế định tài sản, quyền nuôi con, nợ chung,…người nghiên cứu nên chọn lọc một hoặc một số tùy vào phạm vi nghiên cứu của mình để tìm hiểu và tập trung vào chủ đề đã chọn.
Kế đến, người nghiên cứu tìm hiểu quan điểm của các bên trong vụ việc, như: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, chuyên gia,….cũng như cơ quan tố tụng ở giai đoạn trước khi có bản án (nếu có).
Ví dụ, nếu đang nghiên cứu một bản án giám đốc thẩm, người nghiên cứu cần tìm hiểu quan điểm của tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm. Hay trường hợp bản án bị kháng nghị thì cần tìm hiểu quan điểm của Viện Kiểm sát,….
Cuối cùng, điều quan trọng là tìm hiểu quan điểm của cơ quan tài phán trong bản án đang nghiên cứu. Bắt đầu từ việc phân tích ngôn từ cho đến văn bản pháp luật được viện dẫn, áp dụng trong bản án.
Giá trị của một bản án
Giá trị hay tính thuyết phục của bản án nằm ở khả năng được vận dụng trong hoàn cảnh, vụ việc tương tự. Trường hợp thấy giải pháp mà bản án đưa ra thuyết phục, có thể luật hóa để mang tính phổ biến và nhân rộng giải pháp. Ngoài ra, các nhà lập pháp có thể cân nhắc chuyển bản án đó thành án lệ – một nguồn bổ sung bên cạnh văn bản quy phạm pháp luật.
Nếu một bản án có giá trị, người nghiên cứu nên tìm cách ủng hộ để giải pháp pháp lý được ghi nhận và nhân rộng như trên. Ngược lại, nếu giải pháp chưa thuyết phục, người nghiên cứu nên phản biện hoặc không ủng hộ.
Để đánh giá một bản án có giá trị, điều đầu tiên là đối chiếu giải pháp pháp lý trong bản án với văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, có thể xảy ra các trường hợp sau:
- Giải pháp trong bản án chỉ nhắc lại một quy định đã có trong văn bản pháp luật. Trong trường hợp này thì bản án hầu như không có gì mới.
- Giải pháp trong bản án chưa có trong văn bản pháp luật và có tính thuyết phục. Trong trường hợp này thì giải pháp có thể được luật hóa hay chuyển thành án lệ như đã nêu ở trên.
- Giải pháp trong bản án khác với quy định văn bản pháp luật nhưng cũng có giá trị nhất định. Trong trường hợp này thì cần linh hoạt cân nhắc, ghi nhận những giá trị mà giải pháp mang lại.
Kế đến, người nghiên cứu có thể đối chiếu giải pháp pháp lý trong bản án so với lý luận luật học.
Lý luận ở đây nên được hiểu theo nghĩa rộng nhất có thể, đó có thể là các học thuyết, nguyên tắc pháp lý, quan điểm nền tảng,…. Theo đó, trường hợp giải pháp trong bản án phù hợp với lý luận thì nên được ủng hộ và ngược lại.
Tóm lại, nghiên cứu bản án là một trong các cách nghiên cứu luật, bên cạnh các phương pháp nghiên cứu khác trong luật học. Đây là hoạt động thường xuyên diễn ra tại nhiều cơ sở đào tạo luật có truyền thống luật học lâu đời. Dù còn là sinh viên hay hành nghề, việc nghiên cứu án luôn cần thiết nhằm tích lũy và nâng cao chuyên môn.
Sài Gòn, ngày 24/8/2023
Nguyễn Thái Hải Lâm
[1] https://www.youtube.com/watch?v=CadB2sBh8gk
Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của các tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.