Vay tiền là hoạt động phổ biến trong cuộc sống. Vay vì nhiều mục đích: cho sinh hoạt gia đình, vay để làm ăn hoặc khi hữu sự … Nói chung, có nhiều mục đích để người ta vay tiền.
Dù là hoạt động phổ biến nhưng các khía cạnh pháp lý cho hoạt động này ít người quan tâm hoặc sự hiểu biết chưa đầy đủ. Vì vậy, khi bị quỵt nợ, bên cho mượn có xu hướng bỏ cuộc trước các yêu cầu về pháp lý khi muốn khởi kiện tại Tòa án.
Bài viết này cung cấp những vấn đề pháp lý cơ bản khi cho vay tiền, để ít nhất cũng có khả năng thu hồi nợ. Gọi là “khả năng” vì có thể đòi được nợ theo một phán quyết của Tòa án, nhưng con nợ kiệt quệ thì cũng đành bó tay – không có khả năng thi hành bản án.
1. Vay tiền và mượn tiền là khác nhau
Ở góc độ văn bản, các nhà soạn luật xem vay tiền và mượn tiền là khác nhau thông qua quy định về hợp đồng mượn tài sản và hợp đồng vay tài sản.
Vì lẽ pháp luật nhìn nhận “vay tiền” và “mượn tiền” là hai hoạt động khác nhau, nên khi cho cho vay tiền, cần lưu ý để phù hợp với quy định pháp luật. Nếu quen với phương ngữ, khi viết cần lưu ý để tránh rơi vào những tranh cãi không cần thiết. Ở miền Nam, hiếm có ai nói “vay tiền” mà chỉ nói “mượn tiền”.
Trong bài viết này, tác giả có lúc dùng từ “mượn tiền” với ý nghĩa “vay tiền” nhằm gần gũi với phương ngữ Nam bộ.
2. Quan trọng nhất khi cho mượn là chứng cứ giao nhận tiền
Hợp đồng mượn tiền có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng hành động hoặc bằng văn bản (có hoặc không có công chứng, chúng thực). Việc thể hiện qua lời nói hay văn bản chỉ là hình thức thể hiện của giao dịch. Còn thực hiện giao dịch, như giao nhận tiền – trả nợ là một hoạt động khác.
Nôm na hiểu, hợp đồng chứng minh hai bên có thỏa thuận về việc mượn tiền, còn bên mượn có nhận đủ tiền chưa thì cần chứng cứ kèm theo.
Chứng cứ nhận tiền rất đa dạng:
- Biên bản giao nhận tiền.
- Thông tin chuyển khoản.
- Lồng ghép vào trong hợp đồng rằng bên đi mượn đã nhận đủ tiền.
- Chứng từ khác.
3. Đời có vay có trả
Đến hạn thì người mượn phải trả nợ đầy đủ. Lẽ đời là vậy.
Trường hợp cho mượn không có thời hạn, bên cho mượn được đòi lại tiền vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác[1].
Nhưng thế nào là “khoảng thời gian hợp lý”?
Rất khó xác định, tùy thuộc vào số tiền, khả năng tài chính của bên đi mượn….Ví dụ, cho mượn 100 triệu mà bắt phải trả trong 2 – 3 ngày, đối với một người có thu nhập trung bình thì có lẽ không hợp lý, nhưng với thu nhập của một đại gia thì bình thường. Tuy nhiên, về cơ bản đây cũng là nhận định chủ quan của tác giả (vì có nhiều yếu tố khác chi phối đến khả năng trả nợ).
Chưa kể, việc quy định “báo cho nhau” như thế nào cũng cần phải được làm rõ hoặc tốt nhất là quy ước khi mượn tiền.
Để đỡ rắc rối, nên có thỏa thuận rõ ràng về thời hạn trả nợ hoặc tối thiểu là định nghĩa thế nào là “khoảng thời gian hợp lý”.
4. Mượn tiền có thể có thể tính lãi hoặc không tính lãi
Lãi suất cho vay mà pháp luật quy định tối đa là 20%/năm, tức khoảng 1,5%/tháng hoặc 0,05%/ngày. [2] Tạm gọi đây là mức lãi suất trần. Vượt mức lãi suất này, có thể bị xử lý về hoạt động cho vay nặng lãi, nhẹ thì xử phạt hành chính, nếu lãi quá 5 lần mức trần thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự. [3][4]
Lưu ý: mức lãi suất nêu trên không áp dụng trong các hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, vốn đặc thù và có luật riêng điều chỉnh.
5. Nếu lãi suất vay được thiết kế là các khoản phí thì sao? Ví dụ như phí thẩm định, phí tư vấn, phí bảo quản,….?
Đây là cách một số tiệm cầm đồ hay làm. Nhưng về logic, vì có cầm đồ – bản chất là cho vay có tài sản bảo đảm nên phát sinh các loại phí nêu trên có thể chấp nhận. Hiểu nôm na là tiệm cầm đồ có giữ đồ của khách hàng, nên việc liệt kê chi phí bảo quản tài sản, tư vấn, thẩm định…có sự hợp lý nhất định. Còn nếu thuần túy cho vay tiền mà lại có các loại chi phí này thì khá vô lý.
Ngay cả tiệm cầm đồ, gần đây đã có trường hợp bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi. Nếu cách thiết kế thành các loại phí kể trên bị xem là bất hợp pháp (cho vay nặng lãi), có thể tạo tiền lệ không tốt. Dĩ nhiên, trách nhiệm chứng minh tính bất hợp pháp là của Cơ quan Nhà nước, vì pháp luật không cấm các bên thỏa thuận về phí khi cầm đồ.
6. Có nhiều tiền cho vay kiếm sống, đỡ phải đi làm?
Không dễ. Cho vay hay còn gọi là cấp tín dụng là một hoạt động ngân hàng, một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều 8 Luật Tổ chức tín dụng hiện hành đã quy định:
“Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.”
Thực tế, quy định này có nhiều ngoại lệ, dễ thấy nhất là hoạt động cầm đồ hay vay mượn giữa các cá nhân. Dù ít ai bị xử lý khi vi phạm trên nhưng không đồng nghĩa là được phép hành nghề cho vay với tư cách cá nhân.
Việc vay mượn giữa vài cá nhân dựa trên mối quan hệ thân quen, bạn bè, đồng nghiệp thì bình thường. Nhưng nếu cho vay với quy mô và số lượng nhiều hơn thì khó giải thích rằng chỉ giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
7. Điều quan trọng nhất: khi cho mượn tiền phải nắm được khả năng trả nợ và cho vay với khả năng của mình. Tốt nhất là giả định mất khoản tiền đó, mình vẫn ổn. Nếu không có nhiều tiền, nên giúp đỡ bằng cách khác….
Sài Gòn, ngày 11/7/2023
Nguyễn Thái Hải Lâm
Chú thích:
[1] Điều 469 Bộ luật Dân sự hiện hành.
[2] Điều 468 Bộ luật Dân sự hiện hành.
[3] Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.
[4] Điều 201 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của các tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.