MỘT VÀI GHI CHÚ TỪ HỘI THẢO TRỰC TUYẾN: “VÉN MÀN” HÀNH NGHỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ

“Vén màn” hành nghề sở hữu trí tuệ (tên gốc “Unmasking IP Practice”) là chủ đề hội thảo trực tuyến do Cộng đồng những người yêu thích sở hữu trí tuệ (IPLovers) thực hiện. Hội thảo mong muốn vẽ nên bức tranh sinh động với nhiều gam màu khác nhau về việc hành nghề trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thích hợp cho các bạn sinh viên hay bất kỳ ai muốn đặt chân vào lĩnh vực này. Theo tinh thần ấy, hội thảo được chia sẻ hoàn toàn miễn phí để các bạn sinh viên dễ dàng tham gia.

Để có bức tranh đa màu sắc, IPLovers đã mời các chuyên gia đang hành nghề ở các quốc gia khác nhau như: Luật sư Wei Wu – từng làm giám định viên tại Trung Quốc và hiện đang hành nghề tại Hoa Kỳ, chị Ngân Trần – chuyên gia về nhãn hiệu đang hành nghề tại Úc và New Zealand, Luật sư Cindy Katerin Sotomayor Mallqui – hiện đang làm cố vấn pháp lý cho một tập đoàn thời trang tại Peru. Đại diện IPLovers, chị Trâm Nguyễn là người dẫn chuyện, gợi mở nội dung để các khách mời lần lượt chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Dù hành nghề luật sư hay cố vấn pháp lý, các khách mời đều cho thấy họ có nền tảng học thuật ấn tượng. Toàn bộ khách mời đều có bằng thạc sỹ luật ở các quốc gia có nền luật học phát triển, bên cạnh sở hữu chứng chỉ hành nghề chuyên sâu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Tầm quan trọng của việc học hỏi, trau dồi kiến thức trong quá trình hành nghề cũng được các khách mời nhấn mạnh trong suốt hội thảo.

Tựu chung, để đạt đến một vị trí nhất định trong nghề nghiệp, các khách mời đều cho thấy sự nỗ lực và bền bỉ của mình. Từ khó khăn trong chuyên môn như tìm hiểu thủ tục tại quốc gia khác hệ thống pháp luật, khởi nghiệp tại quốc gia khác với kinh nghiệm ít ỏi cho đến việc phải trang bị kiến thức ngoài ngành như viết nội dung, truyền thông, xây dựng thương hiệu, chăm sóc khách hàng.

Nhớ lại giai đoạn đầu của sự nghiệp, chị Ngân Trần cho rằng tích lũy kinh nghiệm và tìm kiếm khách hàng là hai thách thức đáng kể mà Chị từng gặp phải trên đất Úc. Luật sư Cindy cũng có chia sẻ tương tự khi đề cập đến những khó khăn trong quá trình hành nghề.

Người dẫn chuyện Trâm Nguyễn cũng chia sẻ kinh nghiệm “thương đau” khi lần lượt bị từ chối bởi các văn phòng luật tại Hoa Kỳ. Nhưng với sự kiên trì, tìm hiểu nguyên nhân sau mỗi lần thất bại, Chị đã tìm được đúng công việc mà mình yêu thích tại quận Manhattan, thành phố New York.

Dù hoàn cảnh khác nhau nhưng các khách mời đều thống nhất, niềm đam mê với sở hữu trí tuệ là vô cùng quan trọng để “giữ lửa” với nghề nghiệp. Kiểu như khi muốn từ bỏ, hãy nhớ lý do mình bắt đầu.

Đi vào cụ thể các khó khăn khi hành nghề tại Trung Quốc và Hoa Kỳ, luật sư Wei nêu một “ca khó”, với hàng loạt các vấn đề cần phải giải quyết từ khách hàng. Với sự kiên nhẫn, luật sư đã giải quyết thành công.

Trong khi đó, nói về quá trình hành nghề tại Úc châu, chị Ngân Trần cho biết gặp nhiều thách thức nhưng điều quan trọng là phải thực hành thường xuyên để “lên tay”, tích cực quảng bá về thương hiệu cá nhân và chăm chỉ tìm kiếm khách hàng từ các kênh khác nhau. Đồng cảm, Chị Trâm Nguyễn cho rằng người hành nghề sở hữu trí tuệ cần cho mình thời gian và sự kiên nhẫn cần thiết, nếu bỏ cuộc sớm là khước từ cơ hội để chiến thắng bản thân.

Ngoài khó khăn khi hành nghề, các khách mời nói về việc nâng cao kiến thức nghề nghiệp. chị Ngân Trần chia sẻ ngoài kiến thức chuyên môn, Chị còn tham gia hàng loạt các khóa học ngắn hạn nhằm mở rộng sự hiểu biết của mình và nâng cao chất lượng dịch vụ. Với kiến thức được trang bị thêm từ các khóa học, Chị biết cách phân loại và hiểu hơn về chân dung khách hàng, từ đó có cách giao tiếp phù hợp.

Xây dựng danh tiếng trong quá trình hành nghề, các khách mời nhận định quá trình “từ zero đến hero” không bao giờ là dễ dàng. Như luật sư Wei chia sẻ, khi thành lập website công ty, Chị không nghĩ có nhiều người tiếp cận. Nhưng rồi theo thời gian, cũng như sự “cộng hưởng” từ truyền thông trên mạng xã hội, Chị được khách hàng biết và tìm đến nhiều hơn.

Trong khi đó, chị Ngân Trần mang đến trải nghiệm rất thực tế. Theo Chị, người hành nghề cần vẽ ra chân dung khách hàng của mình, họ từ đâu đến (bạn bè, người thân hay từ mạng xã hội, Internet,…). Sau khi “vẽ” được chân dung khách hàng, Chị sẽ linh hoạt tìm cách tương tác phù hợp với họ. Lấy ví dụ về ngôn ngữ, trên nền tảng Linkedin thường là bạn bè, đồng nghiệp quốc tế nên chị sử dụng tiếng Anh. Trong khi chia sẻ các bài viết đơn giản, gần gũi về sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội thì chị dùng tiếng Việt. Bên cạnh đó, Chị cũng thường xuyên viết về sở hữu trí tuệ trên các báo, tạp chí như The Saigon Times. Từ đó, dần dần mọi người ghi nhớ và biết Chị là một luật sư chuyên về nhãn hiệu, hành nghề tại Úc và NewZealand.

Đi sâu hơn về hành nghề, chị Trâm Nguyễn đặt vấn đề khi tư vấn trong môi trường quốc tế cho khách hàng, làm sao hài hòa khi pháp luật quốc gia đôi khi có sự khác biệt lớn về triết lý pháp luật (phổ biến là thông luật với dân luật). Chị Ngân Trần cho biết, do từng được học luật tại Việt Nam và sau đó tại Úc, Chị có thể nghiên cứu và tìm thấy sự khác biệt về pháp luật của mỗi quốc gia. Ví dụ, nếu khách hàng cần tư vấn nhãn hiệu ở Úc, chị sẽ khuyên họ hãy sớm đưa nhãn hiệu vào sử dụng vì quốc gia này áp dụng nguyên tắc “first to use” (nôm na hiểu “ai sử dụng trước thì có quyền trước). Ngược lại, nếu là khách hàng tại Việt Nam, Chị sẽ khuyên họ nên nộp đơn càng sớm càng tốt vì áp dụng nguyên tắc “first to file” (nôm na hiểu “ai nộp đơn trước thì được cấp văn bằng bảo hộ trước).

Trong bối cảnh quốc tế, các khách mời cho rằng người hành nghề sở hữu trí tuệ cần xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp tại các quốc gia. Tuy nhiên, để tạo dựng mối quan hệ đồng nghiệp quốc tế đòi hỏi nhiều kỹ năng mềm. Luật sư Wei gợi ý các bạn trẻ nên khởi đầu và duy trì mối quan hệ từ “mạng lưới” cũ như bạn bè chung trường đại học. Từ đó, hướng đến xa hơn là xây dựng hình ảnh về một người có dấu ấn (cá tính), một người cung cấp dịch vụ tốt…để khách hàng tin tưởng và giới thiệu nhiều người khác cùng biết đến.

Cũng có suy nghĩ tương tự, chị Ngân Trần cho rằng nên tận dụng cơ hội gặp gỡ người khác, từ các môi trường khác nhau, sự kiện khác nhau. Việc gặp trực tiếp thường tạo dễ tạo ấn tượng và cảm xúc. Tuy nhiên, khi mới khởi nghiệp, luật sư cũng nên cân nhắc tùy vào chiến lược phát triển, ngân sách mà có cách xây dựng mối quan hệ phù hợp. Là một người có khoảng 8 năm hành nghề tại Hoa Kỳ, đã tham gia nhiều hội thảo chuyên môn quốc tế, chị Trâm Nguyễn cho biết khi làm việc các cơ quan quốc tế như văn phòng WIPO hay tham gia các sự kiện, đó đều là cơ hội tốt để gặp gỡ, kết nối và duy trì mối quan hệ. Bên cạnh đó, Chị cũng đề cập việc tham gia trên các nền tảng mạng xã hội, các nhóm chung sở thích. Nhìn chung, các khách mời đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của mối quan hệ trong quá trình hành nghề.

Khi nói về một số kỹ năng mà sinh viên cần trang bị khi hành nghề, luật sư Wei cho rằng việc chăm sóc khách hàng và nâng cao nền tảng kiến thức liên tục là vô cùng quan trọng. Trong khi đó, chị Ngân Trần có sự phân biệt rõ ràng hơn. Chị cho rằng kỹ năng phản biện và nghiên cứu là “kỹ năng cứng” cần phải có. Về “kỹ năng mềm”, Chị khuyên các bạn sinh viên nên trao dồi kỹ năng giao tiếp, cả nói và viết. Tùy môi trường và đối tượng khách hàng mà viết hay nói đóng vai trò quan trọng hơn. Chị Trâm Nguyễn bổ sung, cho rằng cách tính phí và làm sao để báo giá đảm bảo cạnh tranh trên thị trường là 2 kỹ năng quan trọng. Tuy nhiên, hai kỹ năng này thường thích hợp dành cho người đã có trải nghiệm nghề nghiệp nhất định.

Khoảng hơn một giờ trao đổi, các khách mời mời người tham gia đặt câu hỏi với mình. Rất nhiều câu hỏi thú vị về hành nghề được đặt ra, như việc học thạc sỹ với định hướng làm luật sư thì có quan trọng không, cách quản lý công việc hiệu quả, đúng hẹn…và khép lại bằng câu hỏi mang tính thời sự của chị Trâm Nguyễn: Liệu trí tuệ nhân tạo (AI) có thay thế công việc trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ? Cùng chung quan điểm, các khách mời cho rằng AI chỉ có thể hỗ trợ trong một số ít công việc, không thể thay thế vai trò của luật sư. Quan trọng hơn, AI không thể mang lại cảm xúc, không thể mang lại niềm tin,…những điều mà chỉ duy nhất con người làm được.

Với gần 2 giờ để các khách mời trình bày và hỏi – đáp cùng người tham gia, hội thảo trực tuyến đã mang lại một bức tranh toàn cảnh về hành nghề sở hữu trí tuệ. Với thời lượng có hạn, bức tranh này chỉ là những điểm nét chấm phá, cần có thời gian để khai thác các ngóc ngách của từng vấn đề. Tuy nhiên, những chia sẻ của khách mời là vô cùng quý giá cho những ai muốn dấn thân vào lĩnh vực sở hữu trí tuệ, con đường không trải hoa hồng nhưng luôn thú vị và xứng đáng để đặt chân vào./.

Nguyễn Thái Hải Lâm

Sài Gòn, ngày 05/5/2023

Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của tác giả về vấn đề được quan tâm. Tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *