BẢO VỆ NGƯỜI YẾU THẾ NHÌN TỪ MỘT VỤ ÁN

Bài viết này được đăng tải lần đầu trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn ngày 02/11/2023. 
Báo Tuổi trẻ online ngày 06/10/2023 có bài viết Bảy con dắt nhau ra tòa giành…quyền nuôi mẹ. Theo đó, bảy người con đưa nhau ra Tòa để giành quyền chăm sóc trực tiếp người mẹ 86 tuổi của mình. Bảy người con – chia làm 2 nhóm có quyền lợi đối lập, đều có lý do để thuyết phục Tòa án chấp nhận nguyện vọng của mình.

Sau nhiều ngày xét xử, Tòa án huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đã tuyên mỗi bên được trực tiếp nuôi dưỡng người mẹ trong sáu tháng, bắt đầu từ ngày 01/10/2023. Cụ thể hơn, khi hết sáu tháng, quyền nuôi mẹ được chuyển lại cho bên còn lại. Việc này sẽ được lặp đi lặp lại cho đến khi người mẹ mất hoặc hai bên ngồi lại cùng nhau tìm được tiếng nói chung.

Liệu có thấu tình đạt lý?

Tòa án đưa ra phán quyết “dĩ hòa vi quý” nêu trên dựa vào việc con cái có trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu, khuyết tật. Trường hợp có nhiều con thì họ đều có nghĩa vụ “cùng nhau” chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Nguyên tắc là vậy, nhưng pháp luật đã không quy định chi tiết hơn, rằng đâu là quyền và đâu là nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cũng như cách thức thực hiện những quyền và nghĩa vụ này.

Chính vì sự không rõ ràng, nên Toà án đã phải vận dụng linh hoạt pháp luật, viện lẽ vì các con không ai bị hạn chế quyền nuôi dưỡng người mẹ nên Tòa án đã tuyên các bên đều có trách nhiệm và đều được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ. Trách nhiệm này luân phiên…6 tháng.

Chưa bàn đến nội dung phán quyết, người khổ tâm nhất trong vụ án có lẽ là người mẹ kia. Bởi lẽ, khi tuổi đã cao, sức đã yếu bà phải chứng kiến những người con tranh chấp quyền nuôi mình. Bên cạnh nỗi khổ về tinh thần, cứ sau mỗi sáu tháng, bà phải thi hành phán quyết của Tòa án bằng cách chuyển nơi cư trú của mình và lặp lại điều này cho đến lúc qua đời hoặc một nhóm người con “bỏ cuộc”.

Với tuổi đã cao, liệu bà có đủ sức tự thi hành phán quyết của Tòa, hay những người con lại tranh chấp với nhau về việc thi hành án? Nghĩ đến tình cảnh này, người ngoài cuộc cũng khó tránh khỏi đau lòng. Không rõ trước khi đưa ra phán quyết, Tòa án đã nghĩ đến các trường hợp này chưa?

Tòa án khi ra phán quyết đã dựa trên quy định pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật cũng cần vận dụng linh hoạt nhằm giải quyết triệt để quan hệ tranh chấp và còn phải hướng đến bảo vệ người yếu thế. Nếu chỉ tập trung vào bề nổi của văn bản pháp luật và quên đi bản chất, dụng ý của nhà làm luật, rất có thể tạo ra những phán quyết khó thi hành và đau lòng như trên. Quan trọng nhất, bên yếu thế – người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi phán quyết mới là bên cần được Tòa án thận trọng xem xét, bảo vệ, chứ không phải là quyền lợi của các bên tranh chấp.

Lý và tình liệu có thể song hành cùng nhau?

Chăm sóc cha mẹ khi già yếu vốn bắt nguồn từ trách nhiệm đạo đức của mỗi cá nhân. Pháp luật chỉ đơn thuần ghi nhận một đạo lý, truyền thống tốt đẹp trong cuộc sống. Quy định bên cạnh việc nhắc nhở còn hướng đến bảo vệ cha mẹ khi lớn tuổi, họ ít có khả năng tự chăm sóc mình, nhất là khi rơi vào hoàn cảnh bệnh tật, ốm đau. Vì vậy, trừ những trường hợp luật định, việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ khi đau yếu là trách nhiệm chung của những người con. Cụ thể, Khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định:

“Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.”

Việc “phải cùng nhau” chăm sóc, nuôi dưỡng rõ ràng đề cập đến một nghĩa vụ, mà người có quyền hay người được pháp luật bảo vệ ở đây chính là cha, mẹ. Một mặt, khi quy định này không nói đến “quyền” của các con trong việc chăm sóc cha mẹ thì Toà án không nên đặt ra việc luân phiên trực tiếp thực hiện những “quyền” này. Mặt khác, rõ ràng điều luật nhắm đến việc bảo vệ quyền lợi của cha mẹ, do đó, giải pháp nếu được đưa ra cũng cần phải cân nhắc đến quyền lợi của họ. Như vậy, cách thức để thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ nói trên cần, và chỉ nên, được thực hiện theo các yêu cầu của người có quyền (cha, mẹ) hoặc theo những cách thức mà pháp luật đã chủ động đặt ra.

Trong vụ án nêu trên, cần xác định mấu chốt của vụ việc là những người con đã không thống nhất được ai có quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc mẹ của bên còn lại. Tranh chấp này không phải là giành “quyền nuôi dưỡng, chăm sóc” của những người con còn lại, cũng không tước đi quyền của họ. Vì vậy, họ cần một phán quyết của Toà án nhằm phân định việc này, chứ không trông chờ vào một kết luận “dĩ hòa vi quý”, nhưng lại thiệt thòi cho chính người trong cuộc – người được pháp luật bảo vệ. Chỉ nhìn từ góc độ này, phán quyết khó mà làm hai bên thực sự hài lòng và điều đó có thể dẫn đến khả năng năng một trong hai bên đưa vụ việc lên cấp xét xử cao hơn.

Để thuyết phục hơn, Tòa án có thể giải thích linh hoạt chữ “cùng nhau” trong quy định nêu trên để chấp nhận hoặc bác bỏ yêu cầu của một bên, mà không tước đi quyền chăm sóc, nuôi dưỡng của bên còn lại. Giải pháp có thể được vay mượn từ một trường hợp có nhiều tính chất tương đồng đó là trường hợp nuôi con sau ly hôn. Theo đó, vì không còn sống chung sau khi ly hôn nên chỉ một trong hai người (cha hoặc mẹ) sẽ là được trực tiếp nuôi con. Nhưng điều này không tước đi quyền nuôi con của người còn lại, họ vẫn có thể chăm sóc con thông qua việc chu cấp, thăm nom, giáo dục mà người cha hoặc mẹ đang trực tiếp nuôi con không thể ngăn cản.

Quay lại vụ việc, một giải pháp thuận tình có thể được xem xét. Ví dụ, nếu một bên được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ trực tiếp thì những bên còn lại có trách nhiệm cung cấp nhu yếu phẩm, tới lui thăm hỏi. Quan trọng nhất, không bên nào được quyền cản trở việc thăm nom, chăm sóc mẹ – là nguồn cơn chính của tranh chấp. Như vậy, người mẹ già không phải đau khổ vì tranh chấp của con mà cũng không phải thi hành án ngoài khả năng của chính bà.

Qua đó, Tòa án cho thấy sự uy nghiêm và tính nhân văn của pháp luật. Bản án không chỉ đơn thuần là giải quyết sự vụ mà còn là một tiền lệ tham khảo, gia tăng sự tin tưởng và tôn trọng pháp luật của người dân. Rất tiếc, Tòa án trong vụ việc nêu trên đã vô tình bỏ qua cơ hội vinh danh công lý bằng một phán quyết hợp cả lý lẫn tình.

Có thể thấy, quy định của pháp luật là mang ý nghĩa tốt đẹp, phù hợp với truyền thống, văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, pháp luật cũng cần được áp dụng một cách khéo léo, linh hoạt nhằm bảo vệ người yếu thế, để họ không tổn thương bởi tranh chấp quyền lợi của các bên. Qua đó, pháp luật trở nên thuyết phục hơn và gần gũi hơn với người dân bằng những phán quyết thấu tình đạt lý. Quan trọng hơn, người yếu thế có nơi tin cậy để dựa vào…

Sài Gòn, ngày 09/10/2023

Nguyễn Ngô Thành Danh – Nguyễn Thái Hải Lâm

Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của các tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *