Ngày 25/6/2024, Lâm có nhận lời mời tham gia buổi tọa đàm với chủ đề:“Xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu trong kỷ nguyên AI”. Buổi tọa đàm nằm trong chương trình Lễ phát động giải thưởng “Thương hiệu vàng TP.HCM” Lần 5 – năm 2024. Đây là chương trình được thực hiện dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM; Sở Công Thương TPHCM và Thời báo Kinh tế Sài Gòn là đơn vị trực tiếp thực hiện. Xem thêm về chương trình tại link sau: https://thuonghieuvang.thesaigontimes.vn/thuong-hieu-vang-2021/
Ngoài Lâm, tọa đàm còn có sự góp mặt của chị Nguyễn Ngọc Trâm, anh Nguyễn Ngô Thành Danh và chị Nguyễn Trang Phương Thảo. Chị Trâm và anh Danh là các đồng sáng lập của Lab nghiên cứu sở hữu trí tuệ IPGEEKLAB ở Hoa Kỳ và Việt Nam, còn chị Thảo là nguyên Chủ tịch VBCI Phương Nam nhiệm kì 2023 – 2024.
Tại tọa đàm, Lâm có trình bày một số nội dung chính như sau:
Trí tuệ nhân tạo (AI) là một khái niệm rộng, bên trong có rất nhiều phân ngành khác nhau. Thông thường, AI được hiểu là ứng dụng công nghệ học, như học máy (machine learning) hoặc học sâu (deep learning) để tiếp cận và xử lý một lượng lớn dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau…cải thiện theo thời gian để giải quyết các vấn đề đã được xác định từ trước một cách tự động hóa. Ví dụ:
- Muốn có ứng dụng chuyên về viết nhạc, chúng ta cho AI học các kho dữ liệu âm nhạc, nhạc lý, tiết tấu,…
- Muốn có ứng dụng về thiết kế, chúng ta cho nó học các về cách thiết kế, các bao bì đã có trên thị trường,..
Cuối cùng, sau quá trình học, chúng ta chỉ cần thao tác vài câu lệnh thì ứng dụng sẽ cho chúng ta kết quả. Qúa trình này được cải thiện theo thời gian (càng học càng thông minh ra).
Nếu AI cùng tiếp cận các nguồn dữ liệu rộng lớn (input) thì sản phẩm đầu ra (output) tương tự nhau là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, nếu sử dụng AI để tạo ra các nhãn hiệu, logo, hay bao bì sản phẩm,…thì việc tương tự nhau là khó tránh khỏi.
Mặc dù AI mang lại nhiều ưu điểm, đặc biệt trong việc tiết kiệm thời gian, công sức và góp phần quá trình gia nhập thị trường của doanh nghiệp…nhưng nếu làm dụng công cụ này, các nhãn hiệu hay logo, bao bì sản phẩm…có thể làm người tiêu dùng lạc trong ma trận với vô vàn lựa chọn tương tự nhau. Ngoài ra, với sự cộng hưởng từ môi trường thương mại điện tử sôi nổi và nhanh chóng, sự trung thành của người tiêu dùng nhanh chóng bị bị lu mờ.
Vì vậy, doanh nghiệp cần tăng cường phủ sóng nhận diện với khách hàng bằng nhiều hình thức khác nhau, một trong số đó là tham gia vào các giải thưởng uy tín, có tiêu chí và hội đồng thẩm định uy tín. Đây không chỉ là hành động có lợi về truyền thông mà còn là là một chứng cứ pháp lý quan trọng khi cần chứng minh về sự phổ biến, nổi tiếng của nhãn hiệu khi có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến nhãn hiệu.
Khi sử dụng AI để tạo ra một logo, doanh nghiệp có thể đăng ký nhãn hiệu nhưng sẽ gặp khó khăn trong việc đăng ký quyền tác giả. Bởi theo quy định hiện hành, tác giả chỉ có thể là cá nhân, tức một con người cụ thể. Ngoài ra, việc sử dụng AI để tạo ra logo, nhãn hiệu cũng tiềm ẩn những vấn đề pháp lý phát sinh như trùng, tương tự với các tác phẩm đã có hay nhãn hiệu đã được bảo hộ. Chi tiết nội dung này, mọi người có thể tham khảo qua bài viết của Lâm và anh Danh tại link sau: https://nguyenthaihailam.com/tao-lap-nhan-hieu-voi-a-i-chien-luoc-toa-sang-hay-rui-ro-chuc-cho/
Nhìn chung, AI là một thành quả công nghệ có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần học cách sử dụng để tiết kiệm nguồn lực…thay vì phụ thuộc quá nhiều vào công cụ này. Ngoài các nội dung trên, các vấn đề về hợp đồng nhượng quyền, tác động của các sản phẩm tạo ra bởi AI lên trải nghiệm khách hànghay thị trường nói chung, các chiến lược tăng tính độc đáo cho nhãn hiệu,….cũng được Lâm và các diễn giả trình bày.
Dưới đây là một số hình ảnh từ buổi tọa đàm.