CÔNG THỨC SẢN PHẨM KHI NHƯỢNG QUYỀN, NÊN BÍ MẬT HAY BẬT MÍ?

Bài viết được đăng lần đầu trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn ngày 11/7/2024.

Nhượng quyền thương mại đang là hình thức được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong lĩnh vực F&B. Với hình thức này, bên nhượng quyền có thể mở rộng hệ thống kinh doanh và nhận về một khoản phí. Song hành với các ưu điểm này, nhượng quyền cũng tồn tại rủi ro, một trong số đó là việc đánh mất công thức sản phẩm vốn đã tạo nên tên tuổi của bên nhượng quyền. Đây cũng đồng thời là lý do khiến không ít doanh nghiệp chần chừ trước sân chơi nhượng quyền.

Khi chế tài mang tính…an ủi

Công thức sản phẩm có thể được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh, một đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Và một trong những điều kiện quan trọng để bí mật kinh doanh được pháp luật bảo hộ là chủ sở hữu phải thiết lập các biện pháp bảo mật cần thiết và duy trì việc bảo mật này[1]. Chủ sở hữu sẽ không được bảo vệ một khi chểnh mảng, lơ là trong việc áp dụng các biện pháp bảo mật, làm cho bí mật kinh doanh dễ dàng tiếp cận được hoặc bị bộc lộ công khai.

Việc chủ động thực hiện các biện pháp bảo mật không chỉ là một yêu cầu pháp lý mà còn là một yêu cầu thực tế, mang tính quyết định. Bởi lẽ, một khi công thức sản phẩm hay bí mật kinh doanh bị bộc lộ rộng rãi, thì việc kiểm soát, truy vết và ngăn chặn bên thứ ba sử dụng có thể vượt quá tầm tay, thậm chí có thể nói là không thể. Khi đó, các chế tài hầu như chỉ nhằm khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Tuy nhiên, tổn thất về lâu dài từ hành vi tiết lộ khó mà đong đếm và khôi phục với vài điều khoản trên hợp đồng hay quy định pháp luật.

Thông thường, trong giao dịch nhượng quyền, bên nhượng quyền có thể ràng buộc trách nhiệm bảo mật công thức sản phẩm thông qua hợp đồng với bên nhận nhượng quyền. Song, giải pháp này chủ yếu ngăn ngừa và tạo cơ sở để khắc phục hậu quả hơn là một giải pháp triệt để như đã nói.

Suy cho cùng, việc giữ kín bí mật kinh doanh chỉ có lợi cho chủ sở hữu chứ không phải ai khác. Do đó, chính chủ sở hữu phải chủ động thực hiện, chứ không thể mong đợi vào thiện chí hay nỗ lực của của người khác thông qua các thỏa thuận, hợp đồng. Chính vì vậy mà thực tiễn có ghi nhận, nhiều bên nhượng quyền đã chủ động giảm rủi ro bằng việc không chuyển giao công thức sản phẩm, mà chỉ giao cho bên nhận nhượng quyền thành phẩm được tạo ra từ công thức.

Ví dụ, theo định kỳ, bên nhượng quyền sẽ cung cấp nước xốt cho bên nhận nhượng quyền để chế biến món ăn theo mô hình nhượng quyền, còn công thức pha nước xốt cụ thể ra sao thì bên nhượng quyền không chuyển giao.

Với bản chất là một giao dịch, các bên hoàn toàn có quyền thỏa thuận chuyển giao hoặc không chuyển giao công thức sản phẩm như trên. Tuy nhiên, rủi ro vẫn tìm ẩn vì bên nhận nhượng quyền có thể phân tích ngược để tìm ra công thức sản phẩm, dù trên thực tế việc này không dễ dàng nhưng khả năng này vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, việc tìm các giải pháp khả thi hơn cũng cần được cân nhắc.

Dĩ độc trị độc

Mặc dù cách tốt nhất để bảo vệ bí mật là không tiết lộ cho bất kỳ ai, nhưng điều này cũng gây khó khăn cho hoạt động nhượng quyền, bởi nó đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn trong việc thiết lập và kiểm soát quy trình. Do đó, việc bộc lộ một phần các bí quyết cho các bên liên quan khi nhượng quyền là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, để có một kết quả tối ưu, doanh nghiệp cần kết hợp nhiều giải pháp khác nhau, như ký kết thỏa thuận bảo mật và không cạnh tranh, cân nhắc chia nhỏ các thông tin, nội dung có thể tiết lộ và phần nào nên giữ lại,…Thậm chí doanh nghiệp cũng có thể tính đến việc đăng ký sáng chế.

Một khi được cấp bằng sáng chế, doanh nghiệp có thể được bảo hộ độc quyền công thức sản phẩm với thời gian lên đến 20 năm, kể từ ngày nộp đơn. Việc đăng ký công thức sản phẩm dưới dạng sáng chế nhằm chủ động tạo cơ sở xử lý bất kỳ hành vi xâm phạm nào trên thực tế, dựa trên văn bằng bảo hộ đã được cấp. Doanh nghiệp không còn phải lo chỉ xử lý vi phạm được một lần mang tinh “an ủi” khi công thức sản phẩm bị tiết lộ. Với bằng độc quyền sáng chế, việc cấp quyền sử dụng cho bên nhận nhượng quyền để nhận thêm một khoản phí li-xăng, bên cạnh phí nhượng quyền có thể được xem là lợi ích kép trong giao dịch.

Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, để công thức sản phẩm có thể được đăng ký dưới dạng sáng chế thì nó cần phải đáp ứng ba điều kiện là (i) có tính sáng tạo, (ii) tính mới và (iii) khả năng áp dụng công nghiệp[2]. Mà để đáp ứng đủ các điều kiện này thì không phải chuyện dễ dàng. Ngoài ra, sau thời gian bảo hộ, các thông tin được bộc lộ khi đăng ký sẽ trở thành tài sản công cộng. Vì vậy doanh nghiệp cần cân nhắc cẩn thận khi chọn lựa giải pháp này: hoặc chỉ áp dụng các sản phẩm nhất định hoặc là cho một vài khía cạnh của sản phẩm.

Coca-Cola là một ví dụ điển hình. Theo đó, công thức sản phẩm của họ được bảo mật nghiêm ngặt, và đồng thời các thành phần và quy trình phụ trợ, như các công nghệ đóng chai và bảo quản, cũng được đăng ký sáng chế nhằm bảo vệ các khía cạnh khác của sản phẩm.

Một hạn chế khác của việc đăng ký sáng chế là doanh nghiệp phải công khai một phần công thức hoặc quy trình trong đơn đăng ký sáng chế. Vì vậy, để tận dụng tối đa lợi ích của việc đăng ký sáng chế mà vẫn giữ được bí mật kinh doanh, kỹ thuật viết mô tả sáng chế một cách khéo léo là rất quan trọng. Cụ thể, việc bộc lộ thông tin trong bản mô tả sáng chế cần vừa đủ để đáp ứng yêu cầu bảo hộ, nhưng chủ đơn vẫn giữ được những điểm cốt lõi tạo nên sự khác biệt của công thức trên thực tế.

Ví dụ, sáng chế là nước xốt A được tạo từ thành phần gồm: dầu hào, đường, bột ngọt, hồ tiêu xay, tương ớt. Tuy nhiên, chủ sở hữu có thể khéo léo mô tả một ngưỡng nhất định, như “100 – 200 gram đường” đủ để một người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực này có thể làm ra nước xốt. Tuy nhiên, chủ sở hữu không cho biết nước xốt ngon nhất (tối ưu nhất) khi sử dụng bao nhiêu gram đường. Hay với thành phần là hồ tiêu trong công thức, chủ sở hữu sẽ không cho biết loại tiêu nào nên được sử dụng, bởi lẽ sử dụng tiêu xanh hay tiêu sọ sẽ mang lại hương vị cay nồng khác nhau và ảnh hưởng lên trải nghiệm của khách hàng. Như vậy, nếu người khác đọc bản mô tả được công bố, họ hoàn toàn có thể làm ra một loại nước xốt tương tự, nhưng có ngon như chính chủ thực hiện hay không là việc khác. Chủ sở hữu vẫn giữ lại các “bí quyết” để tạo ra sự khác biệt của mình.

Về cơ bản, việc đánh giá khả năng bảo hộ của sáng chế và mô tả sáng chế như trên đòi hỏi người viết phải am hiểu và có kỹ thuật viết nhất định – thường sẽ do luật sư về sáng chế hoặc các đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp nhượng quyền có thể cân nhắc ngân sách cho việc sử dụng các dịch vụ này để đảm bảo an toàn đối với công thức sản phẩm của mình trước khi tham gia vào các thương vụ nhượng quyền.

Thay lời kết

Nguy cơ đánh mất công thức sản phẩm trong thương vụ nhượng quyền là một rủi ro có thật, nhưng có thể ngăn ngừa. Để giảm thiểu thấp nhất các rủi ro, doanh nghiệp nhượng quyền cần kết hợp nhiều giải pháp. Bên cạnh các ràng buộc chặt chẽ trong hợp đồng nhượng quyền, việc tham vấn ý kiến từ chuyên gia để lựa chọn phương án bảo vệ tối ưu đối với các tài sản trí tuệ như công thức sản phẩm là cần thiết, tạo nền tảng vững chắc bước vào các thương vụ nhượng quyền.

Chú thích:

[1] Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

[2] Điều 58.1 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

Lưu ýNhững thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của các tác giả về vấn đề được quan tâm. Theo đó, tác giả không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *