Hằng năm, chỉ riêng tại Sài Gòn, có đến vài nghìn cử nhân luật tốt nghiệp và tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, điều đáng buồn là số sinh viên ra trường có thể làm được việc thường không cao. Dù không có thống kê cụ thể nhưng không hiếm gặp những bài viết “chê thẳng” sinh viên luật trên các diễn đàn. Có trường hợp nặng lời “đổ lỗi” cho nhà trường không rèn luyện kỹ năng nên nơi nhận sinh viên tốt nghiệp phải dạy lại từ đầu. Ý kiến đó có thể không phản ánh khách quan chất lượng đào tạo nhưng ít nhiều cũng gợi mở về việc trang bị kỹ năng cho sinh viên luật trước khi rời ghế nhà trường.
Trường luật có dạy kỹ năng không?
Có lẽ hầu hết mục tiêu của các cơ sở đào tạo luật trước hết là trang bị cho sinh viên các kiến thức nền tảng ở các ngành luật cơ bản như: Luật Hình sự, Luật Hành chính, Luật Dân sự … Nhưng điều đó không có nghĩa các cơ sở đào tạo luật chỉ tập trung vào kiến thức mà “bỏ quên” kỹ năng thực hành của sinh viên. Chừng mực nào đó, các cơ sở đào tạo luật đã và đang cố gắng để sinh viên luật hình thành và phát triển kỹ năng nghề, thông qua các hoạt động thảo luận tình huống trên giảng đường, các môn học kỹ năng, … Hiện nay, để tăng cường kỹ năng của sinh viên, một số cơ sở đào tạo luật còn kết nối với những người đang thực hành nghề nghiệp để tham gia vào giảng dạy ở một số bộ môn. Điều đó giúp cho sinh viên luật đến gần hơn với thực tiễn thông qua kinh nghiệm của những người đang thực hành nghề nghiệp, đặc biệt là kỹ năng tư duy và áp dụng pháp luật vào một vụ việc cụ thể. Tuy nhiên, với thời lượng thực hành không nhiều, chừng đó nỗ lực của các cơ sở đào tạo luật là chưa đủ.
Thị trường lao động luôn có các yêu cầu khắt khe mà trước hết người hành nghề luật phải tạo ra thành quả cụ thể, đáp ứng các kỳ vọng của khách hàng (bởi họ trả thù lao cho sự kỳ vọng đó). Với kiến thức cơ bản và kỹ năng còn hạn chế, yêu cầu này khó và có phần khắc nghiệt đối với sinh viên mới tốt nghiệp. Không ngạc nhiên khi gặp sinh viên luật có thể nắm vững kiến thức về Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, … nhưng lại không thể soạn thảo một hợp đồng mua bán đơn giản hay soạn một công văn ra hồn để gửi cho đối tác. Đơn giản là sinh viên mới tốt nghiệp hầu như chưa đủ kỹ năng để chuyển hóa khối kiến thức đã học thành kết quả cụ thể. Đây có thể là lý do luôn tồn tại định kiến nơi nhận phải đào tạo lại để sinh viên luật mới tốt nghiệp có thể làm được việc.
Nhận ra thực trạng có phần ảm đạm đó, một số sinh viên luật lựa chọn giải pháp tham gia kiến tập, thực tập từ sớm. Việc tham gia vào các tổ chức hành nghề luật sư, doanh nghiệp, … sinh viên luật hiểu được kiến thức đã học ở trường được áp dụng như thế nào trên thực tế. Bên cạnh đó, cũng có sinh viên lựa chọn tham gia các đội – nhóm trong nhà trường để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Các hoạt động như phiên tòa tập sự, các cuộc thi học thuật, … cũng phần nào hình thành kỹ năng của sinh viên luật. Nếu chủ động và nỗ lực, các “giải pháp” này phần nào giúp cho sinh viên luật có chút khởi đầu thuận lợi sau khi ra trường. Nếu đủ may mắn tìm được môi trường tốt, sinh viên luật có bệ phóng cho hành trình nghề nghiệp của mình.
Ngay cả khi đã chủ động, việc học hỏi của sinh viên luật bị ảnh hưởng lớn bởi môi trường thực tập và người hướng dẫn. Xuất phát từ lý do bảo mật thông tin khách hàng hoặc lo ngại khả năng còn hạn chế của sinh viên, nơi thực tập chỉ có thể giao những việc đơn giản hoặc chủ yếu cho sinh viên kiến tập. Vì thế, kỹ năng áp dụng pháp luật cũng không cải thiện đáng kể nếu chẳng may thực tập tại các môi trường này.
Điều đáng tiếc là những sự chủ động như trên cũng không đến từ số đông mà chủ yếu từ những bạn đã thiết lập một lộ trình nghề nghiệp cho mình. Do vậy, với thực trạng phần đông sinh viên luật mới ra trường không làm được việc, cũng khó để thay đổi hay phản bác các định kiến khắt khe của thị trường lao động.
Một mô hình tham khảo…
Trái ngược với các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam, sinh viên luật tại Hoa Kỳ sớm có cơ hội tiếp cận thực tiễn thông qua các văn phòng tư vấn luật (legal clinic) ngay trong trường. Thông qua văn phòng luật, sinh viên không chỉ được tiếp cận mà còn trực tiếp giải quyết các vụ việc thực tế của khách hàng ở các chuyên ngành luật khác nhau.
Ví dụ như sinh viên thích lĩnh vực luật sở hữu trí tuệ có thể đăng ký “The USPTO’s Law School Clinic Certification Program”. Theo đó, chương trình này cho phép sinh viên luật có cơ hội đại diện khách hàng làm việc với Văn phòng nhãn hiệu và sáng chế Hoa Kỳ (USPTO) dưới sự hướng dẫn nghiêm ngặt của người giám sát văn phòng luật. Điều này dĩ nhiên sẽ đặt một áp lực không nhỏ lên một sinh viên luật nhưng cũng là cơ hội tuyệt vời để có thể vận dụng ngay các kiến thức được học ở nhà trường, tích lũy kinh nghiệm thực chiến. Thông qua đó, sinh viên có cái nhìn cận cảnh về bức tranh nghề nghiệp của mình, kết nối với khách hàng tiềm năng và học hỏi kỹ năng từ người hướng dẫn.
Đáng tiếc là mô hình như các trường luật ở Hoa Kỳ không phổ biến trong các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam. Dù vậy, mô hình này rất đáng để tham khảo. Không gì tốt hơn các cơ sở đào tạo luật tạo môi trường cho sinh viên vừa học hỏi kiến thức, vừa tích lũy kinh nghiệm thực chiến cho tương lai. Điều đó không chỉ tốt cho sinh viên mà còn hữu ích cho thị trường lao động, nơi luôn cần những người hành nghề có kiến thức vững vàng và kỹ năng nghề nghiệp thuần thục. Nhưng để một mô hình như thế xuất hiện tại Việt Nam có lẽ phải cần thêm thời gian…
Khi chưa có một môi trường ưng ý để học hỏi và tích lũy hành trang nghề nghiệp, có lẽ sinh viên luật cần chủ động nhiều hơn để tìm cho mình một “bến đỗ”, một con đường để dấn thân. Muốn học bơi, việc đầu tiên là phải xuống nước …
Sài Gòn, 20.7.2021
Nguyễn Thái Hải Lâm