THỦ TỤC ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ – KHI SỰ SÁNG TẠO CÓ NGUY CƠ BỊ HẠN CHẾ

Bài viết này được đăng tải lần đầu trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn ngày 06/7/2023. Bản online có thể đọc tại đây https://thesaigontimes.vn/thu-tuc-dang-ky-quyen-tac-gia-can-tro-su-sang-tao/

Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi chung là “quyền tác giả”).[1] Trên cơ sở kế thừa các văn bản pháp luật trước đó trong lĩnh vực này cùng với việc sửa đổi, bổ sung, Nghị định mới có thể được coi là văn bản hướng dẫn toàn diện và thống nhất các vấn đề liên quan đến quyền tác giả. Một trong những điểm nổi bật là Chính phủ đã quy định chi tiết hơn về thủ tục đăng ký quyền tác giả. Tuy nhiên, chính điều này lại có thể gây nên những khó khăn trong việc đăng ký và bảo hộ quyền tác giả trên thực tế.

Để khai thác và bảo vệ quyền đối với tác phẩm, điều kiện tiên quyết là tác giả và/hoặc chủ sở hữu quyền tác giả phải cho thấy mình là chủ thể quyền, hay được pháp luật bảo hộ. Mặc dù, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định quyền tác giả được bảo hộ không cần phải qua thủ tục đăng ký. Song, việc đăng ký quyền tác giả được khuyến khích vì người được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả (sau đây gọi tắt là “giấy chứng nhận”) có lợi thế là không cần phải chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp xảy ra, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.[2]

Theo quy định hiện hành, để được cấp giấy chứng nhận thì cần phải đáp ứng đầy đủ 03 điều kiện về: chủ thể, đối tượng và thành phần hồ sơ.[3] Nếu các điều kiện này không được đáp ứng, Cơ quan có thẩm quyền sẽ từ chối cấp giấy chứng nhận, trả hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.[4] Dù không quy định rõ, nhưng trừ trường hợp do không đáp ứng về thành phần hồ sơ thì việc từ chối cấp giấy chứng nhận của Cơ quan có thẩm quyền đã gián tiếp thể hiện quan điểm rằng tác phẩm đang đăng ký sẽ không được bảo hộ quyền tác giả. Thật vậy, trong trường hợp không đáp ứng điều kiện về thành phần hồ sơ, người nộp hồ sơ vẫn có cơ hội hoàn thiện và đăng ký lại để được cấp giấy chứng nhận. Nhưng trong trường hợp không đáp ứng điều kiện về chủ thể hay đối tượng thì sự từ chối mang tính chất chung cuộc: người nộp hồ sơ sẽ không thể thực hiện việc đăng ký lại.

Trong khi điều kiện về chủ thể và thành phần hồ sơ chủ yếu chỉ là sự kế thừa từ các văn bản pháp luật trước đó thì điểm đáng chú ý nằm ở điều kiện về đối tượng đăng ký. Theo đó, ngoài việc phải thuộc một trong các loại hình luật định thì tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng còn phải:[5]

  1. Không được có hình thức hoặc nội dung vi phạm các quy định của Hiến pháp, pháp luật; chống phá Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trái với đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; mê tín dị đoan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
  2. Không được đang có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo mà chưa có quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, Tòa án hoặc Trọng tài.
  3. Có tên phù hợp với nội dung và loại hình tương ứng.[6]

Thoạt trông, cả ba điều kiện về đối tượng đăng ký đều có lý do hợp lý. Song, các quy định này khi xem xét thận trọng hơn cũng có những hạn chế riêng.

Về điều kiện thứ nhất: Không được có hình thức hoặc nội dung vi phạm các quy định của Hiến pháp, pháp luật; chống phá Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trái với đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; mê tín dị đoan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Trước hết, đó là sự thiếu thống nhất về mặt pháp luật. Một mặt, Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ đã khẳng định rằng quyền tác giả được thừa nhận đối với mọi loại tác phẩm mà không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký mà không có bất kỳ ngoại lệ nào. Điều này có nghĩa là quyền tác giả được xác lập khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, bất kể tác phẩm có nội dung vi phạm pháp luật hay không (hiển nhiên, vấn đề lưu hành và khai thác tác phẩm có nội dung vi phạm ấy lại là một chuyện khác). Mặt khác, Điều 8 Luật Sở hữu trí tuệ với tên gọi là “Chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ” gợi lên ý nghĩ đây là chủ trương chung mà Nhà nước hướng đến chứ không hẳn chỉ là các quy định mang tính cấm đoán. Cụ thể hơn, Nhà nước chỉ “không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh”. Vì vậy, việc Nghị định – một văn bản dưới luật lại mở rộng phạm vi áp dụng chẳng những làm văn bản pháp luật không thống nhất, mà còn chưa phù hợp khi xét ở góc độ lập pháp.

Thật ra, ngay trong Công ước Berne mà Việt Nam là thành viên cũng đã thể hiện quan điểm về vấn đề nêu trên. Theo đó, tác phẩm sẽ được bảo hộ quyền tác giả bất kể hình thức và thể loại của nó (Điều 2) nhưng Chính phủ của các nước thành viên cũng sẽ có toàn quyền kiểm soát và ngăn cấm sự lưu hành, trình diễn, trưng bày các tác phẩm mà quốc gia thành viên nhận thấy cần phải thực hiện quyền kiểm soát, ngăn cấm ấy (Điều 17). Thực tế, tại một số quốc gia, Tòa án đã đưa phán quyết với nội dung một bộ phim đồi trụy dù có thể dẫn đến việc vi phạm pháp luật hình sự thì quyền tác giả đối với bộ phim này vẫn tồn tại và có thể được thực thi.[7] Hay như việc Trung Quốc đã từng bị khởi kiện ra Liên Hợp Quốc vào năm 2007 về một quy định tương tự như Điều 8 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành của Việt Nam.[8] Vụ việc được Ban hội thẩm của Liên Hợp Quốc giải quyết vào năm 2009, với kết quả là việc không bảo hộ (vốn khác biệt với việc pháp luật ngăn cấm lưu hành) các tác phẩm có nội dung vi phạm sự kiểm duyệt của Nhà nước có thể bị xem là một hành vi không tuân thủ quy định của các điều ước quốc tế như Hiệp định TRIPS và Công ước Berne mà quốc gia này là thành viên.

Có thể thấy, việc bảo hộ quyền tác giả và cho phép khai thác quyền tác giả là hai hoạt động khác nhau. Với quy định mới nêu trên, rất có thể chúng ta được xem là thành viên không tuân thủ các Điều ước quốc tế.

Thứ hai, rủi ro trong quá trình thực thi quy định. Theo đó, nội hàm của quy định khá mơ hồ. Rất khó (thậm chí là không thể) để lượng hóa tiêu chí làm cơ sở để Cơ quan có thẩm quyền căn cứ xác định nội dung trái thuần phong, mỹ tục hay có sự chống phá Đảng, Nhà nước mà không phải là những tác phẩm phá cách đương thời hay những tài liệu phê bình, góp ý? Lấy ví dụ, một video ca nhạc (MV) có nội dung một thanh niên nhảy lầu có bị xem là trái với thuần phong, mỹ tục? hay những bài báo về sự quan liêu trong cơ chế (như thời bao cấp chẳng hạn) có bị xem là chống phá Đảng, Nhà nước hay không?  Đôi khi ranh giới giữa phê bình và chống phá rất mong manh. Ngoài ra, quy định “quét” còn hướng đến không được vi phạm “các nội dung khác theo quy định của pháp luật”, càng làm tăng sự mơ hồ về đối tượng và phạm vi áp dụng.

Sự thiếu vắng quy định rõ ràng có thể dẫn đến tình trạng thu hẹp phạm vi các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả trên thực tế và xa hơn là hạn chế sự sáng tạo trong các lĩnh vực. Bởi lẽ, đổi mới sáng tạo luôn cần xây trên nền tư duy cởi mở của pháp luật. Nếu không có góc nhìn cởi mở với hoạt động sáng tạo, liệu nền văn học Việt Nam có hình ảnh Chí Phèo tự kết liễu đời mình trong tuyệt vọng như một tấn bi kịch hay hình ảnh chị Dậu vùng chạy giữa lúc trời tối đen như mực,…đã làm rung chạm con tim độc giả bao thế hệ.

Thứ ba, liệu Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận có phải là cơ quan có đủ chuyên môn để có thể đưa ra đánh giá về nội dung của tác phẩm không, nhất là khi các tác phẩm này bao trùm hầu khắp các lĩnh vực khác nhau? Việc giải quyết không thấu đáo có thể làm người thực thi công vụ cũng như Cơ quan có thẩm quyền phải đối diện khiếu nại, kiện tụng và chắc chắn điều này sẽ làm hao tổn nguồn lực của xã hội.

Đối với điều kiện thứ hai: Không được đang có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo mà chưa có quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, Tòa án hoặc Trọng tài.

Quy định này có sự hợp lý nhất định. Một tác phẩm đang tranh chấp, khiếu nại hay tố cáo, chưa xác định ai là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì không thể được cấp giấy chứng nhận. Song, nội hàm của quy định “tác phẩm đang có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo” không chỉ giới hạn như vậy mà có thể được mở rộng ở bất kỳ loại tranh chấp nào. Trong trường hợp các bên chỉ tranh chấp về việc sử dụng, khai thác tác phẩm, về tiền thù lao, nhuận bút,… chứ không tranh chấp về tư cách tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì viện dẫn quy định này để từ chối cấp giấy chứng nhận thật khó thuyết phục. Tương tự vậy đối với trường hợp khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra, với nội hàm quy định có thể diễn giải rộng, một trong các bên có thể “vận dụng” để tìm cách trì hoãn việc đăng ký quyền tác giả và tạo thêm áp lực cho Cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo hay tranh chấp.

Đối với điều kiện cuối cùng: Tác phẩm phải có tên phù hợp với nội dung và loại hình tương ứng.

Có thể thấy, đây là một quy định đã hạn chế trực tiếp đến quyền đặt tên tác phẩm của tác giả – một quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn. Việc đặt tên cho “đứa con tinh thần” vốn là một quyền tự nhiên của tác giả, miễn là tên gọi ấy không xâm phạm đến trật tự công hay quyền của tổ chức, cá nhân khác. Với ý nghĩa đó, tác giả được tự do quyết định tên gọi của “đứa con tinh thần” của mình và hoàn toàn có quyền phá cách, không nhất thiết phải tương thích với nội dung và loại hình tương ứng. Trên thực tế, cách tiếp cận này trong nghệ thuật cũng không quá xa lạ, các tác phẩm văn học như “Đời thừa” của nhà văn Nam Cao hay “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân hoàn toàn do sự sáng tạo của tác giả, không liên quan đến nội dung và loại hình tương ứng. Rõ ràng, điều kiện nêu trên dường như đã thể hiện sự can thiệp quá mức của các Cơ quan có thẩm quyền trong các quan hệ pháp luật tư.  

Có thể thấy, việc quy định khá cụ thể các điều kiện trong việc cấp, cấp lại và cấp đổi giấy chứng nhận đã góp phần giúp hạn chế sự tuỳ nghi và lạm dụng của các Cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Tuy nhiên, đâu đó cũng kèm theo các quy định này là nguy cơ của sự lạm quyền hoặc khó khăn trong việc thực thi và bảo vệ quyền tác giả ở Việt Nam trong tương lai. Vô hình trung, điều này có thể đẩy lùi sự sáng tạo và làm mất đi ý nghĩa của pháp luật quyền tác giả.

Nguyễn Ngô Thành Danh – Nguyễn Thái Hải Lâm

Chú thích:

[1] Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ.

[2] Khoản 3 Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

[3] Khoản 4 Điều 38 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ.

[4] Khoản 2 Điều 39 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ.

[5] Khoản 2 Điều 39 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ.

[6] Khoản 1 Điều 43 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ.

[7] Vụ án Aldrich v. One Stop Video Ltd, do Toà án tối cao của bang British Columbia, Canada xét xử năm 1987. Một số vụ án có hướng tiếp cận gần tương tự như: vụ Television Broadcasts Ltd v. Mandarin Video Holdings, do Toà án cấp cao của Malaysia xét xử năm 1984; vụ Mitchell Brothers Film Group v. Cinema Adult Theater, do Toà án phúc thẩm Khu vực 5, Hoa Kỳ xét xử năm 1979. Xem thêm: Wipo, Principles of Copyright law, Case and Material, 2002.

[8] Cụ thể là quy định tại đoạn 1 Điều 4 Luật Bản quyền năm 1990, sửa đổi năm 2001, quy định rằng các tác phẩm mà pháp luật cấm công bố và lưu hành sẽ không được bảo vệ bởi Luật Bản quyền.Trong đó, các tác phẩm bị cấm bao gồm những tác phẩm, hoặc những phần của tác phẩm, bị từ chối/cắt bỏ sau khi Nhà nước kiểm duyệt.

Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của các tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *