NỖI OAN “ĐẠI HỘI”

Cách diễn đạt, trình bày phần nào thể hiện cách chúng ta tư duy về một vấn đề.

Cứ vào mỗi dịp tháng 4, truyền thông lại đưa tin về cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ở các công ty. Sức nóng từ cuộc họp này, đặc biệt là từ các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán được truyền thông khai thác triệt để. Tuy nhiên, thay vì gọi đúng tính chất là cuộc họp (phiên họp, kỳ họp), nhiều bài báo gọi là “Đại hội”.

Không hiếm gặp trường hợp báo chí, truyền thông sử dụng các từ “mùa đại hội đồng cổ đông”, “mùa Đại hội cổ đông” hay ngắn gọn là “Đại hội cổ đông”. Ngay cả đài truyền hình quốc gia cũng làm một chương trình với tiêu đề khá kêu:“Đột nhập” Đại hội cổ đông.

Từ chính doanh nghiệp, họ cũng cho thấy đang hiểu cuộc họp này là “Đại hội”.

Với cách hiểu cuộc họp của một cơ quan quyền lực trong công ty là “Đại hội”, chúng ta đưa một thuật ngữ bình thường trong quản trị công ty trở nên xa lạ với thế giới, dù thuật ngữ này đã xuất hiện trên văn bản pháp luật cách đây hơn 30 năm [1].

Theo quy định, Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần [2]. Điều luật này đã quy định minh thị đây là một cơ quan thuộc cơ cấu của công ty cổ phần. Trong quy định về cơ cấu của công ty cổ phần, chúng ta dễ dàng tìm thấy Đại hội đồng cổ đông luôn xuất hiện trong mô hình tổ chức công ty [3].

Như vậy, chữ “Đại hội” trong “Đại hội đồng cổ đông” hoàn toàn không có nghĩa là hội nghị hay một “cuộc họp lớn” như cách mà truyền thông và ngay cả nhiều doanh nghiệp đang sử dụng. Như đã trình bày, Đại đội đồng cổ đông đơn giản là tên gọi một cơ quan trong công ty cổ phần. Cơ quan này là cơ quan có quyền quyết định cao nhất. Có thể tìm thấy ý nghĩa tương tự qua tên gọi các tổ chức như Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN.

 

Theo quy định, Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trường hợp cần thiết, Công ty có thể gia hạn nhưng thời gian này tối đa cũng không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Mọi cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông (kể cả thường niên hay bất thường) đều quan trọng và có ý nghĩa pháp lý như nhau, không phân biệt “đại hội” hay “tiểu hội”.  Hiểu đơn giản, đây chỉ là cuộc họp của cơ quan có quyền quyết định cao nhất trong công ty cổ phần. Từ góc độ văn bản pháp luật, cũng dễ dàng thấy rằng văn bản pháp luật cũng theo cách tiếp cận này, hoàn toàn không mang ý nghĩa “Đại hội” nào.

Đáng buồn, báo chí và truyền thông lại hiểu cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông thành “Đại hội”, thông qua cách sử dụng từ này. Khổ nỗi, chính doanh nghiệp cũng cho thấy đang hiểu theo cách này thông qua cách trình bày trên các ấn phẩm và tệ nhất là trên cả giấy tờ pháp lý. Phải chăng, vì đất nước ta có nhiều đại hội, hội nghị…nên chữ “Đại hội” trong cụm từ “Đại hội đồng cổ đông” đã bị hiểu nhầm?

Việc hiểu sai một thuật ngữ phần nào phản ánh năng lực quản trị công ty còn hạn chế của chúng ta. Dù du nhập thuật ngữ của thế giới, học hỏi quy định của các nước có thông lệ quản trị công ty tốt nhưng khi diễn giải, áp dụng lại theo thói quen và cách hiểu dị biệt của riêng mình. Từ đó, không chỉ làm quy định của chúng ta trở nên xa lạ trên thực tiễn mà còn làm môi trường đầu tư trở nên kém hấp dẫn.

Nếu ai đó từng nói, đất nước cần có tham vọng là nơi “đại bàng” tìm đến. Muốn vậy, “cái tổ” cần phải được “dọn” đàng hoàng. Trong đó, hệ thống pháp luật minh bạch, công bằng, với cách hiểu và áp dụng phù hợp với thông lệ chung là điều kiện tiên quyết.

Sài Gòn, ngày 28/4/2023

Nguyễn Thái Hải Lâm

[1] Luật Công ty 1990.

[2] Điều 138.1 Luật Doanh nghiệp hiện hành.

[3] Điều 137 Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *