QUYỀN BẢO TOÀN NGUYÊN TÁC – CỞI MỞ HAY KHÉP KÍN?

Bài viết được đăng tải lần đầu trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn ngày 14/12/2023.
Trong bài trước, các tác giả đã đề cập đến những lúng túng trong việc thực thi quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm hay quyền bảo toàn nguyên tác. Để có góc nhìn thấu đáo hơn, các tác giả đã quay về ngọn nguồn của quy định. Và như đã thấy, các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (“Luật SHTT”) bắt nguồn từ Công ước Berne vốn chủ yếu phản ánh nỗ lực và tư tưởng của các quốc gia theo hệ thống Dân luật (Civil law). Vì vậy, trước khi đi đến giải pháp, có lẽ cũng cần điểm qua góc nhìn của các quốc gia dân luật về quyền bảo toàn nguyên tác.

Góc nhìn pháp luật nước ngoài[1]

Tại Pháp và Đức, các quyền nhân thân gắn liền với tác phẩm có mục đích chính là nhằm duy trì mối liên kết tinh thần giữa tác giả và tác phẩm. Đến lượt mình, mối liên kết này đặc trưng bởi cái gọi là “dấu ấn nhân cách của tác giả” (l’empreinte de la personnalité de l’auteur) được thể hiện trong tác phẩm: Tác phẩm là một sản phẩm tinh thần phản ánh quan niệm, tư tưởng và phong cách của người sáng tạo và do đó chứa đựng, thể hiện một phần nhân cách hay “cái tôi” của họ. Nói nôm na, dấu ấn nhân cách được hiểu là các những yếu tố, đặc điểm, nội dung – xuất phát từ chính con người của tác giả – làm nên tính độc đáo (originalité) của tác phẩm.

Xuất phát từ quan niệm nêu trên, quyền bảo toàn nguyên tác nhằm mục đích duy trì và bảo vệ dấu ấn nhân cách của tác giả, cái đã được thể hiện trong tác phẩm; đảm bảo dấu ấn này không bị lu mờ trong quá trình tái hiện tác phẩm. Để rồi chính việc bảo vệ dấu ấn này sẽ gián tiếp giữ gìn danh tiếng nghệ thuật của tác giả.

Theo nguyên tắc trên, tác giả chỉ có thể ngăn cấm những hành vi sửa đổi tác phẩm làm ảnh hưởng đến dấu ấn của tác giả hay bóp méo tư tưởng của họ. Ví như khi kịch bản một tuồng cải lương với sự trầm buồn làm chủ đạo, phê phán tư tưởng phong kiến bị thay đổi một số câu thoại nhằm mục đích gây cười và phù hợp với ngôn ngữ thời hiện đại, dù nhân vật, bối cảnh và cốt truyện giữ nguyên.

Ngược lại, tác giả sẽ không thể ngăn cản các thay đổi không quan trọng, không tác động đến dấu ấn nhân cách của tác giả. Ví dụ cũng kịch bản trên, nhưng người khác chỉ sửa lỗi chính tả, chuyển đổi định dạng từ bản giấy thành file pdf hay điều chỉnh phần nào trang phục nhân vật…thì không làm lu mờ dấu ấn cá nhân của tác giả.

Nguyên tắc là vậy, nhưng thực tiễn ở mỗi quốc gia vẫn có sự khác biệt. Tùy thuộc vào bối cảnh xã hội và lợi ích cần được ưu tiên hướng đến mà tiêu chuẩn của nguyên tắc cao hay thấp.

Các lối ra khả dĩ?

Không phủ nhận rằng, tác giả có nhu cầu chính đáng trong việc duy trì sự toàn vẹn của tác phẩm. Song, nếu bảo vệ tuyệt đối cho tác giả thì việc này vô hình trung có thể cản trở hoạt động sáng tạo. Một bài hát bất hủ có thể cắt ngắn để làm nhạc chuông hay lồng ghép vào phân cảnh nhỏ của một bộ phim. Một vở kịch thêm chút âm nhạc cho tăng phần kịch tính hay tạo cảm xúc vui vẻ, buồn bã. Đây vốn là những hành vi phổ biến trong xã hội. Nếu không cho phép người khác sử dụng theo những cách này, công chúng có thể không hưởng lợi từ các thành quả của tác giả và cũng giới hạn khả năng sáng tạo dựa trên tác phẩm sẵn có.

Vì vậy, các quy định của Luật SHTT cần thiết phải hướng đến sự cân bằng giữa quyền lợi của tác giả với lợi ích của công chúng và các bên liên quan; hạn chế khả năng lạm dụng của tác giả trong việc hành xử quyền lợi của mình. Trong cách tiếp cận như vậy, để tạo ra điểm cân bằng hợp lý, việc tìm lối ra cho vấn đề “gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả” sẽ cần được hiểu như thế nào?

Trước hết, cần thừa nhận rằng quy định này không đòi hỏi các kết quả thực tế mà có thể được suy đoán dựa trên một số tiêu chí khách quan. Kinh nghiệm nước ngoài[2] cho thấy, có thể bị xem là xâm phạm: những hành vi sửa đổi làm thay đổi các nội dung, đường nét, thể hiện cá tính, bút pháp, đặc trưng nghệ thuật hay dấu ấn nhân cách của tác giả. Thực chất, đây là những nội dung mà khi bị sửa đổi trái ý muốn của tác giả có thể làm người khác cảm nhận sai về giá trị văn học, nghệ thuật của tác phẩm, từ đó gián tiếp làm ảnh hưởng đến hình ảnh, danh tiếng của tác giả. Ngoài ra, Toà án cũng có thể cân nhắc thêm tiêu chí khác như là mức độ sáng tạo trong tác phẩm, hoặc hình thức, mục đích sử dụng của tác phẩm và thậm chí là suy đoán dựa trên ý chí của người sửa đổi.

Theo chúng tôi, giải pháp nêu trên tương đối phù hợp trong điều kiện Việt Nam hiện nay, nơi pháp luật thành văn đóng một vai trò quan trọng và việc áp dụng pháp luật thường bám sát vào ngữ nghĩa của điều luật. Trên thực tế, một số Toà án dường như đã áp dụng giải pháp này khi xác định hành vi xâm phạm sự toàn vẹn của tác phẩm. Thật vậy, trong vụ án Thần đồng đất Việt đã đề cập ở kỳ trước, cả hai cấp Toà án đều đồng tình với phía tác giả, rằng những sửa đổi đã làm thay đổi đường nét, hình thức, tư thế, biểu cảm của nhân vật – những nội dung thường phản ánh dấu ấn của tác giả trong một tác phẩm mỹ thuật. Hệ quả là “biểu cảm nhân vật không còn tự nhiên, sinh động”. Chính vì có sự thay đổi này, khi không có sự đồng ý của tác giả, đã dẫn đến việc cả hai cấp Tòa án đều xác định hành vi xâm phạm của bị đơn. Hiển nhiên, vấn đề phán quyết sau cùng có thuyết phục hay không, lại là một câu chuyện khác.

Cũng có một giải pháp để thay thế cho cách tiếp cận nêu trên, đó là đảo ngược trách nhiệm chứng minh. Theo đó, về nguyên tắc việc sửa đổi tác phẩm chỉ bị ngăn cấm khi nó gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả. Song, pháp luật có thể “ưu ái” cho tác giả, bằng cách đẩy tránh nhiệm chứng minh cho bị đơn. Rằng, khi khởi kiện tác giả chỉ cần chứng minh việc tác phẩm đã bị sửa đổi mà không có sự đồng ý của mình, và chính người bị kiện sẽ phải chứng minh hành vi sửa đổi của họ đã không gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng cần xem xét để phù hợp với nguyên tắc trong tố tụng, theo đó bên khởi kiện thường có nghĩa vụ chứng minh.

Nhưng vấn đề chưa dừng ở đây, sau khi hành vi xâm phạm quyền đã được xác định, thì còn phải cân nhắc đến việc cân bằng các lợi ích khác nhau. Theo đó, pháp luật cần thừa nhận một số trường hợp ngoại lệ nhất định. Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, mặc dù khá đa dạng, song đa phần các ngoại lệ đều xoay quanh ba trường hợp[3]: dựa trên giả định về sự đồng ý ngầm định của tác giả (được thể hiện qua qua tập quán hay thông lệ trên thị trường); dựa trên nguyên tắc thiện chí, ngay tình mà khi đó một tác giả ngay thẳng sẽ khó lòng từ chối; và bởi sự ưu tiên một lợi ích quan trọng hơn như lợi ích xã hội.

Trong tương lai gần, các nhà lập pháp cần cân nhắc các giải pháp nêu trên. Một mặt, pháp luật bảo toàn nguyên tác của tác giả nhưng ở khía cạnh khác, công chúng vẫn có khả năng cải biên nhằm phục vụ cho nhu cầu sử dụng đa dạng và làm phong phú hoạt động sáng tạo. Quan trọng hơn, các tranh chấp sẽ được giải quyết thấu tình, đạt lý mà không phải rơi vào tranh cãi, có hay không việc gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả.

Sài Gòn, ngày 14/12/2023

Nguyễn Ngô Thành Danh – Nguyễn Thái Hải Lâm

Chú thích:

[1] Tham khảo: Jacques de Werra, Le droit à l’intégrité de l’oeuvre: étude du droit d’auteur suisse dans une perspective de droit comparé, Stæmpfli Editions, 1997.

[2] Nguyễn Vân Nam, Quyền tác giả, Đường hội nhập không trải hoa hồng, NXB Trẻ, 2017.

[3] Jacques de Werra, tlđd.

Lưu ýNhững thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của các tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *