CHỌN NGHỀ – KHI LỰA CHỌN KHÔNG PHẢI CỦA MÌNH?

         Vừa qua, Lâm có đến Khoa Luật Kinh tế – Trường Đại học Ngân hàng chia sẻ với các bạn sinh viên về một số trải nghiệm của bản thân đối với nghề luật. Trong phần giao lưu, có một bạn sinh viên đặt câu hỏi khá thú vị:“Nếu đang theo học ngành luật nhưng không yêu thích, vì thi vào ngành này theo mong muốn của cha mẹ thì có nên theo học tiếp không hay chuyển ngành học khác?”.

Tác giả tọa đàm chia sẻ với sinh viên

         Lâm tin rằng nhiều bạn sinh viên cũng có câu hỏi tương tự, nghề nghiệp mà bạn đang theo học vốn không phải là đam mê hay lựa chọn của mình mà xuất phát từ mong muốn của cha mẹ hay theo học cùng trường với bạn bè cũ. Vì vậy, Lâm chia sẻ vài suy nghĩ về vấn đề này, mong rằng các bạn sinh viên có thêm một góc nhìn khi đưa ra quyết định về nghề nghiệp của bản thân.

         Mỗi người chúng ta có những ƯU ĐIỂM, KHÁC BIỆT của bản thân so với phần còn lại. Tùy theo cách phân loại khác nhau (có thể theo trí thông minh như Thomas Armstrong hay phân theo khí chất của tâm lý học,…), chúng ta sẽ có ưu thế ở một số lĩnh vực đúng với đặc điểm của bản thân hoặc gặp bất lợi khi không được phát huy thế mạnh của mình.

          Thông thường, để khám phá ra được những đặc điểm này, một người phải trải qua nhiều lĩnh vực trong một thời gian nhất định, thì mới xác định được điểm mạnh hoặc môi trường phù hợp với bản thân. Đây có lẽ là điều dễ lý giải cho hiện tượng nhiều sinh viên ra trường sau một thời gian lại làm trái ngành (dĩ nhiên là còn nhiều nguyên nhân khác quan trọng hơn).

          Như vậy, điều khó khăn là phần lớn các bạn học sinh cấp 3 thì chưa đủ trải nghiệm để nhận ra tôi thích gì, điểm mạnh ở đâu. Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp cũng chưa được phát huy ở bậc học phổ thông. Điều đó, làm cho học sinh phổ thông rất ít thông tin để đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp của mình. Một phương án khả dĩ hơn là theo bạn bè hoặc nghe theo lời cha mẹ (vì suy cho cùng, cha mẹ cũng có nhiều kinh nghiệm nên có thể xem là nguồn tham khảo tin cậy).

         Mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng nếu sự lựa chọn của cha mẹ cũng là đam mê, thế mạnh của chính các bạn sinh viên. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên khó khăn vô cùng nếu các đặc điểm của bản thân không phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Lúc này, hẳn sẽ nhiều bạn sinh viên có suy nghĩ: nên đi tiếp hay dừng lại? Liệu đi tiếp có ổn không? Chuyển sang ngành khác là ngành nào?

          Lâm tin rằng, trả lời mấy câu hỏi trên là điều không dễ dàng với các bạn sinh viên, khi mà kinh nghiệm lẫn thông tin về xã hội còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, các bạn có thể xem xét 02 câu hỏi sau trước khi quyết định :

          Sự lựa chọn đó không phải của tôi, nhưng có phải nó không phù hợp?

         Sự lựa chọn của cha mẹ (dù đúng hay không) phần nhiều xuất phát từ tình yêu thương và mong muốn con mình có cuộc sống tốt đẹp. Hẳn là cha mẹ cũng phải nắm những đặc điểm của con mình mới đưa ra gợi ý hoặc áp đặt trong một số trường hợp. Nghĩa là, sự lựa chọn ấy cũng có cơ sở, chưa hẳn là không đúng trong mọi trường hợp.

          Điều may mắn hơn là mỗi một ngành nghề đều có nhiều chuyên ngành hẹp. Ở đó, bạn có nhiều sự lựa chọn phù hợp với các đặc điểm của bản thân. Mỗi một ngành nghề này đều có những yêu cầu đặc thù riêng, mà thông thường chúng ta sẽ thích hợp với một hoặc nhiều trong số đó.

          Có thể thấy ví dụ như nghề luật, các bạn có thể chọn trở thành: luật sư tư vấn, luật sư tranh tụng, pháp chế doanh nghiệp, công chức Tòa án, Viện kiểm sát, giảng viên, …chứ không đương nhiên gán ghép tôi khi học nghề luật thì sẽ làm luật sư tranh tụng (và cho rằng tôi ngại giao tiếp, ít nói nên không phù hợp với nghề này).

         Vì vậy, không nên mặc định việc lựa chọn ngành nghề theo ý người khác thì ngành nghề ấy không phù hợp với mình. Thay vào đó, các bạn sinh viên nên tìm hiểu kỹ về ngành học của tôi, về yêu cầu chuyên môn của từng chuyên ngành, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến …. để xem mình có phù hợp hay không, đừng nên đánh giá dựa trên các môn học mà bản thân thấy không phù hợp.

          Lâm tin rằng, các bạn có thể dễ dàng tìm nguồn tham khảo thông qua các anh chị đi trước trong trường học, các tổ chức cộng đồng, diễn đàn, mạng xã hội …..

          Tôi đã cố gắng hết khả năng của bản thân để thích nghi hay chưa?

          Để thích nghi và phát triển trong một ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi nhiều kỹ năng chuyên môn và trải nghiệm thực tế. Điều đó nghĩa là, các bạn phải nỗ lực, cố gắng thật nhiều ngay từ khi còn là sinh viên. Nếu các bạn chưa tập trung học thật tốt, chưa chịu khó tìm hiểu thêm tài liệu bên ngoài, ngại tham gia các tổ chức cộng đồng, hoạt động xã hội, ngại khó khăn khi tìm chỗ để tích lũy trải nghiệm thực tế … dẫn đến kết quả hiện tại chưa tốt, thì vẫn chưa thể kết luận mình không phù hợp. Đơn giản là bạn chưa làm hết sức.

         Vì vậy, trước khi đưa ra quyến định chuyển ngành, chúng ta hãy cho ngành học mà mình đang theo và bản thân có cơ hội hết mình với nhau. Nếu sau khi đã làm hết sức, cố gắng thật nhiều mà kết quả không tích cực thì chuyển ngành là sự lựa chọn phù hợp.
Phải nói thêm rằng, thông qua việc làm hết sức, có thể bạn sẽ dễ dàng nhận ra ưu điểm, thế mạnh của bản thân để phát huy hoặc nhận ra môi trường phù hợp với bản thân.

         Hãy cho bản thân và ngành học một cơ hội.

Chụp hình lưu niệm

        Có mấy điều Lâm chia sẻ đối với các bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn đang có ý định chuyển ngành học vì cho rằng các bạn không phù hợp. Các bạn cân nhắc trước khi đưa ra quyết định về sự nghiệp của mình.

         Thân mến,

          Nguyễn Thái Hải Lâm.

          Sài Gòn, 05.12.2019./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *