Ngày 03/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (“Nghị định 15”). Theo nội dung Nghị định 15, các hành vi như:“Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu” có thể bị xử phạt với mức từ 10 – 70 triệu đồng, tùy vào chủ thể vi phạm và môi trường xảy ra hành vi vi phạm (trang thông tin điện tử, mạng xã hội, chủ thể sử dụng dịch vụ mạng xã hội) [1].
Điều đó tạo tâm lý e ngại cho nhiều người, khi mà mạng xã hội trở nên khá phổ biến tại Việt Nam, việc chia sẻ các tác phẩm có thể trở thành hành vi vi phạm pháp luật. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích quy định trên và đánh giá sự tương thích với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (“Luật SHTT”).
Theo quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ là quyền của các tổ chức, cá nhân đối với các tài sản trí tuệ và được chia làm 03 nhóm, bao gồm: quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng [2]. Mỗi nhóm quyền này sẽ bao gồm các đối tượng khác nhau, cụ thể:
– Quyền tác giả có đối tượng là tác phẩm trong các lĩnh vực văn học, khoa học, nghệ thuật.
– Quyền liên quan đến quyền tác giả có đối tượng là cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
– Quyền sở hữu công nghiệp có các đối tượng là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
– Quyền đối với giống cây trồng có các đối tượng là vật liệu nhân giống, vật liệu thu hoạch.
Nghị định 15 xác định “chủ thể quyền sở hữu trí tuệ” tức là đang đề cập đến chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ [3]. Tuy nhiên, với các đối tượng được liệt kê là “tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm” thì có thể hiểu quy định trên chỉ đề cập đến hành vi xâm phạm đến quyền tác giả (vì quyền tác giả có đối tượng là tác phẩm).
Vậy có phải hành vi cung cấp, chia sẻ tác phẩm không được sự đồng ý của tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ?
Pháp luật về quyền tác giả về cơ bản là nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo bằng việc ghi nhận và trao cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả những quyền về nhân thân và tài sản (như quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền sao chép tác phẩm,…). Tuy nhiên, nếu trao những độc quyền này cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và kéo dài không thời hạn thì sẽ hạn chế việc tiếp cận tác phẩm của công chúng và từ đó có thể làm cho hoạt động đổi mới sáng tạo bị đình trệ. Vì vậy, pháp luật các quốc gia đều quy định thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm và đặt ra những ngoại lệ về tiếp cận, sử dụng tác phẩm nhằm hài hòa với lợi ích của công chúng.
Pháp luật về quyền tác giả của Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Quyền tác giả tại Việt Nam được bảo hộ có thời hạn (trừ các quyền nhân thân là: đặt tên cho tác phẩm, công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm thì được bảo hộ vô thời hạn) [4]. Bên cạnh đó, pháp luật về quyền tác giả hiện hành của Việt Nam ghi nhận:
(1) Những trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền.
(2) Những trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền.
Như vậy, đối với tác phẩm đã công bố thì không cần phải xin phép đối với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, còn tùy trường hợp mà không phải trả tiền hoặc phải trả tiền.
(1) Trường hợp không phải trả tiền gồm [5]:
– Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
– Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;
– Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;
– Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại.
– Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;
– Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;
– Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;
– Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;
– Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
– Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.
(2) Trường hợp phải trả tiền gồm [6]:
– Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng.
– Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.
Về cơ bản, việc trả tiền giữa tác giả và/hoặc chủ sở hữu quyền tác giả với người sử dụng được thực hiện trên nguyên tắc thỏa thuận (trừ một số trường hợp Chính phủ đã quy định). Nếu không thỏa thuận được thì mỗi bên có quyền khởi kiện tại Tòa án để giải quyết theo quy định pháp luật.
Cũng cần nói thêm, dù là xuất bản phẩm nhưng cũng có thể không được bảo hộ quyền tác giả nếu thuộc một trong các trường hợp sau [7]:
– Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin.
– Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.
– Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.
Như vậy, Nghị định 15 có đến 03 Điều luật quy định xử phạt về hành vi: “Đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu” là chưa tương thích với các quy định của Luật SHTT.
Sài Gòn, 27/4/2020.
Nguyễn Thái Hải Lâm.
[1] Điều 99, 100, 101 Nghị định15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
[2] Điều 4.1 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
[3] Điều 4.6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
[4] Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
[5] Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
[6] Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
[7] Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.