MỘT VÀI CHIA SẺ VỀ CHUYỆN VIẾT CỦA SINH VIÊN

Hồi giữa tháng 3/2024, Lâm được mời tham gia một buổi trong chuỗi “Workshop Legal Research School Khoa Luật 2024” do Ban Chấp hành Đoàn – Hội Khoa Luật của Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước (CELG), trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) tổ chức.

Tại đây, Lâm cùng với anh Nguyễn Ngô Thành Danh có trình bày một số kinh nghiệm viết lách với các sinh viên. Nội dung chủ yếu cũng là tổng kết nhiều bài học từ tiền bối cũng như các anh, chị đi trước và chút trải nghiệm cá nhân. Bên cạnh 2 anh em là khách mời thì còn có sự “chia lửa” của 3 giảng viên tâm huyết: thầy Nguyễn Thành Trân, thầy Đinh Khương Duy và thầy Mai Tiến Dũng.

Lâm ghi chú lại một số nội dung đã trao đổi với các bạn sinh viên. Hy vọng là nếu có bạn sinh viên nào lướt qua cũng tìm thấy vài điều hay ho và có ích.

  1. Viết lách là một kỹ năng cần được ưu tiên rèn luyện từ sớm. Bởi lẽ, khi hành nghề luật ở vị trí nào, bạn luôn cần sử dụng kỹ năng này. Ví dụ:
    • Luật sư thì thường viết các loại đơn tư, thư tư vấn, luận cứ, bài bào chữa và cả …thư báo phí cho khách hàng.
    • Thẩm phán thì viết bản án, công văn gửi ban ngành.
    • Kiểm sát viên thì viết bản cáo trạng, bài phát biểu khi kiểm sát vụ việc.
    • Nhân viên trong cơ quan hành chính cũng phải làm báo cáo, tờ trình, văn bản phúc đáp, biên bản họp và soạn thảo vô số giấy tờ khác.
  2. Khởi đầu viết có thể không dễ dàng, chủ yếu từ tâm lý. Vì vậy, bạn cần phải vượt qua rào cản này bằng cách chuẩn bị thật kỹ, nhờ người giúp đỡ để học hỏi thêm kinh nghiệm, tìm kiếm người đồng hành…và sau cùng là chấp nhận thực tế có thể chưa tốt và học hỏi thêm sau mỗi lần thực hành, kiểu “trăm hay không bằng tay quen”.
  3. Viết học thuật hay viết báo có những yêu cầu riêng biệt và cũng khó để phân định viết thể loại nào khó hơn. Như cá nhân mình mong muốn mang đến những bài viết chất lượng với ngôn ngữ bình dị, qua đó giúp mọi người hiểu hơn về pháp luật.
  4. Không nhất thiết phải va chạm thực tiễn mới có đề tài mang tính thời sự. Tính thời sự có thể được tìm thấy qua việc quan sát thông tin từ truyền thông, báo chí hay đơn giản là hỏi từ bạn bè, người thân. Có thể tìm thấy vấn đề hay đề tài qua tìm hiểu các bản án, phán quyết của Tòa án đã công bố, các phán quyết trọng tài có thể tiếp cận được.
  5. Để thu hút người đọc, bài báo cần có tiêu đề lôi cuốn và hành văn dễ hiểu. Để thỏa mãn cả 2 điều này thật sự không dễ dàng.
  6. Về cách đặt tiêu đề lôi cuốn, sẽ dễ dàng với bạn nào có óc sáng tạo. Nếu không, cần một chút nỗ lực và có thể bắt đầu bằng việc đặt theo công thức: phần mô tả nội dung chính + phần tự do. Trong đó:
    • Phần mô tả thường là thuật ngữ chuyên ngành theo nội dung chính của bài viết.
    • Phần tự do là sáng tạo để bay bổng, khơi gợi sự tò mò từ người đọc.
      Ví dụ, tiêu đề “Quyền bảo toàn nguyên tác – cởi mở hay khép kín?” là tuân theo công thức nêu trên.
      Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm bài viết của chị Lê Vũ Vân Anh – là một tác giả quen thuộc của The Saigon Times qua bài viết:“Viết học thuật: Sáng tạo trên từng tiêu đề” tại link: https://www.vananhle.net/?p=1626
  7. Về hành văn dễ hiểu, phụ thuộc rất nhiều về văn phong của mỗi người. Theo mình, viết ngắn và đủ ý thì khó hơn viết dài. Viết ngắn giúp người đọc dễ hiểu hơn, do không phải mất thời gian suy nghĩ và diễn giải nội dung. Lâm lấy 2 ví dụ sau (phần này mới thêm vào, tại hội thảo Lâm không trình bày):
