GEN Z KHỞI NGHIỆP – NẮM BẮT CƠ HỘI HAY SUY NGHĨ NHẤT THỜI?

Dương Quốc Khánh Huy – một bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z. Tốt nghiệp cử nhân ngành truyền thông thuộc Đại học RMIT Việt Nam, Huy dự định ứng tuyển vào các công ty đa quốc gia để thỏa sức trải nghiệm và thử thách với tuổi trẻ của mình. Tuy nhiên, như “có tín hiệu từ vũ trụ” – theo lời Huy, bạn trẻ này đã thay đổi mục tiêu, khởi sự kinh doanh cùng những người bạn của mình.

Tưởng rằng đây là suy nghĩ nhất thời của tuổi trẻ, nhưng sau đó là nhiều hoài bão mà Huy đang ấp ủ. Mình có dịp trò chuyện cùng Huy để hiểu thêm suy nghĩ của bạn trẻ này, qua đó biết được phần nào bức tranh khởi sự kinh doanh của các bạn Gen Z năng động, sáng tạo.

Lâm: Huy có ý tưởng khởi nghiệp từ khi nào?

Huy (suy nghĩ một lúc): Từ nhỏ, em đã muốn mình phải làm điều gì đó để đóng góp cho xã hội. Em muốn tạo ra thật nhiều giá trị cho cộng đồng.

Lâm (theo thói quen nghề nghiệp): Em không cho rằng đi làm việc cho một công ty hay nôm na “làm thuê chuyên nghiệp” cũng đóng góp cho xã hội sao?

Huy (hơi lúng túng): À, ý em không phải vậy. Em muốn tạo ra một đóng góp lớn, rõ ràng và khác biệt cho cộng đồng.

Khi tốt nghiệp trường đại học, em định dấn thân vào một công ty đa quốc gia để thỏa sức học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Nhưng rồi, ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh đến với em rất tình cờ. Tại thời điểm ấy, nhìn lại kiến thức và trải nghiệm mà mình tích lũy được, cùng với “bộ kỹ năng” của mình, em nghĩ đây là thời điểm thích hợp để rời khỏi vùng an toàn của mình, bắt đầu chinh phục ước mơ từ thuở nhỏ.

Lâm: Huy có thể nói cụ thể hơn về “sự tình cờ” của mình?

Huy: Em yêu thích bóng đá và chơi môn này hằng tuần. Cũng từ đó, em thích sưu tầm trang phục thi đấu của cầu thủ từ các câu lạc bộ. Em muốn đóng khung những chiếc áo đấu này để trưng bày trong căn phòng nhỏ của mình, giống như một món quà lưu niệm vậy. Nhưng xa hơn, em muốn người ta liên tưởng hay nhớ về một câu chuyện xung quanh nó, hơn là một vật phẩm vô tri.

Ví dụ, Chiếc áo đấu số 10 của cầu thủ Mesut Ozil tại Câu lạc bộ Arsenal được lồng bên trong khung kính. Xung quanh nó là hình ảnh nhỏ về những khoảng khắc vui – buồn trong màu áo của pháo thủ thành Luân Đôn, như lần tâng bóng vào lưới Ludogorets ghi tuyệt phẩm hay phút thẫn thờ trên băng ghế dự bị…Từ đó, người ta có nhiều hoài niệm, câu chuyện về chiếc áo đó.

Xung quanh chiếc áo là hình ảnh nhỏ về những khoảng khắc vui – buồn trong màu áo của pháo thủ thành Luân Đôn

Nhưng khi đã “săn sales” một chiếc áo đấu, em không thể thực hiện ý tưởng trên. Em đem chiếc áo mua được ra các tiệm đóng khung tranh, họ không thể có các kiểu khung cũng như thiết kế mà em ưng ý. Họ chỉ đơn thuần đem chiếc áo rồi bỏ vào khung như bức tranh đơn điệu. Em nghĩ nhiều người cũng có suy nghĩ giống mình, có nhu cầu đóng khung những chiếc áo và mang câu chuyện vào trong chiếc khung ấy.

Em đem ý tưởng này kể với vài người bạn, từ đó ý tưởng khởi nghiệp hình thành và có FRAMIGOS như hiện nay.

Lâm: Với thuần túy là việc làm khung cho các sản phẩm, Huy có nghĩ khi sản phẩm của mình được nhiều người biết đến, nhiều người sẽ nhảy vào thị trường này và làm ra sản phẩm tương tự không?

Huy: Em cũng có nghĩ đến nhưng FRAMIGOS không đơn thuần chỉ có sản phẩm. FRAMIGOS ngoài việc là số ít nơi chuyên làm khung thiết kế, lưu niệm trong lĩnh vực thể thao thì còn hướng đến là nơi tập hợp những người cùng đam mê. Ngoài ra, FRAMIGOS sẽ còn tạo ưu thế bằng sự chuyên nghiệp, chính sách hậu mãi,….chứ không đơn thuần là chỉ làm khung tranh.

Nếu có đối thủ gia nhập thị trường em nghĩ cũng hay. Điều đó thúc ép mình hoàn thiện và không ngừng tốt hơn mỗi ngày. Nếu có đối thủ chia sẻ thị phần thì em nghĩ không phải là vấn đề lớn.

Lâm: Những người bạn ảnh hưởng như thế nào đến quyết định khởi nghiệp của Huy, như việc em từng chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp và có FRAMIGOS như hiện tại?

Huy: Em nghĩ đó là “duyên”. Khi còn là sinh viên, em tham gia một dự án sáng tạo của nhà trường. Thông qua hoạt động này, em được học hỏi nhiều kỹ năng từ những người bạn giỏi, có những người đi cùng hoạt động khởi nghiệp hiện nay. Quan trọng hơn, tụi em tìm thấy sự đồng điệu, tương đồng sở thích và duy trì tình bạn này sau đó. Vì vậy, khi ý tưởng khởi nghiệp của em xuất hiện, các bạn ủng hộ và cùng tham gia với các vai trò khác nhau.

Lâm: Khi chọn bạn đồng hành khởi nghiệp, Huy cân nhắc trên những tiêu chí nào?

Huy: Khi nêu ý tưởng khởi nghiệp, em nghĩ đến những bạn chung đam mê và có kỹ năng, kiến thức thích hợp để làm việc trong lĩnh vực này. Ngoài ra, em cũng cân nhắc khả năng đóng góp của các bạn về tài chính, sự hỗ trợ về công nghệ, vật chất…..

Nhưng quan trọng hơn, em nghĩ tất cả phải có chung mục tiêu và tầm nhìn. Bởi khi có mục tiêu rõ ràng và cùng nhìn vào đó, tất cả mới có động lực vượt qua các trở ngại, kiên nhẫn chờ ngày cùng hái quả ngọt. Theo em, đây là tiêu chí quan trọng nhất.

Lâm: Trong quá trình làm việc cùng nhau, mấy bạn có xung đột không?

Huy: Có chứ anh. Nhưng thường chưa đến mức quá căng thẳng. Thường những lúc vậy, tụi em ngồi lại cùng nhau, thẳng thắn góp ý và xây dựng để hướng đến mục tiêu chung. May mắn đến nay mọi người vẫn chưa có bất đồng nào mà không thể cùng nhau ngồi lại giải quyết (cười).

Kiên nhẫn để cùng nhau hái quả ngọt

Lâm: Ngoài làm việc cùng nhau, Huy và các bạn có hoạt động nào khác để tăng tinh thần đồng đội?

Huy: Dạ có. Tụi em cùng mê môn thể thao vua, thường đi đá banh cùng nhau. Thỉnh thoảng, tụi em cũng đi cà phê, bàn chuyện tán dóc. Về cơ bản tụi em làm cùng ngành, trạc tuổi nhau nên cũng có nhiều chủ đề có thể thoải mái bàn luận mỗi khi có dịp gặp gỡ. Dân sáng tạo mà anh (cười).

Lâm: Đây có phải là lần đầu tiên em khởi nghiệp không Huy?

Huy: Không anh. Trước đó, em định bắt đầu với lĩnh vực công nghệ. Mong muốn tạo ra một ứng dụng chuyên đánh giá, bình luận về các địa điểm ăn uống. Nhưng dự án đó kết thúc sớm, chưa kịp hình thành trên thực tế.

Lâm: Em nghĩ vì sao lần đó mình không thể thành công?

Huy: Tụi em chưa có sự chuẩn bị tốt. Trong nhóm không ai giỏi về công nghệ, có thể nắm bắt các xu hướng cũng như về kỹ thuật đặc thù về ngành này. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ là cuộc chiến “đốt tiền” và dĩ nhiên, tụi em không đủ sức để đi một hành trình dài. Nhìn lại, nó giống như một ý nghĩ thoáng qua cho thỏa chí hơn là kế hoạch chu đáo, có tính toán.

Lâm: Vì sao em không đi làm tại một công ty để tích lũy thêm kinh nghiệm rồi hãy khởi nghiệp? Liệu khởi nghiệp có sớm quá không?

Huy: Như em nói, mọi việc đến với em khá tình cờ. Tuy nhiên, đó không phải là một sự bộc phát.

Khi em tình cờ nhìn thấy nhu cầu thị trường, em nhìn lại khả năng của bản thân, các nguồn lực mà mình đang có. Sau khi suy nghĩ và lên kế hoạch, em thấy đây là thời điểm để ươm mầm, biến những ước mơ từ khi còn nhỏ của mình thành hiện thực.

Lâm: Mọi chuyện có suôn sẻ không?

Huy: Không anh. Nhóm tụi em hầu hết là dân sáng tạo. Vì vậy, trong đầu lúc nào ý tưởng cũng bay bổng (cười). Nhưng khởi sự kinh doanh thì cũng cần có cái đầu lạnh và …ở mặt đất. Bên cạnh chuyên môn, cũng cần biết những lĩnh vực khác về tài chính doanh nghiệp, pháp lý, kế toán, thuế. Những lĩnh vực này tụi em đều xa lạ và…ngán ngẫm.

Nhưng là một người sáng lập, em không thể buông xuôi. Em tham gia các khóa học rồi đúc kết từ chính quá trình làm việc. Em cũng học hỏi từ những người trong lĩnh vực mà em muốn tìm hiểu. Quá trình làm và học liên tục này giúp em bổ khuyết những hạn chế của mình….và giúp em nhận ra, tài chính, thuế hay pháp lý không hẳn khô khan, khó nuốt mà rất sống động, thú vị khi đi vào thực tiễn.

Trước đây em cứ nghĩ mình không học nổi, nhưng rồi cho bản thân cơ hội, em thấy mình hoàn toàn làm được và có thể làm tốt.

Lâm: Người ta hay nói đùa, nhiều người cứ thích nói về khởi nghiệp, nhưng tiền đâu khởi nghiệp thì họ không nói. Em giải quyết vấn đề tài chính thế nào?

Huy: Em có 2 nguồn: sự hỗ trợ từ gia đình và phần còn lại là từ thu nhập làm freelancer của các thành viên. Bên cạnh đó, tụi em tận dụng các mối quan hệ, nguồn lực sẵn có để tiết kiệm chi phí vận hành lúc ban đầu.

Lâm: Thuyết phục gia đình có dễ không? (Cười)

Huy: Lúc đầu, gia đình cũng không tin tưởng em lắm. Nhưng em trình bày kế hoạch kinh doanh của mình, từng bước rõ ràng. May mắn là gia đình đồng ý cho em cơ hội. Từ sự hỗ trợ này, cộng với khoản tiền kiếm được từ hoạt động freelancer, tụi em có kinh phí để khởi nghiệp. Khi có chút kết quả ban đầu thì gia đình vui và tin tưởng hơn.

Hiện tại, em vẫn nhận các công việc tự do để kiếm thêm thu nhập như: làm quảng cáo, chụp ảnh sản phẩm,…. nhưng bớt dần để tập trung hoàn toàn vào “đứa con tinh thần” FRAMIGOS.

Em nghĩ nếu gia đình có chút điều kiện và quan trọng hơn là trao cơ hội cho con cái thì đó là tiền đề tốt để khởi đầu các ý tưởng kinh doanh. Miễn là mình đừng ỷ lại hay phung phí tiền của từ gia đình.

Lâm: Xem như gia đình là các “nhà đầu tư thiên thần”, biết đâu thành công heng?

Huy: Cười.

Lâm: Người lớn vẫn còn tồn tại ý kiến, Gen Z chưa có kinh nghiệm gì mà học đòi khởi nghiệp, kiểu “ngựa non háu đá”. Nếu có cơ hội trao đổi thẳng thắn, Huy sẽ nói gì với người có ý kiến này?

Huy: Em nghĩ ý kiến vậy không xác đáng.

Mỗi thế hệ có cơ hội cũng như thử thách khác nhau. Như thế hệ ba mẹ em, họ phải chật vật trong việc cải thiện cuộc sống và hầu như ý nghĩ khởi sự kinh doanh là khá xa vời. Nhưng đó là bởi hoàn cảnh chiến tranh, đói nghèo vây quanh. Còn thế hệ của em đã khác, tụi em không còn quá tập trung vào nhu cầu cơ bản như ăn uống nên có thời gian cho các ý tưởng kinh doanh. Chưa kể, hiện nay tụi em được hỗ trợ đắc lực từ công nghệ, trao cho tụi em nhiều cơ hội bứt phá và tạo khác biệt.

Em cũng biết mình khởi nghiệp chưa đủ kinh nghiệm. Nhưng thật ra em nghĩ học không bao giờ là đủ. Nên như em chia sẻ, khi nhìn “bộ kỹ năng” cùng các nguồn lực của mình tương đối, em nghĩ đến chuyện khởi nghiệp. Cùng với quá trình này, em cũng học hỏi không ngừng, từ thực tiễn và đăng ký các khóa học để cải thiện khả năng chứ không chỉ biết hô hào khởi nghiệp.

***

Cám ơn Huy về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc Huy và FRAMIGOS sắp tới sẽ có các bước chuyển mình, gặt hái thành công, tạo niềm cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, làm giàu đẹp quê hương.

Sài Gòn, ngày 19/6/2023

Nguyễn Thái Hải Lâm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *