HỘI THẢO TRỰC TUYẾN: “TRI THỨC TRUYỀN THỐNG – ĐỨA TRẺ VẪN SỐNG”

Ngày 29/02/2024, Lâm có tham dự hội thảo trực tuyến “Tri thức truyền thống – Đưa trẻ vẫn sống” do nhóm IPLovers tổ chức. Khách mời trình bày chính cho chủ đề này là Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Phương Hồng, giảng viên trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM). Lâm có ghi chú lại một số nội dung chính và chủ động sắp xếp lại theo ý mình để tiện theo dõi.

  1. Tri thức truyền thống là khái niệm rộng và cần có sự hiểu biết văn hóa địa phương. Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Quốc tế (WIPO) định nghĩa tri thức truyền thống “là kiến ​​thức, bí quyết, kỹ năng và thực hành được phát triển, duy trì và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong một cộng đồng, thường tạo thành một phần bản sắc văn hóa hoặc tinh thần của cộng đồng đó”.
  2. Pháp luật Việt Nam không đưa ra khái niệm “tri thức truyền thống”. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy khái niệm gần nhất là “di sản văn hóa phi vật thể”. Theo đó, di sản văn hóa phi vật thể là “sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.”
  3. Trong sự so sánh thì khái niệm “tri thức truyền thống” có phạm vi hẹp hơn so với “di sản văn hóa phi vật thể”. Tuy nhiên, dễ thấy điểm hội tụ giữa hai khái niệm là đặc điểm “truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
  4. Khái niệm “folklore” lần đầu xuất hiện năm 1976 tại Tunis Model Law on Copyright for Developing Countries. Bên cạnh khái niệm này, chúng ta cũng biết một số thuật ngữ khác như: “indigenous knowledge”, “folklore knowledge” hay “traditional cultural expressions”cũng được hoán đổi và thường xuất hiện trong các tài liệu.
  5. Một số biểu hiện của “tri thức truyền thống” như: tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ của người Việt Nam, nghệ thuật tranh cắt giấy của người Trung Quốc, hoa văn xăm trên mặt của người Maori – một tộc người đầu tiên khám phá New Zealand, múa móng tay của người Thái Lan….
    Bức tranh “Đám cưới chuột” thuộc dòng tranh Đông Hồ
  6. Trong bối cảnh hiện đại, con người dễ dàng tiếp cận với tri thức truyền thống và sử dụng chúng như một nguồn mạch cảm hứng cho vô vàn sự sáng tạo. Như việc nghệ sỹ lấy cảm hứng sáng tác từ một bản nhạc của người bản địa hay thiết kế trang phục dựa trên trang phục của người dân địa phương…như trường hợp MV Gieo Quẻ, Duyên Âm, Tứ Phủ của nghệ sỹ Hoàng Thùy Linh là một ví dụ. Có thể nói, tri thức truyền thống nói chung hay nghệ thuật dân gian nói riêng là “kho báu” mà nhiều người có thể khai thác.
  7. Các công ty, tập đoàn lớn có lợi thế trong việc tiếp cận và sử dụng tri thức truyền thống, đặc biệt các lợi thế về thông tin, pháp lý và tiềm lực kinh tế. Ngược lại, người dân bản địa thường ở vị thế kém thuận lợi hơn, ít có thông tin và không được tư vấn đầy đủ các khía cạnh về quyền lợi trong các giao dịch. Khi đó, trong giao dịch giữa hai bên, rõ ràng các “ông lớn” thường dành ưu thế về cho mình.
  8. Nếu người bản địa không thấy hài hòa lợi ích trong các giao dịch hay tệ hơn là bị thua thiệt thì họ sẽ có xu hướng khép kín với thế giới bên ngoài, không quan tâm đến việc phổ biến tri thức bản địa. Trong trường hợp này, lợi ích chung của xã hội bị suy giảm và lãng phí nguồn lực.
  9. Pháp luật về sở hữu trí tuệ được xem là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ tri thức truyền thống hay di sản văn hóa phi vật thể. Cụ thể hơn, chúng có thể được bảo vệ theo quyền tác giả hay quyền sở hữu công nghiệp (như sáng chế). Tuy nhiên, thách thức chính là xác định chủ thể sáng tạo, ví dụ ai là người tạo ra một bản dân ca đã truyền đời tại địa phương, ai là tác giả sáng chế là hoạt chất chiết xuất từ thảo mộc? Chưa kể, sẽ có nhiều “dị bản” thì việc xác định tính nguyên gốc của tác phẩm còn phức tạp hơn. Nhìn chung, áp dụng các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ hiện đại vào trí thức truyền thống vẫn còn khá khiên cưỡng.
  10. Khi nghiên cứu về tri thức truyền thống, nên bắt đầu với “biểu hiện văn hóa truyền thống” rồi tới pháp luật. Chính vì vậy, đòi hỏi người nghiên cứu cần có sự am hiểu nhất định văn hóa địa phương.
  11. Khi nghiên cứu về tri thức truyền thống, một số vấn đề trọng tâm thường là:
    • Xung đột với quyền con người.
    • Không tương thích với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
    • Cân bằng quyền giữa công chúng với người dân địa phương.
  1. Thực tế cho thấy, tri thức truyền thống được bảo vệ thường đến từ cộng động mạnh (có tiềm lực tài chính, có tổ chức chặt chẽ, có hỗ trợ pháp lý…) và thường chủ yếu “đấu tranh” về quyền nhân thân. Như trường hợp tộc người Sámi vs Disney. Theo đó, trong bộ phim Frozen II, nhà sản xuất đã phải thỏa thuận với người Sámi để sử dụng một số yếu tố văn hóa liên quan cộng đồng người này như âm nhạc, trang phục,…để không bị xem là “chiếm dụng văn hóa“.

Như đúng mong muốn của khách mời, nội dung hội thảo đã cung cấp cho người tham dự cái nhìn tổng quan và khơi gợi tình yêu với tri thức truyền thống. Biết đâu, những ghi chú từ bài viết này cũng giúp bạn đọc tìm hiểu thêm về tri thức truyền thống và các vấn đề pháp lý xung quanh chủ đề này.

Sài Gòn, ngày 11/7/2024

Nguyễn Thái Hải Lâm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *