“Đoạn đời niên thiếu” là cuốn sách vừa xuất bản của tác giả Phan Thúy Hà. Tương tự 5 cuốn sách trước của tác giả, “Đoạn đời niên thiếu” là câu chuyện của những nhân vật. Lần này, nhân vật là những thiếu niên sống trong thời kỳ cải cách ruộng đất ở Nghệ Tĩnh. Khi kể lại câu chuyện đời mình, họ đều ở tuổi gần đất xa trời.
Tác giả Phan Thúy Hà ghi lại câu chuyện của nhân vật từ lời kể của họ. Đây có thể xem là văn phong đặc trưng và thế mạnh của tác giả, chỉ kể và miêu tả. Rất hiếm có những dòng cảm xúc hay bình luận xen ngang câu chuyện. Nhờ vậy, người đọc dễ hình dung về bức tranh thời cuộc và sống cùng nhân vật qua từng câu chuyện của họ. Cảm xúc – nếu có, là sự tự nhiên khi người đọc đồng cảm với số phận của nhân vật.
Lần này, tác giả chủ ý viết về thiếu niên nhưng không khí của tác phẩm không “tươi” hơn so với trước. Những đứa trẻ đang tuổi lớn phải ghì chặt đời mình vào miếng ăn và vất vả trên hành trình đi tìm con chữ. Nhiều câu chuyện đau lòng khó tránh khỏi làm không khí tác phẩm và cảm xúc người đọc chùng xuống. Sự thật khắc nghiệt, tác giả cũng khó có thể kể khác đi.
Mỗi nhân vật là một câu chuyện với hoàn cảnh khác nhau. Người phải tranh thủ giờ giải lao hay thậm chí cúp học để ra chợ bán sợi bông, đổi lấy vài lon gạo. Người thì tìm cách vượt ra khỏi lũy tre làng để được đi học, đi từ Nghệ Tĩnh ra Hà Nội mà phải gìn giữ từng quả trứng, vì ra đó bán được giá hơn. Hay chuyện thi rớt vì….lý lịch. Chuyện phải xung phong đi làm đường ở vùng cao mới được thi đại học….Cuộc sống của những thiếu niên ở một vùng quê được miêu tả chân thực đến quặng lòng, đau xót. Nó nằm ngoài sức tưởng tượng của một người trẻ như tôi.
Mỗi nhân vật là một câu chuyện với nhiều tình tiết cảm động về sự chịu đựng, vượt khó. Nhưng chung quy lại, những thiếu niên này là nạn nhân. Câu chuyện của họ là hình ảnh của những đứa trẻ mà gia đình bị quy kết là địa chủ, nhìn chung: cùng cực và bế tắc.
Tuy vậy, trong cái u ám cũng ánh lên niềm hy vọng. Đó là tình người còn sót lại. Đó là tinh thần vượt khó, ham học của những đứa trẻ chuẩn bị bước vào đời. Hay xa hơn, đó là phẩm chất của người dân Nghệ Tĩnh. Phải chăng, đây cũng là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến độc giả?
“Đoạn đời niên thiếu” của những đưa trẻ cũng có sự vô tư, hồn nhiên và những phút giây lãng mạn. Đó là phút vui đùa trên đường đi học về được cảm hứng thành một bài hát. Hay đó là giấc mơ sáng tác nhạc cho thiếu nhi. “Bài ca đi học” của tác giả Phan Trần Bảng ra đời từ năm 1955 trong một bối cảnh thời cuộc như vậy:
“Bình minh dâng lên ánh trên giọt sương long lanh
Đàn bướm phơi phới bay trên cành hoa rung rinh
Bầy chim xinh xinh hát vang lùm cây xanh xanh
Chào đón chúng em mau bước nhanh chân tới trường”
Dù vậy, đây chỉ là cảnh hiếm hoi đúng với thời niên thiếu của nhân vật. Phần lớn, họ đều loay hoay và phải tìm cách vượt qua thực tại đen tối.
Tác giả Phan Thúy Hà không nhận mình là nhà văn. Chị từng bộc bạch:
“Tôi nghĩ mọi người khen vì cảm kích việc tôi làm, ủng hộ việc tôi làm, chứ chưa hẳn vì tác phẩm tôi làm ra tốt đến mức được nhận những lời ca ngợi như vậy”
Tôi tự tiện suy đoán chị khước từ danh xưng “nhà văn” vì sách chị viết không phải là văn chương. Đó là tư liệu sống động về một thời đã qua. Bằng cách gặp gỡ trực tiếp các nhân vật, lắng nghe câu chuyện của họ, Chị đã sắp xếp và ghi lại thành các chủ đề khác nhau.
Người thật – việc thật nên sách của chị là nguồn tư liệu quý về thời cuộc. Dù chỉ gói gọn tại vùng quê Nghệ Tĩnh nhưng giúp người đọc hình dung bối cảnh chung của đất nước.
“Ôn cố tri tân” – nhắc chuyện xưa không phải để khơi gợi nỗi đau, mà để người nay nhìn đó là bài học, để đừng lặp lại sai lầm cũ và cùng chung tay tạo nên những điều tốt đẹp.
Sài Gòn, ngày 19/7/2023
Nguyễn Thái Hải Lâm