    • Ông A tiến hành thủ tục khởi kiện ông B tại Tòa án.
    • Ông A kiện ông B tại Tòa.
      Ví dụ sau rõ ràng ngắn gọn và dễ hiểu hơn ví dụ trước.
  8. Việc chuyển tải ngôn ngữ pháp lý thành nội dung dễ hiểu với “người ngoại đạo” được xem là một thử thách không dễ dàng. Tuy nhiên, rèn luyện kỹ năng này không chỉ cho việc viết báo mà còn giúp cho quá trình hành nghề, khi phải tiếp xúc với khách hàng từ nhiều vị trí khác nhau. Nếu khách hàng của bạn là một bác nông dân, bạn không thể đem vô vàn thuật ngữ pháp lý ra để tư vấn.
  9. Có thể cân nhắc việc lấy ví dụ để minh họa cho nội dung hoặc chấp nhận bỏ qua sự cầu toàn về thuật ngữ, ví dụ:
    • Thay vì viết “giao kết hợp đồng” thì viết “ký hợp dồng” (dù “ký” chỉ là một trong các hình thức giao kết).
    • Thay vì gọi “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất” thì gọi “sổ đỏ” hoặc “sổ hồng” cho gọn (tuy không đúng thuật ngữ, nhưng hầu như người đọc nào cũng hiểu).
  10. Để có vốn từ đa dạng và phong phú, không có cách nào khác là phải đọc đa dạng thể loại: văn học, khoa học, tạp chí chuyên ngành,…và quan trọng là thu nhặt kinh nghiệm từ việc đọc. Sau đó, cố gắng áp dụng những gì được học, biến thành kỹ năng của riêng mình.
  11. Viết là một hành trình và cần thời gian để hoàn thiện. Ngoài việc kiến thức chuyên môn cần thời gian tích lũy, người viết cũng cần nâng cao kỹ năng viết thông qua thực hành và học thêm kiến thức viết từ nhiều nguồn. Không thể chỉ vài ngày hay một vài khóa học có thể viết tốt ngay. So với các bạn sinh viên thì Lâm là một người đi trước, nhưng bản thân cũng phải nâng cao kỹ năng thông qua công việc của mình.
  12. Việc sinh viên có bài báo chuyên môn được đăng báo (dù là khoa học hay phổ thông) đều được đánh giá cao. Bởi lẽ, đây là sản phẩm cụ thể chứng minh cho năng lực của bạn. Vì vậy, việc viết mang lại nhiều lợi ích: vừa ôn luyện kiến thức, thực hành kỹ năng…vừa tạo ra danh tiếng, uy tín cá nhân trước khi ra trường.
  13. Viết trước hết là cho mình. Từ trải nghiệm cá nhân, viết đôi khi chỉ vì mình bức xúc một vấn đề nào đó và thấy cần thiết viết. Không nhất thiết phải đăng báo hay cho ai xem…ngay cả viết cho chính mình đọc, Lâm tin việc viết cũng giúp ích rất nhiều, vì quá trình này thường đòi hỏi phải tư duy, tổng hợp thông tin và sử dụng kỹ năng để ra bài viết cụ thể.
  14. Cần có ý thức nâng cao kỹ năng viết qua công việc. Với mỗi đối tượng hay bối cảnh, sẽ có các yêu cầu khác nhau…ví dụ: Thư tư vấn pháp lý thường đưa ra kết luận trước rồi mới phân tích chi tiết, trong khi một công văn hỏi CQNN về một vấn đề thì phải trình bày vụ việc rồi mới chốt lại vấn đề cần hỏi.

Bên cạnh nội dung trình bày của Lâm dựa trên các câu hỏi từ các sinh viên, anh Thành Danh, thầy Thành Trân, thầy Khương Duy hay thầy Tiến Dũng cũng chia sẻ rất nhiều thông tin giá trị từ kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như quá trình hành nghề, viết báo và tạp chí.

Cá nhân Lâm tin rằng, nếu bạn sinh viên nào góp nhặt các thông tin từ buổi hội thảo sẽ thu về không ít kiến thức và kinh nghiệm. Nếu bạn nào áp dụng thì chắc chắn sẽ rút ngắn hành trình nghề nghiệp, có khởi đầu thuận lợi khi ra trường. Đây cũng là điều mình mong muốn khi nhận lời tham gia buổi trao đổi này.

Sài Gòn, ngày 03/7/2024

Nguyễn Thái Hải Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *